Mâu thuẫn bắt đầu sau khi Vương quốc Anh và đảo Jersey từ chối cấp giấy phép cho hàng chục tàu cá của Pháp đánh bắt trong vùng biển của họ - Ảnh: BBC
Theo thông tin đăng tải trên Đài BBC ngày 28-10, trong diễn biến mới nhất, Pháp dọa sẽ không cho tàu thuyền của Anh cập các bến cảng của Pháp.
Trước đó, Pháp cho biết sẽ kiểm soát chặt tàu và xe tải đến từ Vương quốc Anh, và sẽ nhắm vào nguồn cung năng lượng qua đảo Channel ở eo biển Manche nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về việc cấp phép cho tàu cá Pháp.
Bộ trưởng Brexit của Anh Lord Frost cho biết hành động của Pháp buộc Anh phải tìm cách "làm rõ gấp" các kế hoạch của nước này.
Câu chuyện bắt nguồn từ việc Pháp không đồng ý với quyết định tháng trước của Anh và đảo Jersey, một thuộc địa của Vương quốc Anh, khi từ chối cấp phép đánh cá cho hàng chục tàu cá của Pháp. Paris cho rằng điều này vi phạm thỏa thuận Brexit.
Tối 27-10, Pháp ra tối hậu thư nói họ sẽ bắt đầu áp đặt "các biện pháp có mục tiêu" từ ngày 2-11 gồm: không cho tàu cá của Anh xuống hàng tại cảng; tăng cường kiểm tra biên giới và vệ sinh với hàng hóa của Anh; thắt chặt kiểm tra an ninh trên tàu thuyền của Anh và tăng cường kiểm tra xe tải đi và đến Anh.
Pháp cho biết họ cũng chuẩn bị các biện pháp trừng phạt khác, có thể bao gồm cắt nguồn cung cấp điện cho đảo Jersey.
Chính phủ Pháp khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp thủy sản của mình và chờ câu trả lời từ Anh "trong vài ngày tới".
Bộ trưởng Lord Frost giãi bày: "Thật đáng thất vọng khi Pháp cảm thấy cần phải đưa ra những lời đe dọa nhằm vào ngành đánh bắt cá của Anh và các thương nhân với quy mô lớn hơn. Vì không có thông báo chính thức từ Chính phủ Pháp, chúng tôi sẽ gấp rút tìm cách làm rõ kế hoạch của họ và xem xét các hành động phù hợp cần thiết".
Chính quyền Anh cho biết đe dọa trừng phạt của Pháp là "không phải là những gì chúng tôi chờ đợi từ một đồng minh và đối tác thân thiết".
Một người phát ngôn của Chính phủ Anh cho rằng các biện pháp mà Pháp đe dọa dường như không phù hợp với Hiệp định thương mại và hợp tác cũng như luật pháp quốc tế.
Anh sẽ nêu quan ngại với EU và Chính phủ Pháp vì Anh đã cấp 98% đơn xin cấp phép của các tàu thuyền châu Âu. Các đơn đăng ký bị từ chối vì không có đủ bằng chứng chứng tỏ họ có lịch sử đánh bắt cá ở vùng biển của Anh hoặc Jersey.
Trước đó, quan hệ ngoại giao Pháp - Anh trở nên căng thẳng sau khi Paris mất hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá hàng chục tỉ USD cho Úc vào tay Anh và Mỹ.
Theo thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa Úc, Vương quốc Anh và Mỹ (AUKUS) được ký kết hôm 15-9-2021, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc phát triển và triển khai tàu ngầm hạt nhân. Pháp xem AUKUS là thỏa thuận "đâm sau lưng" mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận