Ông Võ Văn Kiệt thăm các gia đình thanh niên xung phong ở Nông trường Đỗ Hòa, TP.HCM năm 1984 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Ông Sáu Dân - những chuyện nhỏ về một nhân cách lớn
"Cảm ơn báo Tuổi Trẻ với những thông tin cảm động, tư liệu về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân 100 năm ngày sinh của ông. Vô cùng trân quý ông Sáu Dân".
Trích ý kiến bạn đọc Yến
"Tôi rất thích đọc các bài viết trên báo Tuổi Trẻ về chú Sáu Dân. Nhớ chú Sáu khi chú lăn lộn cùng Thanh niên xung phong TP.HCM trồng cây đước tại huyện Cần Giờ, nhờ đó mới có rừng sinh quyển lá phổi xanh cho thành phố hôm nay" - bạn đọc thoandoan viết.
Ôn cố tri tân, bạn đọc nick name Van Ly chia sẻ: "Nhớ ông với đường dây 500kV Bắc - Nam và Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tầm nhìn rất xa và rộng. Hôm nay khi xăng dầu bất ổn mới thấy giá trị của tầm nhìn xa".
Không chỉ nhớ những việc ông đã từng làm cho dân cho nước, nhiều bạn đọc còn lý giải lý do vì sao ông được nhiều người quý mến, kính trọng.
Về ý này, bạn đọc Nguễn Hưng viết: "Ở bác Sáu Dân - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt toát lên một phong thái của một nhà chính trị gần dân, chân thành, hiểu vấn đề và đi sâu giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, không hình thức. Do vậy, ông được người dân cả nước yêu mến, kính trọng".
Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Khai Phong bổ sung: "Có thể nói cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người thể hiện rõ nhất chủ trương hòa hợp dân tộc, trong tư tưởng, lời nói và cả trong hành động".
Xe chạy từ đường Trần Trọng Kim (khu Vinhomes) qua đường ven sông (Saigon Pearl) hướng ra cầu Thủ Thiêm 1 rồi rẽ phải qua các đường D6, D7, D8 (đường nội bộ) và đường D1 (đường chung) ra Nguyễn Hữu Cảnh - Ảnh: T.T.D.
Vì lợi ích dài lâu, kiến nghị TP.HCM nên làm
Xung quanh bài viết Kết nối tuyến đường ven sông: Cơ hội hưởng thụ sông Sài Gòn, nhiều bạn đọc cho rằng, nếu thông đường ven sông để giảm ùn tắc, thì TP.HCM nên làm, bởi lúc đó không chỉ người dân mà các doanh nghiệp sẽ ủng hộ.
"Cảm ơn Chủ tịch Phan Văn Mãi đã nhìn thấy vấn đề, đúng ra TP.HCM nên chỉ đạo và giải quyết sớm hơn" - bạn đọc Tien Nguyen viết.
Cùng mong muốn nếu vì lợi ích lâu dài cho người dân thì không vì lý do gì mà không làm, bạn đọc Dân bổ sung: "Nếu tốt cho vấn đề giao thông thì làm ngay đi. Đừng có dự kiến, đánh giá, lập kế hoạch, đề xuất, xem xét nữa".
Từ thực tế hiện tại, bạn đọc Thuy Thanh phân tích: "Mở đường ven sông giữa 2 khu đô thị cũng là 1 phương án tốt. Nhưng tất cả xe máy sẽ dồn vào đường nội bộ này cũng sẽ gây ra cảnh ùn ứ xếp hàng dài như hiện nay mà thôi".
Cũng theo bạn đọc này, để nâng cấp và chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, trước đó TP.HCM đã đóng chốt giao thông ngã tư Nguyễn Văn Thương và Điện Biên Phủ. Hiện nay, dự án đã hoàn thành từ lâu mà điểm này chưa được dỡ bỏ. Vì vậy, nên mở lại chốt giao thông này để lưu lượng xe được phân bổ ra nhiều hướng khác nhau sẽ giảm lưu lượng kẹt xe cho khu vực này.
"Hãy dành thời gian khảo sát vào giờ cao điểm sáng và chiều tại khu vực này sẽ thấy rõ hiện tượng lượng xe cộ phân bổ không đồng đều. Các đường xung quanh thì xe chen chúc nhau xếp hàng dài, trong khi đó đường Nguyễn Văn Thương thì vắng đến nỗi các tài xế xe taxi và Grab có thể đậu hàng dài nối đuôi nhau dưới lòng đường" - bạn đọc Thuy Thanh kiến nghị.
Như trên đã nói, theo số đông người dân, nếu xem xét vì lợi ích dài lâu, thì TP.HCM nên làm bởi lúc đó không chỉ người dân mà các doanh nghiệp sẽ ủng hộ.
Về ý này, bạn đọc Lê Hải viết: "Nếu đường ven sông hai khu đô thị này thuộc quyền quản lý của TP.HCM thì thành phố nên tiếp quản để người dân được sử dụng".
Tiếp sức các tân sinh viên vượt khó, bằng cách nào?
Như suối nguồn yêu thương không bao giờ cạn, hằng năm mỗi khi báo Tuổi Trẻ viết về hoàn cảnh, nghị lực vượt khó vươn lên của tân sinh viên trong chương trình Tiếp sức đến trường, bao giờ các bạn cũng nhận được những chia sẻ của các nhà hảo tâm, của bạn đọc.
Mới đây, câu chuyện của cô bé nghèo Nguyễn Vy Diễm Quỳnh tìm đến các hàng quán ven Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đà Nẵng) kiếm việc làm thêm, nhiều bạn đọc đã chia sẻ từ vật chất đến tinh thần.
"Khó khăn nào rồi cũng qua, cố lên con gái! Cô cũng từng như con, nhưng cô không đủ mạnh mẽ bằng con, cô đã tạm ngưng việc học 1 năm để đi làm kiếm tiền rồi năm sau mới đi học trung cấp. Sau gần 20 năm đến nay mọi thứ cũng đã ổn. Hãy mạnh mẽ lên nhé" - bạn đọc T.H. động viên.
Cùng với suy nghĩ "lửa thử vàng gian nan thử sức", bạn đọc Tánh Hồ bổ sung: "Cuộc đời của chú từ nhỏ đến giờ xa gia đình và tự lập, cũng nhờ vậy mà chú mạnh mẽ và cuối đời tạo hóa không lấy đi gì của ta hết, mà còn bù đắp cho ta. Cháu hãy cố gắng lên nhé, càng khó khăn cháu sẽ trưởng thành và thành công sau này. Chúc cháu nhiều sức khỏe và học thật giỏi nhé".
Cuối cùng, vẫn với truyền thống "lá lành đùm lá rách", "người đi trước rước người đi sau", nhiều bạn đọc thông qua báo Tuổi Trẻ muốn giúp đỡ các tấm gương vượt khó một phần nào để yên tâm cho việc học.
"Nhờ báo Tuổi Trẻ cho xin thông tin để hỗ trợ em sinh viên này. Tôi muốn gởi một chút giúp em vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tiếp bước hành trình học tập. Cảm ơn" - bạn đọc Hoàng Nguyễn và rất nhiều bạn đọc khác đề nghị.
Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường
Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.
Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.
Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.
Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên...
Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận