Xe của Nguyễn Văn Thành lừa đảo hút tại nhà dân ở TP Thủ Đức - Ảnh: LÊ PHAN
Không thể để vấn nạn này hoành hành mãi được
Xung quanh điều tra vạch mặt băng làm láo, ăn thật, bạn đọc có tài khoản Thanh Le chia sẻ: "Nhà tôi cũng mới bị bọn này lừa... Trước đó, tôi tìm trên mạng với mong muốn gọi được đơn vị hút hầm cầu đàng hoàng. Thỏa thuận ban đầu là 600.000 đồng/m3 cho hầm dưới 10m3, từ 10m3 trở lên là 300.000 đồng/m3.
Sau đó bằng thủ thuật chỉnh đồng hồ như báo Tuổi Trẻ phản ánh, đơn vị này báo hút 10m3 rồi mà chưa hết và yêu cầu thanh toán với giá 600.000 đồng/m3 và đòi 7 triệu. Sau hơn 30 phút cãi qua lại, tôi bực mình và ngán ngẩm với bài ca của bọn này nên đành trả tiền".
Còn bạn đọc Trung Nguyễn bức xúc: "Chẳng thà giá cao một chút mà làm ăn thật. Đằng này làm giá 700.000 đồng/m3 mà làm ăn kiểu giống như gian dối di truyền sẵn trong máu vậy".
Nhiều bạn đọc khác cho rằng cơ quan chức năng cần phải xử lý vấn đề này mạnh tay hơn, phạt thật nặng để răn đe, chứ không thể để hoành hành mãi được.
"Những thủ đoạn lừa đảo quá tinh vi và kinh khủng. Mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý, từ một nghề bình thường đang dần biến tướng…" - bạn đọc Như Quỳnh góp ý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường - cho rằng những xe có chức năng đặc thù thì nhà sản xuất thiết kế như thế nào phải giữ nguyên thiết kế đó.
"Các xe trong bài viết của Tuổi Trẻ phản ánh đã hoán cải, thay đổi chức năng để trục lợi thì không đủ điều kiện để đăng kiểm. Cơ quan chức năng phải thu hồi xe, xử phạt hành vi lừa đảo, độ chế xe, chiếm đoạt tài sản…" - ông Thuận đề nghị.
Còn theo các ý kiến bạn đọc, đã đến lúc đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc và xử phạt thật nặng để chặn đứng những hành vi lừa đảo này.
Nhóm Nguyễn Bá Đạt nâng khống, lừa hút hầm cầu tại trường mầm non ở Bình Dương - Ảnh: LÊ PHAN
Theo quyết định 44 do UBND TP.HCM ban hành năm 2015 về "Quy định quản lý bùn thải trên địa bàn TP.HCM".
Việc chuyển giao bùn thải giữa tổ chức, cá nhân làm phát sinh bùn thải cho đơn vị dịch vụ thu gom vận chuyển phải được thực hiện bằng hình thức hợp đồng dịch vụ theo đúng quy định pháp luật hiện hành về quản lý chất thải và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Các đơn vị dịch vụ thu gom, vận chuyển phải đảm bảo trang bị đầy đủ các phương tiện vận chuyển cơ giới đường bộ, đường thủy chuyên dụng (sà lan, xe bồn kín chuyên dụng. Bồn xe hoặc thùng xe có van khóa, trên xe ghi dòng chữ "XE THU GOM VẬN CHUYỂN BÙN THẢI".
Xe tải có thùng chứa kín đảm bảo không rò rỉ nước và bạt phủ kín hạn chế phát tán mùi khi lưu thông được cấp phép lưu hành và chứng nhận kiểm định đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Các phương tiện vận chuyển bùn thải, bùn đất phải tuân thủ đúng quy định hiện hành của TP về thời gian và tuyến đường được phép lưu thông. Đối với các công trình trọng điểm, cấp bách theo chỉ đạo của UBND TP, giao Sở Giao thông vận tải TP xem xét đề xuất thời gian vận chuyển phù hợp để đẩy nhanh tiến độ công trình.
Ông Nguyễn Trường Sơn và y bác sĩ tại Quảng Ngãi vào tháng 8-2020, thời điểm dịch COVID-19 đang rất nóng tại miền Trung. Đây là hình ảnh mang đến nhiều cảm xúc, được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội - Ảnh: T.D.
"Không còn làm việc ở Bộ Y tế, nhưng với chúng tôi ông vẫn là bác sĩ giỏi"
Thông tin Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn được nghỉ việc từ hôm nay, 1-11, theo nguyện vọng cá nhân, khiến nhiều bạn đọc lấy làm tiếc.
"Trân trọng những đóng góp của ông cho sự nghiệp chữa bệnh, cứu người. Trân trọng sự tận hiến, sự tử tế của ông. Chúc ông nghỉ hưu khỏe mạnh, bình an và có thể tiếp tục chữa bệnh, giúp người. Cảm ơn ông".
Ý kiến bạn đọc Minh Thuận
"Cũng hiểu và chia sẻ với áp lực công việc và sức khỏe của anh… nhưng khi đọc được tin này vẫn thấy buồn trong suy nghĩ và tâm tư trong lòng. Trân trọng nhân cách, con người và sự cống hiến của anh" - bạn đọc QuangNN viết..
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng dù không còn làm việc ở Bộ Y tế, nhưng với chuyên môn giỏi, hy vọng ông vẫn đóng góp cho nền y học nước nhà.
Nhiều bạn đọc gởi lời chúc sức khỏe ông và mong ông sớm khỏe mạnh để tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp khám chữa bệnh cứu người trên cương vị một bác sĩ.
"Cho dù bác Sơn ở cương vị nào, tôi vẫn ngưỡng mộ ông! Chúc ông luôn khỏe, vui và tiếp tục cống hiến cho ngành y tế nước nhà" - bạn đọc Minh Chiên viết.
Nhắc lại hình ảnh một lãnh đạo ngành xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, bạn đọc Tien Vo viết: "Trong mùa dịch COVID-19, anh là người xông xáo, có mặt nơi nào nguy hiểm nhất, cả đất nước nghe tên anh. Chúc sức khỏe và hạnh phúc".
Biết tin ông từ giữa năm 2022 đến nay, ông Sơn đã có khoảng ba lần có đơn xin được nghỉ việc, một phần do áp lực công việc, một phần do ông đang điều trị bệnh, bạn đọc Võ Tá Luân chia sẻ: "Kính chúc bác sĩ Nguyễn Trường Sơn sớm hồi phục và trân trọng nhân cách và những đóng góp to lớn trong suốt thời gian qua của ông".
Cẩm Thuy hiện đang học ở Trường cao đẳng Y tế Kiên Giang và thực hiện ước mơ của mẹ - Ảnh: C.CÔNG
Xúc động bức thư gửi mẹ không bao giờ đọc được
Câu chuyện của tân sinh viên Nguyễn Ngọc Cẩm Thuy đang học ngành điều dưỡng (Trường cao đẳng Y tế Kiên Giang) viết những dòng thư gửi người mẹ quá cố, một lần nữa làm rưng rưng, xúc động lòng người.
"Đọc hoàn cảnh của em mà lòng thực sự xúc động, mình đã khóc không thành lời" - bạn đọc Phước viết.
Chia sẻ với nghịch cảnh mà Cẩm Thuy đã trải qua, bạn đọc Văn Thắng bổ sung: "Cầu xin cho cháu mãi mãi luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt được những gì cháu mơ ước. Đọc bài chú rất cảm động, một cô bé ngoan ngoãn, kiên cường. Cố học giỏi, sống thật tốt để giúp đời, vui lòng mẹ cháu ạ".
Như suối nguồn yêu thương không bao giờ cạn, mỗi hoàn cảnh, mỗi nghị lực vượt khó vươn lên của các tân sinh viên hằng năm được báo Tuổi Trẻ tiếp sức đến trường, bên cạnh những lời động viên, bao giờ các em cũng nhận được những chia sẻ của các nhà hảo tâm, của bạn đọc.
Và lần này cũng vậy. Ngay khi nghe câu chuyện của Cẩm Thuy, nhiều bạn đọc đã điện thoại, email, thậm chí đến tận tòa soạn để đóng góp của ít lòng nhiều nhằm động viên, giúp đỡ.
"Xin báo Tuổi Trẻ cho thông tin số tài khoản của em hoặc người bảo trợ để mình góp chút lòng hảo tâm tới em. Xin cảm ơn" - bạn đọc Phước đề nghị.
Cùng ý này, bạn đọc nick name ADV bổ sung: "Nhờ báo cho số tài khoản tôi gởi tiền giúp động viên cháu".
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường
Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.
Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.
Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.
Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên...
Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận