Chiến sĩ của Lữ đoàn 434 (Quân đoàn 4) trong giờ thực hành tại thao trường trưa 11-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Những tân binh vừa nhập ngũ sau Tết Nguyên đán vừa qua cũng đã bắt đầu “quen việc”.
Hăng say thao trường
7g sáng, khi bãi cỏ ở thao trường của đại đội 3, tiểu đoàn 1, lữ đoàn pháo binh 434 còn ướt sũng thì chiến sĩ đã xếp hàng, tay cầm cuốc xẻng tập trung về bãi tập. Trước đó, những chiếc xe pháo ì ầm kéo những khẩu pháo ra thao trường.
Người đại đội trưởng đại đội 3 có nước da nâu bóng, đại úy Nguyễn Duy Cương đứng lớp với bài học về các lượng sửa của pháo. “Tức là đưa pháo về đúng các thông số để khi vào trận địa hay chiến đấu thì hoạt động tốt nhất” - đại úy Cương giải thích.
“Khẩu đội vào vị trí chiến đấu!” - khẩu lệnh dõng dạc vang lên. Ngay lập tức, một tốp có nhiệm vụ điều khiển pháo, tốp khác dùng xẻng xắn đất tạo ra hai hố thiết bị vào vị trí.
“Hai hố này dùng để đặt bó củi, nằm sau càng pháo. Khi bắn, pháo giật về đằng sau thì bó củi này sẽ chịu lại” - đại úy Cương giải thích.
Những khẩu lệnh khác liên tục vang lên. Thao trường đầy nắng lúc này chỉ có màu xanh của cỏ, của áo lính, của xe pháo và những khẩu pháo đồ sộ.
Đại úy Nguyễn Duy Cương cho biết: “Lữ đoàn có ba loại pháo: pháo 130mm, pháo 105mm và pháo BM-21 loại 40 nòng. Mỗi đơn vị sẽ chuyên huấn luyện một loại pháo. Ở đại đội này chiến sĩ được huấn luyện với loại pháo nặng nhất (7.700kg) là pháo M46 130mm nòng dài”.
Lau giọt mồ hôi trong giờ giải lao, chiến sĩ Sâu Sậu Phước Hiệp (22 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) cười lém lỉnh: “Mình là bộ đội được gần năm tháng rồi. Ba tháng tân binh mình được học chính trị, điều lệnh đội ngũ, học bắn súng AK, ném lựu đạn, tập chiến thuật lăn lê bò trườn... Sau đó là bước vào huấn luyện chuyên ngành pháo, đến nay được hơn một tháng”.
Hiệp kể ngày đầu tiên nhìn thấy các loại pháo cũng... sợ. Nhưng sau đó Hiệp rất háo hức, tò mò, muốn tìm hiểu thật kỹ. “Sau hai năm quân ngũ, được học và tiếp xúc với pháo như thế này, tôi nghĩ đó là may mắn với mình” - Hiệp bộc bạch.
Theo quy trình học, đến tháng thứ ba của chuyên ngành pháo, các chiến sĩ “đi chiến thuật được” và rèn luyện thành thạo cho đến lúc xuất quân. Nội dung này được cho là khó nhất vì phải tổng hòa tất cả các nội dung đã học.
Đã nguôi nhớ nhà
Khi được hỏi đã quen với môi trường quân ngũ chưa, binh nhì Hồ Văn Minh Tiếng (21 tuổi, quê Bến Tre), đại đội 7, tiểu đoàn 3, tâm sự: “Thời gian đầu mọi thứ còn khá khó khăn vì lạ. Giờ mọi người như anh em trong nhà. Lâu lâu mình nhớ nhà thì đồng đội, chỉ huy cũng động viên. Một tháng ba mẹ lên thăm một lần nên đỡ nhớ”.
Tương tự, chiến sĩ Sâu Sậu Phước Hiệp mất một tháng rưỡi để quen dần cuộc sống xa nhà. Trước giờ Hiệp có đi chơi, du lịch thì chỉ 2-3 ngày là cùng.
Hiệp cười nhớ lại: “Khi nhập ngũ, mình đang học năm cuối ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống của Đại học Hoa Sen. Mình nhận được giấy gọi là đi thôi, không tạm biệt họ hàng, bạn bè nên bị “chửi” dữ quá”.
Bản tính hoạt náo, hay đùa, vào quân ngũ rồi Hiệp tự rèn để “người lớn” hơn, nghiêm túc hơn. Vốn là một “cậu ấm”, Hiệp bảo chỉ cần học được tính cẩn thận, tỉ mỉ sẽ làm được mọi thứ.
“Mình mất có hai tuần để xếp chăn, gối đúng, đẹp! Hai tuần là nhanh nhất ở đây. Ai xếp xấu thì buổi trưa không được ngủ, phải ngồi xếp hoài. Mà mình thì muốn được ngủ” - Hiệp vui vẻ khoe.
Từ cậu trai béo ú, Hiệp sụt...13kg. “Ở đơn vị, cứ mở mắt ra là làm việc, học. Tối về mệt lăn ra ngủ. Nhưng nhờ vậy mà không có thời gian để... nhớ nhà” - Hiệp nói.
Gắn bó với những chiến sĩ mới này từ ngày vừa vào đơn vị, đại úy Thái Quốc Dũng, chính trị viên tiểu đoàn 1, cho biết các chiến sĩ mới thời gian đầu thường nhớ nhà. Nhiều đêm đi kiểm tra thấy có anh em khóc vì không chỉ nhớ nhà mà nhớ cả... người yêu.
Cùng với chỉ huy, anh cố gắng động viên, tìm hiểu hoàn cảnh, an ủi các chiến sĩ. Những lúc chiến sĩ tập luyện ngoài thao trường vất vả, người chính trị viên ra tận nơi động viên anh em.
Sau mấy tháng quân trường, nhiều chiến sĩ vốn không biết giặt đồ, nấu ăn... nay đã tự làm được. Mỗi buổi chiều tập luyện xong, chiến sĩ mới lại cùng nhau rửa, lau chùi pháo, cùng nhau tăng gia sản xuất, chơi thể thao, giao lưu văn nghệ... nên càng gắn bó, yêu thương nhau hơn.
Vừa nhập ngũ, vừa tốt nghiệp đại học Chiến sĩ Châu Đỗ Trung Kiên (24 tuổi, ngụ Q.5) đang học năm cuối ngành kiến trúc Trường đại học Văn Lang. Mẹ 59 tuổi, lại bị gãy chân phải bắt ốc vít nên Kiên vừa học, vừa làm thêm, kiếm tiền lo cho mình và mẹ. Khi có lệnh gọi, Kiên nhập ngũ nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành chương trình học để kịp tốt nghiệp. Mỗi tối Kiên được đơn vị tạo điều kiện để lên phòng cán bộ hai tiếng để vẽ, thiết kế đồ án tốt nghiệp. Rồi Kiên ngược xuôi từ đơn vị - trường đại học để sơ khảo, bảo vệ đồ án. Cuối cùng, Kiên đã bảo vệ thành công, tốt nghiệp đại học loại khá vào tháng 6 vừa qua (ngành kiến trúc tốt nghiệp loại giỏi khá hiếm). Kiên bảo bản thân rất hay lo lắng, nhất là mẹ đang ở nhà một mình. Nhưng một lần đọc được cuốn sách, đại ý nói: Thời điểm nào thấy đáng lo nhất thì hãy lo, không thì thôi. Vì vậy sau khi tốt nghiệp, Kiên đã gạt qua lo lắng, tập trung vào huấn luyện tại đơn vị. Ra trường Kiên sẽ về lo cho mẹ và tiếp tục học thêm ngành xây dựng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận