Một người dân đi bộ qua một tấm bảng quảng cáo lớn của Tecno Mobile ở Maiduguri, Nigeria tháng 5-2019 - Ảnh: BLOOMBERG
Khi anh Mxolosi trông thấy chiếc smartphone Tecno W2 trong cửa hàng tại Johannesburg, Nam Phi, anh bị hấp dẫn ngay vì dáng vẻ và các tính năng của nó.
Nhưng điều hấp dẫn lớn nhất của chiếc điện thoại này là giá bán, chỉ 30 USD, rẻ hơn nhiều so với các mẫu smartphone tương tự của những thương hiệu lớn như Nokia, Huawei hay các thương hiệu lớn hàng đầu khác của châu Phi.
Theo trang Buzzfeed, Tecno W2 là sản phẩm của Transsion, một hãng Trung Quốc chuyên sản xuất điện thoại giá rẻ và các thiết bị cầm tay cơ bản khác, chủ yếu nhắm tới thị trường các nước đang phát triển.
Kể từ khi ra mắt mẫu điện thoại đầu tiên năm 2014, Transsion vươn lên trở thành nhà cung cấp điện thoại hàng đầu ở châu Phi, đánh bại các đối thủ lớn như Samsung và Nokia.
Tuy nhiên, anh Mxolosi, một người đàn ông 41 tuổi thất nghiệp, đã sớm mệt mỏi với chiếc Tecno W2.
Những quảng cáo pop-up liên tiếp nhảy ra, xen vào các cuộc thoại và chat. Bất ngờ nhất là việc anh phát hiện phần dữ liệu trả trước của điện thoại đã cạn sạch một cách bí ẩn, cộng thêm là những thông báo về các đăng ký thuê bao trả phí mà anh chưa bao giờ yêu cầu.
"Đã có lúc tôi không mua thêm dữ liệu nữa vì tôi không biết cái gì đã ngốn sạch nó", anh nói.
Mxolosi nghĩ sự việc là do lỗi của anh. Nhưng theo điều tra của dịch vụ bảo mật di động Secure-D và của trang BuzzFeed News, chính phần mềm mã độc được nhúng sẵn trong chiếc Tecno W2 là thủ phạm ngốn sạch dữ liệu đã mua của Mxolosi trong khi cố tình đánh cắp tiền của người dùng.
Chiếc smartphone của anh Mxolosi đã bị cài hai phần mềm mã độc là xHelper và Triada, những ứng dụng bị tải xuống bí mật, đã ngấm ngầm đăng ký các dịch vụ trả phí mà anh này không hay biết.
Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến 9-2019, Secure-D đã ngăn chặn 844.000 giao dịch kết nối với phần mềm mã độc đã cài đặt trước trên điện thoại của Transsion.
Giám đốc điều hành Secure-D, ông Geoffrey Cleaves, giải thích dữ liệu trong điện thoại của anh Mxolosi bị phần mềm mã độc dùng cạn khi nó cố tình đăng ký tài khoản trên điện thoại của người dùng này vào những dịch vụ tính phí.
Không chỉ ở Nam Phi, các điện thoại Tecno W2 ở Ethiopia, Cameroon, Ai Cập, Ghana, Indonesia và Myanmar cũng bị nhiễm các phần mềm mã độc nói trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận