Xưởng làm lốp xe của Goodyear - Ảnh: GOODYEAR
Ít ai biết rằng cao su lần đầu tiên được chiết xuất từ nhựa một loài cây ở châu Mỹ Latin vào năm 1600 trước Công nguyên. Vào thời điểm đó, nó được dùng để chế tạo những quả bóng cho các trò chơi, làm các vật dụng khác như mũ và ủng.
Khi đặt chân tới châu Mỹ, các nhà thám hiểm châu Âu rất mau chóng bị loại vật liệu này mê hoặc. Họ dùng nó để chế tạo những quả bóng golf. Tuy nhiên dạng thức tồn tại tự nhiên của cao su thường không bền và không đủ độ đàn hồi để dùng cho các hoạt động phổ biến.
Rắc rối đầu tiên là cao su tự nhiên thường không giữ được trạng thái ổn định. Nó thường giòn gãy trong điều kiện thời tiết lạnh và tan chảy trong điều kiện thời tiết nóng. Vì vậy rất nhiều kỹ thuật khác nhau đã được nghiên cứu nhằm tăng độ bền cho cao su.
Chẳng hạn nhà hóa học người Scotland tên là Charles Macintosh đã dùng một loại dầu dễ cháy có tên là naphtha để biến cao su thành một lớp sợi mỏng có tính đàn hồi, từ đó tạo ra áo jacket chống nước. Đó cũng là lý do vì sao mà ở Anh, áo đi mưa vẫn thường được gọi tên là áo mackintoshes, hoặc gọi tắt là áo macs.
Kế đó phải kể tới đóng góp của ông Charles Goodyear với các loại lốp xe mang thương hiệu Goodyear. Năm 1839, trong một lần rất tình cờ, ông Charles khám phá ra phương pháp lưu hóa cao su: kết hợp cao su với sulfur và nhiệt, ông đã có thể làm cứng được cao su tạo ra vô số hình dạng vật thể linh hoạt và thực tiễn hơn cho loại vật liệu này.
Chiếc áo jacket đi mưa do nhà hóa học người Scotland Charles Macintosh phát minh ra năm 1824 - Ảnh: UNITXSOPHIEKEOGH
Những thành tựu đã đạt được với cao su rõ ràng đặc biệt quan trọng, bởi giờ đây cao su đã trở thành một chất vô cùng thiết yếu với xã hội cơ khí hóa của chúng ta.
Chẳng hạn, đối với ngành sản xuất ô tô, cao su được sử dụng từ phần lốp xe cho tới các băng chuyền của phương tiện. Khó để liệt kê cho hết từng bộ phận, chi tiết của các phương tiện máy móc, phương tiện đã được chế tạo bằng toàn bộ, hoặc một phần từ vật liệu cao su.
Điều này đã dẫn tới những hệ quả xa hơn nữa khi các máy kéo, máy cày được cơ giới hóa đã góp phần giảm bớt nhu cầu lao động chân tay trong lĩnh vực nông nghiệp, kéo theo xu hướng con người ly nông, rồi ly hương, di cư vào các thành phố để tìm kiếm công ăn việc làm khi đồng ruộng không còn cần họ nhiều như trước.
Và đây chính là cách mà cách nhà hóa học đã lý giải quá trình phân tử cao su góp phần như thế nào vào việc thay đổi cách thức lao động cũng như tạo ra các cuộc đại di dân vào đô thị như hiện nay.
Cao su cũng là vật liệu vô cùng quan trọng trong lĩnh vực du hành, khám phá vũ trụ vì nó thường được dùng để chế tạo trang phục đặc biệt cho phi hành gia cũng như sử dụng trong chế tạo tên lửa và các trạm vũ trụ. Và như thế, theo cách này, rõ ràng cao su thật sự đã giúp đỡ loài người trong công cuộc khám phá không gian bên ngoài Trái đất.
Tuy nhiên phần lớn lượng cao su chúng ta đang dùng ngày nay không phải là cao su tự nhiên mà là cao su tổng hợp. Ở thời điểm bắt đầu nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2, nhu cầu sử dụng cao su của lực lượng quân đội các nước rất lớn, do đó lượng cao su khai thác từ thiên nhiên không đáp ứng đủ.
Thực tế này đã thôi thúc Nga sử dụng cây bồ công anh như một nguồn nguyên liệu cấp bách để sản xuất cao su. Và sau nữa, rốt cuộc Mỹ cũng đã tìm ra công nghệ sản xuất hàng loạt nhiều loại cao su nhân tạo mà chúng ta gọi là cao su như ngày nay.
Bài viết trích từ cuốn Napoleon’s Buttons: How 17 molecules changed History (tạm dịch: Những chiếc cúc của Napoleon: 17 phân tử đã thay đổi lịch sử như thế nào) của tác giả Penny LeCouteur-Jay Burreson. Mời bạn đón đọc kỳ tới kể về hành trình tìm ra phân tử ký ninh để điều trị sốt rét - căn bệnh từng được cho là do những đám mây mù độc hại bốc lên từ các khu đầm lầy gây ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận