Thư ký các vấn đề châu Âu của Pháp Clément Beaune - Ảnh: archyde.com
"Giữ lời là điều kiện của sự tin cậy giữa các nền dân chủ và các đồng minh. Vì vậy, tiếp tục cuộc đàm phán thương mại như thể không có chuyện gì xảy ra với một quốc gia chúng tôi không còn tin tưởng là việc không thể nghĩ đến", thư ký các vấn đề châu Âu của Pháp Clément Beaune nói trên tờ Politico.
Các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Úc được khởi động vào tháng 6-2018 và đến nay đã trải qua 11 vòng đàm phán, bao gồm các nội dung dỡ bỏ các rào cản với xuất khẩu và quyền sở hữu trí tuệ...
Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra vào cuối mùa thu năm nay. Mặc dù Ủy ban châu Âu (EC) có quyền tiến hành các cuộc đàm phán thương mại thay mặt 27 quốc gia trong khối, song theo đánh giá của Đài CNN, EC khó có khả năng đi đến thỏa thuận nếu Pháp phản đối.
Trong buổi phỏng vấn độc quyền dành cho Đài CNN ngày 20-9, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết có "rất nhiều câu hỏi" phải được trả lời về sự sụp đổ của thỏa thuận tàu ngầm giữa Pháp với Úc, hiện được thay bằng thỏa thuận AUKUS giữa Úc với Mỹ và Vương quốc Anh.
Bà Von der Leyen khẳng định: "Một trong những quốc gia thành viên của chúng tôi đã bị đối xử theo cách không thể chấp nhận được, vì vậy chúng tôi muốn biết điều gì đã xảy ra và tại sao". Bà cho rằng sự việc cần được làm rõ "trước khi có thể tiếp tục quan hệ như bình thường".
Trước đó, Eric Mamer, người phát ngôn chính của EC, cho biết vòng đàm phán EU - Úc tiếp theo được lên kế hoạch vào tháng 10-2021 và EC hiện đang phân tích tác động sẽ có của thỏa thuận AUKUS với kế hoạch này.
Theo EC, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Úc năm 2020. Thương mại hàng hóa giữa hai bên đạt 42 tỉ USD trong năm 2020 và thương mại dịch vụ đạt 30 tỉ USD năm 2019.
Thỏa thuận thương mại tự do giữa hai bên có thể tăng thêm từ 2,1 tỉ USD và 4,6 tỉ USD vào GDP của EU vào năm 2030.
Đe dọa chặn đàm phán về thỏa thuận thương mại với EU của Pháp xảy ra vào thời điểm Úc đang tìm cách phát triển các thị trường xuất khẩu mới sau khi quan hệ của Úc với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, xấu đi trong thời gian gần đây.
Các mặt hàng như than, rượu vang, lúa mạch, thịt bò Úc… đều bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng thỏa thuận AUKUS càng khiến Bắc Kinh ác cảm với Úc hơn nữa.
Về phía Trung Quốc, nước này đang tìm cách gia nhập các hiệp định thương mại lớn khác như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP là một hiệp định thương mại tự do gồm 11 quốc gia, có hiệu lực vào tháng 12-2018.
Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tuần trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận