08/01/2013 06:04 GMT+7

Pháp luật và tội phạm tình dục

HÀ THANH - BÌNH THANH ghi
HÀ THANH - BÌNH THANH ghi

TT - Sau các bài viết về thực trạng cưỡng hiếp, quấy rối tình dục thông qua tuyến bài “Những cuộc đời bị biến dạng”, các luật sư, chuyên gia tâm lý đã chia sẻ quan điểm với Nhịp sống trẻ về loại tội phạm này.

* GS.TS Lê Thị Quý (viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển):

Không đặt mình vào nguy hiểm

Để không đặt mình vào tình huống nguy hiểm, các bạn gái nên hết sức thận trọng với các điều sau: tránh ăn mặc hở hang, có thái độ gợi tình, đi một mình vào trời tối, ở nơi vắng người, tâm sự yêu đương ở nơi nguy hiểm, quá tin bạn mới quen... Các bạn nam/nữ bị quấy rối tình dục hoặc cưỡng hiếp hãy dũng cảm tố cáo người phạm tội.

Nhà nước cần có những biện pháp trừng trị mạnh hơn cho loại tội phạm này. Gia đình và xã hội cần cảm thông hơn, phẫn nộ hơn và sẵn sàng giúp đỡ nạn nhân hồi phục thể chất và tinh thần.

* Luật sư Nguyễn Hữu Phước (thành viên Hiệp hội Luật sư châu Á - Thái Bình Dương):

Hình phạt không đủ sức răn đe

Trước đây, Bộ luật hình sự năm 1999 cho phép áp dụng hình phạt tử hình đối với loại tội phạm hiếp dâm (nếu gây thương tật cho nạn nhân từ 61% trở lên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội, khiến nạn nhân chết hay tự vẫn). Nhưng sau khi sửa đổi bộ luật vào năm 2009, hình phạt tử hình với loại tội phạm trên bị bãi bỏ. Do vậy nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp trên, người phạm tội bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc chung thân. Bên cạnh đó, tội phạm hiếp dâm ở khung hình phạt thấp nhất chỉ chịu hình phạt tù từ 2-7 năm. Có vẻ đây là mức án khá nhẹ so với những tổn thương nghiêm trọng mà nạn nhân phải gánh chịu. Vì hình phạt không đủ sức răn đe nên ngày càng có nhiều vụ án làm xã hội bàng hoàng và phẫn nộ.

Tôi cho rằng phụ nữ nên được trang bị một số kỹ năng phòng vệ. Tuy nhiên, việc chống trả có thể kích thích người phạm tội cố gắng thực hiện hành vi đến cùng và có thể khiến nạn nhân thiệt mạng. Dưới góc độ pháp lý, nạn nhân cần lưu ý đặc điểm nhận dạng của người phạm tội để tố cáo hoặc tìm cách giữ vật chứng như mẫu vải, mẫu tóc, tài sản cá nhân... làm cơ sở cho việc xét xử ở giai đoạn sau, trong trường hợp người phạm tội chối tội.

* Luật sư Trần Công Ly Tao (phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM):

Nặng về giáo dục

Độ tuổi có hành động xâm hại tình dục ngày càng trẻ hóa, hành vi dã man hơn, đối tượng đa dạng hơn (không chỉ người ăn mặc khêu gợi mà người ăn mặc kín đáo cũng có thể trở thành “con mồi”). Hơn 70% vụ án tôi thụ lý, bào chữa về hiếp dâm đều rơi vào đối tượng trẻ.

Tuy nhiên, biện pháp phòng ngừa và răn đe chưa đạt hiệu quả cao. Các biện pháp cần có sự đồng thuận của toàn xã hội: nặng về giáo dục. Giáo dục phải luôn đi đầu: hướng dẫn pháp luật trên nhiều phương tiện truyền thông, đưa pháp luật tình dục và giáo dục giới tính vào các chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh THCS... Đây là cách răn đe từ trong nhận thức.

* TS Trần Thị Thu Mai(phó trưởng khoa tâm lý - giáo dục ĐH Sư phạm TP. HCM):

Hướng dẫn kỹ năng xã hội cho người bị hại

Các triệu chứng sang chấn tâm lý do bị xâm hại luôn làm xáo trộn cuộc sống của trẻ vị thành niên. Các em sợ đối mặt với những kích thích gợi lại tai nạn, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu gắt, quá cảnh giác với kích thích bên ngoài và có xu hướng thu mình lại.

Những hậu quả này có thể kéo dài nhiều năm đến khi nạn nhân trưởng thành. Những người này thường có biểu hiện trầm cảm. Nếu tình trạng lo lắng ở mức độ cao có thể dẫn đến hành vi tự hủy hoại cơ thể, rối loạn lo âu…

Cho đến thời điểm này chưa có đáp án cho câu hỏi: liệu các nạn nhân có thể phục hồi gần như hoàn toàn hay không? Dù vậy các chuyên gia vẫn đưa ra những giải pháp trị liệu, ít nhất cũng làm giảm tác động xấu nhất của nó.

Sự nâng đỡ tình cảm của người xung quanh sẽ giúp trẻ hiểu rõ giá trị bản thân, loại bỏ mặc cảm tội lỗi thường gặp ở trẻ bị xâm hại tình dục. Việc thảo luận, đọc sách nói về lạm dụng tình dục và điều trị tâm lý giúp nạn nhân trở lại cuộc sống bình thường. Thời gian cũng là một yếu tố quan trọng để làm giảm các sang chấn tâm lý gây nên do xâm hại tình dục.

Hiện có nhiều liệu pháp tâm lý nhưng hiệu quả nhất là hướng dẫn kỹ năng xã hội và tái cấu trúc cách hiểu của trẻ đối với sự kiện không may xảy ra, để trẻ tự kiểm soát cuộc đời của mình.

HÀ THANH - BÌNH THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp