Biểu tình phản đối Trung Quốc ở Philippines ngày 12-7 - Ảnh: Reuters |
Phần lớn chuyên gia đều tin rằng phán quyết sẽ có lợi cho Philippines. Khi nộp đơn kiện vào năm 2013, Manila cũng yêu cầu PCA bác bỏ đường chín đoạn vô căn cứ của Bắc Kinh. “Nó như chiếc lưới đánh cá phủ hết cả vùng biển” - Bangkok Post dẫn lời chuyên gia Somkiat Onwimon mô tả.
Trung Quốc ngay từ đầu đã từ chối tham gia phiên tòa, cho rằng PCA không có thẩm quyền phân xử tranh chấp này. Bắc Kinh đến nay vẫn tuyên bố không thừa nhận kết quả phán quyết.
Tuy nhiên giới chuyên gia lo ngại các nước ASEAN sẽ chia rẽ sau phán quyết. Campuchia đã khẳng định không ủng hộ việc ASEAN ra tuyên bố chung ủng hộ kết quả phiên tòa.
Ngược lại, một số quốc gia đã tỏ thái độ mạnh mẽ như Tổng thống Indonesia Joko Widodo tổ chức họp nội các trên tàu chiến tại vùng biển Natuna, nơi thường xảy ra đụng độ với tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan mới đây cũng khẳng định không ủng hộ nguyên tắc “kẻ mạnh có quyền”.
Trong khi đó, Thái Lan lại dè dặt bởi mối quan hệ với Trung Quốc ngày một khắng khít sau cuộc đảo chính năm 2014 khiến Bangkok chịu một số cấm vận của phương Tây.
Tuy nhiên nhà khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak thuộc Đại học Chulalongkorn của Thái Lan cho rằng phán quyết cũng có thể là cơ hội để ASEAN và Trung Quốc hợp tác theo các nguyên tắc chung.
“Không đáng khi liên quan đến tranh chấp đảo với các nước láng giềng nhỏ hơn và rồi phớt lờ phán quyết quốc tế về tranh chấp đó trong khi mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là trở thành một siêu cường. Với thói ứng xử đó thì sẽ không thể nào trở thành một cường quốc được tôn trọng” - ông Thitinan nhận định.
Bên ngoài khối, các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc... đều yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ phán quyết của PCA.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận