31/12/2024 11:30 GMT+7

Phân loại rác: món nợ bao giờ trả xong?

Từ 1-1-2025, các trường hợp không phân loại, thu gom rác thải sẽ bị xử phạt theo nghị định 45/2022. Nhưng ai phạt, phạt ai, phạt sao cho xuể khi nơi nơi chưa sẵn sàng, chưa thể nghiêm túc thực hiện phân loại rác.

Phân loại rác: món nợ này bao giờ trả xong? - Ảnh 1.

Rác thải nhựa chưa phân loại được bỏ tràn ngập thùng rác công cộng tại khu trung tâm TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Chung cư nhà bạn có yêu cầu cư dân phân loại rác chưa? Công sở nơi bạn làm đã từng thông báo về việc phân loại rác chưa? Câu trả lời sẽ là "chưa".

Và nơi nơi từ đô thị đến nông thôn, những túi rác, thùng rác vẫn lổn nhổn đủ loại rác đổ lộn xộn vào nhau. Rồi lại có rất nhiều túi rác đã phân loại xong lại được các xe thu gom rác ép tất cả chung nhau trước khi chở đi.

1-1-2025 phạt được chưa?

Theo luật, cơ quan chức năng có thể phạt nghiêm những ai không phân loại rác. Mức phạt 1 triệu đồng tương đương thu nhập nhiều ngày công lao động.

Nhưng vì sao không ai "ngán", vẫn không thấy ai nhắc nhau phân loại rác? Nói thẳng ra, chưa ai sẵn sàng phân loại rác ngay từ nhà mình, từ nơi làm việc của mình.

Anh ở chung cư kể chuyện đổ rác: gen (ống dẫn rác) chung cho bao nhiêu căn hộ, rác gì cũng bỏ vào đó.

Ban quản lý chung cư cũng không có thông báo gì hay tổ chức lại việc đổ rác, phân loại rác. Nhà này phân loại rác nhưng nhà khác lại không, khi rác tiếp đất lại lẫn lộn vào nhau. Phân loại rồi cũng như không.

Chị nhân viên văn phòng viện lý do: cơ quan chỉ có một loại thùng rác, mọi thứ rác từ văn phòng phẩm đến vỏ chai nhựa, ly trà sữa, hộp xốp đựng cơm trưa đều cho hết vào một thùng. Ai cũng biết cách phân loại nhưng phân ra rồi cũng đâu có thùng để bỏ riêng ra!

Người người nhà nhà, bao nhiêu chung cư, công sở... vẫn làm lơ với phân loại rác. Cho đến nay, chỉ còn 1-2 ngày trước khi bị phạt tiền triệu vì việc này, vẫn cứ thờ ơ như bao năm qua vậy thôi.

Vì sao một việc trẻ con rất nhiều nước trên thế giới đã làm được từ hàng chục năm nhưng tới bây giờ chúng ta chưa làm được?

Thử hình dung như ở TP.HCM, nơi có hơn 15.000 tấn rác mỗi ngày và tất cả đều trộn lẫn vào nhau thì công sức và chi phí bao nhiêu cho việc phân loại rác trước khi xử lý?

Chưa làm được hay không muốn làm?

Cản ngại lớn nhất với việc phân loại rác nằm ở ý chí của từng người. Đây là việc không của riêng ai, ai cũng phải có trách nhiệm nhưng ai quyết liệt làm?

Có những khu phố, những tuyến đường từng quyết tâm phân loại rác nhưng rồi việc phân loại này không duy trì được lâu khi xe thu gom rác không đồng bộ, có xe phân loại có xe không.

Và xe chở rác đã phân loại đi đâu, làm gì sau đó, hiệu quả ra sao, tiết kiệm được gì thì... người phân loại rác không thấy, không hiểu.

Cá nhân tôi đồng tình việc xử phạt người không phân loại rác, chỉ có như thế mới có thể nhắc nhau phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có mấy nơi phân loại rác tại nguồn đâu! Và người nghiêm túc phân loại rác vẫn đang là những người lẻ loi giữa số đông không bận tâm việc này.

Ở nhiều nước, đơn vị thu gom rác có quyền từ chối những túi rác chưa phân loại. Đây là cách hiệu quả tức thì, buộc người ta phân loại rác. Ở ta chưa thể làm được. Vì tận trong suy nghĩ vẫn du di cho nhau.

Vì túi rác của chúng ta có cả ngàn loại, ai muốn bỏ vào túi nào tùy ý (thậm chí đổ xả ra đường thành đống, không cần bỏ vào túi), người thu gom rác không thể biết có rác gì trong túi.

Người dân cũng chưa thể bỏ rác theo từng loại vào những loại túi dành cho loại rác đó để người thu gom dễ phân loại. Công nghệ xử lý rác sau thu gom cũng chưa thống nhất giữa các nơi nên chưa thể có hướng dẫn thống nhất, phù hợp nhất cho việc phân loại tại nguồn.

Mỗi loại rác mỗi màu túi đựng, được không?

Được chứ! Và rất nên làm, làm ngay và luôn. Các nước người ta làm mấy mươi năm rồi. Cứ nhìn màu túi rác biết loại rác và ngược lại người dân sẽ dễ bỏ rác vào túi đúng màu quy định. Tương tự, các thùng rác nơi công cộng cũng đảm bảo đủ màu theo quy định chung.

Việc này cá nhân từng người hay từng khu vực không thể làm được. Cần có quy định chung toàn quốc để cả nước cùng thực hiện. Nếu không, sẽ rất khó thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Phân loại rác: món nợ này bao giờ trả xong? - Ảnh 2.Không phân loại rác: Phạt đến 1 triệu đồng

Từ 1-1-2025, các trường hợp không phân loại, thu gom rác thải sẽ bị xử phạt theo nghị định 45/2022.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp