Phóng to |
Cứ thế, lần khân mãi, mới đây Phan Vũ (tác giả của Em ơi! Hà Nội phố - bài thơ đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc) mới cho in tập thơ đầu tiên: Thơ Phan Vũ (NXB Văn Học).
* Thưa nhà thơ Phan Vũ, xuất hiện cùng thời với Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm… và luôn bền bỉ cùng thơ, nhưng có cảm giác ông không muốn trở thành nhà thơ, không cố tình làm thơ?
- Cũng có thể nghĩ như vậy. Nhưng cũng chẳng biết đâu mà nói. Tôi từng nghĩ mình là kẻ lông bông, làm thơ, viết kịch, đạo diễn, vẽ tranh đều là vui chơi cả. Nhưng vừa rồi đi sang Pháp một tháng, tôi bỗng nghĩ giá như mình được sang Pháp cách đây 15 năm, và hồi nhỏ bố cho mình theo học vẽ!
Về thơ, bài thơ tôi làm đầu tiên là bài Bình vỡ (1956). Bài này đã lên khuôn báo Nhân Văn số 6, nhưng rồi không in (Tờ Nhân Văn ra được 5 số thì ngưng-PV). Đây có thể xem là quan niệm sống, ý niệm nghệ thuật của tôi: Cuộc đời đi qua với bao tình cờ nghiệt ngã/Trên đường đi đầy hoa đỏ/Nhưng không có mùi hương thơ ngây/Bởi trong tôi chiếc bình xanh đã vỡ.
Trong khi nhiều người có vẻ bị ảnh hưởng thơ của Maiakovski thì tôi lại thích thơ Jacques Prévert. Không hiểu sao trong đầu tôi luôn vang lên những nhạc khúc. Tôi làm thơ không vần nhưng kỳ thật là vần lẫn vào những nhịp điệu.
Tôi chơi với các nhà thơ trong nhóm Nhân văn, nhưng lại ít tụ tập, cũng ít làm thơ in báo, mỗi năm tôi chỉ làm một hai bài mà thôi. Sở dĩ tôi được gọi là nhà thơ vì thường… xuất bản miệng mỗi khi uống rượu say. Tôi là người thích đọc thơ hơn in thơ.
* Sau tập thơ này, ông có dự định in tiếp hay không?
- Khi vẽ, tôi bôi xóa tùy hứng, nhưng trước khi đặt bút viết thơ thì lại ngập ngừng. Bởi thơ đối với tôi là sự cao quý, cần được tôn trọng trong từng phút giây…
Hiện tôi có khoảng 100 bài thơ bản thảo. Nhưng cái mà tôi muốn in tiếp là một trường ca tôi đang viết về quê hương. Tôi sinh ra tại Hải Phòng, nhưng quê cha tôi là Đà Nẵng. Trong nhiều năm nay tôi đã nhiều lần về Đà Nẵng. Tôi đã ấp ủ những điều sẽ viết về Đà Nẵng. Nhưng vừa rồi sang Pháp gặp những người bạn xa xứ, ý niệm về quê hương trong tôi có thay đổi. Tôi sẽ mở rộng biên độ quê hương trong thơ tôi.
Cũng xin nói thêm, trên những đường phố nước Pháp, tôi luôn thấy những bàn chân bước đi vội vã ngày đêm. Thế nhưng, trên mặt người luôn hiện ra sự thoải mái, tự tin. Còn ở thành phố chúng ta, mỗi ngày chen chân ra đường, tôi lại bắt gặp những gương mặt đầy âu lo, phiền muộn. Tôi bị ám ảnh bởi những đôi mắt người Việt buồn như thế trong từng ngày…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận