17/07/2019 14:36 GMT+7

Phan Vũ mãi là chàng trai lãng mạn nồng nàn trong 'Hà Nội phố'

MI LY
MI LY

TTO - Trong ký ức của bạn văn, bài thơ 'Hà Nội phố' mãi mãi thể hiện đúng con người Phan Vũ, cho dù ông còn trẻ trung phong độ hay đã về già...

Phan Vũ mãi là chàng trai lãng mạn nồng nàn trong Hà Nội phố - Ảnh 1.

Nhà thơ Phan Vũ ra đi ở tuổi 93 - Ảnh: FB nhân vật.

Sự ra đi của nhà thơ Phan Vũ rạng sáng 17-7 khiến nhiều bạn văn thương tiếc, không nguôi nhớ về những kỷ niệm với ông trong những lần gặp gỡ cuối. Trong nhiều bài viết tưởng nhớ, những câu thơ của Hà Nội phố lại vang lên như dư âm bất diệt về một con người, một cuộc đời, một thời đại.

"Em ơi! Hà Nội - phố/ Ta còn em chuỗi cười vừa dứt/ Chút nắng vàng le lói vườn hoang/ Vàng ngọn cỏ/ Cô gái khẽ buông rèm cửa/ Anh chàng lệch mũ đi qua/ Lời tỏ tình đêm qua dang dở", đó là bóng dáng tuổi trẻ của Phan Vũ.

Hoặc cũng là bóng dáng tuổi trẻ của Hà Nội một thời sắp xa: "Rượu làng Vân lung linh men ngọt/ Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa.../ Ngơ ngẩn bao chàng trai Kẻ Chợ/ Cơn say quá dài thành một cơn mê...".

Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang) - Ngọc Tân

Phan Vũ có cuộc đời dài 93 năm, sống gần trọn một thế kỷ và vắt qua một thế kỷ khác, thiên niên kỷ khác. Bởi vậy, không nhiều bạn bè gắn bó với ông từ thưở ấu thơ hay thời còn trẻ. Nhiều người chỉ có cơ hội gặp gỡ và quen biết ông những năm cuối đời.

Trong số đó, Phan Vũ có rất nhiều bạn "vong niên". Họ kém ông nhiều chục tuổi nhưng coi ông như một "ông anh", người chú tuổi 90 nhưng trẻ mãi, "mãi mãi tuổi thanh niên".

Phan Vũ mãi là chàng trai lãng mạn nồng nàn trong Hà Nội phố - Ảnh 3.

Một bức tranh của Phan Vũ với các câu thơ trong "Em ơi Hà Nội phố" - Ảnh: FB nhân vật.

Một nhà phê bình văn học chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: "Tôi quen biết Phan Vũ trong chặng cuối cuộc đời ông. Trong mắt tôi, ông rất đàn ông, rất nghệ sĩ, rất trọng bạn bè. Ông không có cách biệt do tuổi tác hay những năm tháng dài đằng đẵng đã sống.

Khi nói chuyện với bạn bè nhiều thế hệ, ông vẫn rất đồng điệu, dễ dàng bắt nhịp. Tôi may mắn được ông quý mến như một người đàn em, gặp nhau là uống chén rượu, nói chuyện thơ phú, tình yêu, cuộc đời".

Phan Vũ hoạt động văn chương nghệ thuật từ những năm 1960, đến nay gần 60 năm. Ông sống và viết qua nhiều thời đại của đất nước, nhưng luôn giữ được lòng yêu văn chương trong sáng.

Sống xa Hà Nội nhưng đầy ắp kỷ niệm tuổi trẻ với Hà Nội, ông luôn mong muốn những lần ra Hà Nội đọc thơ cho bạn văn. Đặc biệt đáng tiếc là lần vắng mặt tại buổi ra mắt tập thơ Ta còn em (Nhã Nam) vào năm 2018 tại Hà Nội.

Phan Vũ nổi tiếng nhất với Hà Nội phố đầy lãng mạn, thế còn con người ngoài đời?

"Hà Nội phố đúng là con người Phan Vũ. Cái nồng nàn tình cảm, những kỷ niệm hồi ức. Mỗi căn gác, góc phố, tiếng dương cầm... đều là kỷ niệm của chính ông. Khi về già, ông kể chuyện rất cuốn hút, giọng nói trầm ấm, quyến rũ. Lớp trẻ yêu quý ông, muốn xuất bản thơ cho ông", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ lại.

Phan Vũ có đông đảo bạn bè, bạn văn quen biết. Về cuối đời, ông chủ yếu sống bằng kỷ niệm, hồi ức. Ông gói gọn cuộc sống trong xưởng vẽ của riêng mình ở quận 9, TP.HCM. May mắn gặp gỡ trong những năm tháng cuối, nhà báo Trần Minh (kém ông gần 60 tuổi) có ấn tượng sâu sắc.

"Những năm tháng cuối đời, Phan Vũ gần như chỉ ở Sài Gòn, thi thoảng mới ra Hà Nội cho những buổi đọc thơ, rồi lại trở về cái xưởng vẽ bé xíu ở quận 9. Bởi vì ở Hà Nội, những thứ ông yêu đã mất. Những ngã tư và những cột đèn đã thay đổi, người bạn - Trần Dần - đã mất. Cả đội bóng yêu thương Thể Công đã mất. Ông chỉ có thể tìm thấy đội bóng ấy, qua thơ, của chính mình", Trần Minh viết trong lời đưa tiễn.

Phan Vũ mãi là chàng trai lãng mạn nồng nàn trong Hà Nội phố - Ảnh 4.

Về già, hình ảnh Phan Vũ gợi cảm hứng cho nhiều bức ảnh chân dung của bạn bè văn nghệ - Ảnh: FB nhân vật.

BTV Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ (công ty Nhã Nam) là người đứng đằng sau tập thơ đẹp đẽ, dày dặn cuối đời của Phan Vũ, Ta còn em (2018). Trong mắt chị, Phan Vũ mãi là "lãng tử rực rỡ cuồng si".

Dưới góc nhìn của một biên tập viên, từng đọc rất nhiều thơ Phan Vũ, BTV Diệu Thuỷ bày tỏ cảm nghĩ: "Phan Vũ viết không nhiều, nhưng tôi muốn khẳng định Hà Nội phố của Phan Vũ không chỉ có 'cây bàng mồ côi mùa đông, nóc phố mồ côi mùa đông'. Phan Vũ không chỉ có Hà Nội phố, người ta đã nói quá nhiều về nó mà bỏ qua nhiều bài thơ hay khác. Và thơ Phan Vũ có một vẻ đẹp riêng".

Mặc dù vậy, chị cũng thừa nhận tên tuổi Phan Vũ trong thơ ca Việt Nam vĩnh viễn gắn với Hà Nội vì bài thơ bất hủ này. "Phan Vũ không sinh ra ở Hà Nội, chỉ sống ở Hà Nội vài năm, phần lớn cuộc đời ông ở Sài Gòn, nhưng chỉ một bài này thôi đã khiến Phan Vũ mãi mãi trở thành nhà thơ của Hà Nội", BTV Diệu Thuỷ nhận định.

Nói với Tuổi Trẻ Online, chị Diệu Thuỷ cho biết trong quá trình thực hiện cuốn sách cuối cùng, Ly rượu trần gian, nhà thơ Phan Vũ ở TP.HCM và chỉ có thể liên lạc qua điện thoại.

"Ông lãng tai nên không nói chuyện được nhiều. Chúng tôi mời ông ra Hà Nội để làm toạ đàm về sách nhưng ông không thể ra được. Về nội dung, ông cho phép tôi tuỳ ý lựa chọn bài vở đưa vào sách. Tôi cũng đối chiếu với bản cũ để có phương án tốt nhất. Thơ Phan Vũ vốn nhiều dị bản".

Nhà thơ Phan Vũ của

TTO - Bạn bè thông báo, tin từ bà Diễm Chi vợ nhà thơ Phan Vũ, tác giả 'Em ơi Hà Nội phố' qua đời vào sáng 17-7 ở tuổi 93, sau thời gian dài hôn mê do bệnh tật và sức khoẻ suy kiệt.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp