Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết hiện nay có hơn 30 địa phương đã ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt (rác thải sinh hoạt), trong đó hướng dẫn chi tiết phân loại rác tại nguồn.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã triển khai thí điểm phân loại rác thải tại nguồn có kết quả tương đối tốt. Trong đó, Hải Phòng là địa phương đi đầu trong phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Bãi rác quá tải: trách nhiệm của địa phương
Theo lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, ngoài những địa phương trở thành điểm sáng trong phân loại rác thì còn nhiều tỉnh thành phố vẫn loay hoay.
Và để triển khai phân loại phải dựa vào tình hình hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý của từng địa phương để đưa ra từng lộ trình cụ thể, phù hợp. "Ví dụ như những khu vực có nhiều rác thải tái chế thì nên phân loại tại nguồn trước, còn đối với địa phương hạ tầng chưa đáp ứng được thì phân loại tạm thời", vị này nói.
Để các bãi chôn lấp rác quá tải, lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng trách nhiệm thuộc về các địa phương trong việc quy hoạch các bãi chôn lấp rác.
Sắp tới Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ rà soát lại các bãi rác, đặc biệt là những bãi rác lớn đã quá tải. Kiểm tra xem có đúng thiết kế, vận hành có đảm bảo và có nằm trong quy hoạch của tỉnh hay không.
PGS.TS Bùi Thị An, viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng, cho biết theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ ngày 1-1-2025 các địa phương phải phân loại rác thải sinh hoạt.
Như vậy chỉ còn hai tháng nữa là thời hạn 63 tỉnh thành phải thực hiện phân loại rác thải đồng bộ. Có thể thấy luật đã có và thời hạn phân loại đã đến, nhưng có khả năng các địa phương vẫn chưa đồng bộ phân loại rác thải như quy định.
"Từng địa phương phải xem lại vướng mắc, bất cập ở những khâu nào, tại sao có nơi làm được nhưng có nơi lại chưa làm được để từ đó có giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần công bố thực trạng phân loại rác của 63 tỉnh thành đang như thế nào để có cái nhìn toàn cảnh. Địa phương nào đã làm được, địa phương nào chưa làm được", bà An nói.
Nhiều địa phương đã đốt rác phát điện
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hoàng Dương Tùng, chuyên gia môi trường, cho hay phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở Việt Nam bắt đầu từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, phân loại này không bắt buộc và chỉ là những dự án, mô hình thí điểm.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các nghị định dưới luật đã quy định bắt buộc phân rác sinh hoạt thành ba loại (rác tái chế tái sử dụng, rác thực phẩm và rác khác) cùng lộ trình từ 1-1-2025 và các chế tài để thực hiện.
Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác, tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương vẫn còn loay hoay từ khâu hướng dẫn phân loại, thu gom, xử lý, đặc biệt là lúng túng với rác thực phẩm...
Ông Tùng cho rằng nếu không triển khai đồng bộ các giải pháp thì sẽ xảy ra câu chuyện quá tải tại các bãi chôn lấp như dư luận đã nêu tại bãi rác Đa Phước (TP.HCM) và nhiều bãi rác khác trên cả nước.
Theo ông, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đưa ra quy định hạn chế chôn lấp trực tiếp và thay thế bằng những giải pháp bền vững khác như đốt phát điện, chế biến phân hữu cơ đối với rác thực phẩm...
Hiện nay một số nhà máy đốt rác phát điện đã được xây dựng và vận hành như ở Cần Thơ, Hà Nội, Bắc Ninh. Nhiều dự án đốt rác phát điện khác cũng đang được xây dựng và chuẩn bị đi vào vận hành (TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng...).
"Về lâu dài, các địa phương cũng cần chú ý sau khi phân loại rác tại nguồn tốt, lượng rác có thể giảm 20 - 30%. Xử lý đốt rác không phải là biện pháp duy nhất mà cần tái chế, tái sử dụng và phải đầu tư nhiều hơn trong công nghệ xử lý, tạo cơ chế khuyến khích tiêu thụ đầu ra sau khi xử lý từ rác thải thực phẩm để hướng tới phát triển bền vững..." - ông Tùng nói.
Công nghệ xử lý rác thải phải theo tiêu chí nào?
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 10-1-2022, đơn vị này đã ban hành thông tư số 02/2022, trong đó quy định cụ thể về tiêu chí công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.
Theo đó, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các tiêu chí như có khả năng tiếp nhận phân loại chất thải, xử lý mùi nước rỉ rác và khí thải, linh hoạt trong kết hợp các công nghệ khác.
Đồng thời xây dựng hướng dẫn mô hình xử lý rác thải đô thị, nông thôn theo quy định. Chi phí xử lý phù hợp với khả năng chi trả của địa phương hoặc không vượt quá mức chi phí xử lý được cơ quan có thẩm quyền công bố. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải phù hợp với Luật Giá và các luật liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận