Hình ảnh em S bị trói, đeo tấm bảng gây đau lòng và phẫn nộ cho dư luận |
Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài , hàng ngàn phản hồi, email của bạn đọc đã gửi về báo lên án cách hành xử thiếu tình người, thiếu văn hóa của nhóm bảo vệ, nhân viên siêu thị Vĩ Yên đối với nữ sinh đã lấy hai cuốn truyện của siêu thị bỏ vào túi áo khoác mà không trả tiền.
Nhiều ý kiến cho rằng cách hành xử của người lớn - những nhân viên siêu thị, trong trường hợp trẻ mắc sai lầm trên không mang tính giáo dục mà đã đi quá xa, vượt ra khỏi khuôn khổ của luật pháp. Nhiều ý kiến luật sư, chuyên gia còn cho rằng hành vi của nhóm nhân viên siêu thị có dấu hiệu hình sự.
Tuổi Trẻ trích đăng một số ý kiến:
Có nhiều cách để cảm hóa con người
Nhói lòng khi người lớn có những hành xử thiếu tình người. Có rất nhiều cách để cảm hóa con người, chẳng lẽ chỉ vì 20.000 đồng mà nhân phẩm con người bị xúc phạm?
Nhân viên bảo vệ suy nghĩ quá đơn giản
Tôi cũng có con nhỏ như bé, nên tôi cảm thấy quá buồn khi bé đã bị những người lớn suy nghĩ quá đơn giản mà đã hủy hoại một tâm hồn trẻ thơ với chỉ 20.000 đồng. Tôi thông cảm cho các anh chị nhân viên nhưng trong thời đại này với sự phát triển Internet vì vậy thông tin lan truyền rất nhanh, nên thiết nghĩ chúng ta cần phải thận trọng trong cách hành xử, đặc biệt là với trẻ em.
Bị treo biển mỗi khi phạm lỗi?
Chỉ có cơ quan pháp luật mới có quyền quyết định tội danh của một người khi họ thật sự có tội do pháp luật quy định. Phẩm chất, tính cách của một người không thể xác định được chỉ qua một hành động cụ thể nào đó. Người treo biển "Tôi là người ăn trộm" trước ngực của cháu S có quyền gì để xác định tội danh của cháu? Quyền gì để bắt cháu phải đeo tấm biển đó?
Chúng ta từng trải qua thời thơ ấu, liệu tất cả hành động của chúng ta đã đúng chưa, khi có lần ăn trộm trái cây của nhà hàng xóm chẳng lẽ đều phải mang biển ăn trộm? Mỗi khi nói dối cha mẹ, bị phát hiện có bị đeo biển "Tôi là người nói dối" hay không?
Thẩm phán Vương Văn Nghĩa, Tòa hình sự TAND TP.HCM: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự của em S Dù em S. có lấy trộm tài sản trị giá lớn hơn nhiều lần so với trị giá 2 quyển truyện (20.000 đồng) thì em cũng chưa phải chịu trách nhiệm hình sự, không thể bị xem như tội phạm. Việc nhóm bảo vệ, nhân viên siêu thị bắt giữ em, trói tay vào lan can rồi còn bắt em đeo tấm bảng mang nội dung bêu riếu là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của trẻ. Hành vi của nhóm nhân viên có dấu hiệu của tội "làm nhục người khác" theo điều 121 Bộ luật hình sự. Thêm vào đó, có nhân viên còn chụp lại hình và đăng trên mạng, một lần nữa xúc phạm danh dự của em! Chỉ có người phạm tội, bị tòa án xét xử công khai thì cơ quan ngôn luận mới có thể được quyền đăng tải hình ảnh của bị cáo tại phiên tòa xét xử nhưng là với mục đích tuyên truyền luật pháp. Còn việc phát tán hình ảnh trên mang tính chất nhục mạ em, là hành vi vi phạm pháp luật! Việc nhân viên siêu thị "bắt phạt" gia đình em 200.000 đồng cũng là việc làm trái pháp luật! Chỉ có các cơ quan có thẩm quyền theo Luật xử lý vi phạm hành chính mới có quyền áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm. |
Sự việc đã đi quá xa lắm rồi. Mặc dù rất thông cảm cho tình hình trộm cắp ở siêu thị rất phức tạp nhưng không thể nào làm việc quá đáng như vậy. Tôi thấy đã đủ dấu hiệu của tội làm nhục người khác!
Thật quá đáng!
Dẫu biết lấy đồ là sai trái, nhưng đó là một em gái còn tuổi vị thành niên, suy nghĩ chưa đến nơi đến chốn, như thầy của em S đã nói. Trong mỗi chúng ta ai dám chắc rằng chưa một lần "cầm nhầm" đồ người khác không? Em S chỉ vì 2 quyển truyện trị giá chưa tới một tô phở mà bị bêu riếu đến như vậy. Có thiếu gì cách để giáo dục em? Tôi cho rằng đây là vấn đề xúc phạm nặng nề đến người khác, tâm lý của em rồi sẽ ra sao, trừng phạt đối với em như thế là quá đáng. Em S đừng buồn nhé, hãy đứng dậy mà đi!
Phải xem xét trách nhiệm của lãnh đạo siêu thị
Cháu S đã bị xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự (bị trói 2 tay trước cửa ra vào rất đông người tại siêu thị Vĩ Yến và treo biển trước ngực), bị chụp hình, tung lên mạng xã hội Facebook với mục địch để “chém cho vui”. Nhóm nhân viên siêu thị không thể lường được hậu quả từ nhận thức "bột phát" của người lớn đã vô tình đã làm cho một cháu bé đang tuổi ăn tuổi lớn, hồn nhiên vô tư... bị sốc về tâm lý dẫn đến hoảng loạn, lo sợ, quá nhạy cảm không giám tiếp xúc với bạn bè, mọi người xung quanh.
Xét về mặt tâm lý thì cháu S đã bị giáng một đòn quá mạnh về thể chất lẫn tinh thần. Ai sẽ là người đền bù cho những tổn thất về tinh thần của cháu S? Theo tôi lãnh đạo siêu thị Vĩ Yến phải đứng ra chịu trách nhiệm về việc đã không quy định rõ việc xử lý lỗi đối với những vi phạm của khách hàng mà đặc biệt là đối với trẻ em. Họ không thể phủ nhận là "không biết" hoặc "không có mặt" nên không phải chịu trách nhiệm liên đới.
Nhân viên siêu thị quá xem thường luật pháp
Trói người, đeo bảng bêu xấu, chụp ảnh tung lên mạng để chém gió - đúng là những trò đùa quái ác của những kẻ hành xử lạ đời và bất nhân! Hành động của những quản lý và nhân viên siêu thị đã vượt ra ngoài khuôn khổ của luật pháp. Họ tự cho mình quyền bắt giữ và hành hạ người khác, đã vậy còn bắt gia đình của nạn nhân phải nộp phạt gấp mười lần? Không hiểu họ căn cứ vào đâu để tự cho mình cái quyền xem thường luật pháp đến vậy.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư TP.HCM: "Bêu xấu" người như thời trung cổ Thứ nhất, trong sự việc này xét về mặt đạo đức, tôi nhận thấy rằng những người có hành vi dùng băng keo cột hai tay em S lại và còn viết một tấm bảng “Tôi là người ăn trộm” rồi đeo trước ngực của em giữa chốn đông người qua lại đã thực sự chưa tôn trọng chính mình! Những hành vi này tưởng rằng sẽ làm cho em S sợ, với mục đích là bêu xấu em S trước công chúng. Chúng ta muốn con trẻ tôn trọng chúng ta, trước hết chúng ta phải tự tôn trọng lấy chính mình. Bằng hành vi khuyên giải, giúp trẻ nhận thức đúng, sai, nhận thức đâu là điều hay lẽ phải một cách nhẹ nhàng nhưng lại mang hiệu quả cao. Trái lại, các nhân viên lại cùng hùa nhau để thực hiện một hành vi như thời trung cổ khi xưa là “bêu xấu” trước công chúng một người nào đó có hành vi sai trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục… Thứ hai, về mặt pháp luật, tôi cũng cho rằng nhóm nhân viên này có dấu hiệu của làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS. Việc cần làm hiện nay là gia đình cùng nhà trường nên có nhiều biện pháp tích cực để khắc phục tâm lý cho em S. Đây là một bài học lớn cho cả xã hội và là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai thiếu hiểu biết về pháp luật và chưa quan tâm đến trẻ em và cũng là một bài học cho các bậc phụ huynh, nhà trường trong việc giáo dục, rèn luyện ý thức đạo đức cho trẻ em. Trẻ em như một trang giấy trắng, hãy viết lên đó những dòng chữ thật đẹp! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận