28/12/2020 12:11 GMT+7

Phận đời mong manh như... lá ngón

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Anh cựu cán bộ Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông nhớ lại, trong 21 năm mổ pháp y ở tỉnh Điện Biên, có hơn 3.000 ca tử vong vì lá ngón.

Phận đời mong manh như... lá ngón - Ảnh 1.

Nhà Pà Sùng lạnh lẽo sau khi anh ta tự tử bằng lá ngón- Ảnh: VŨ TUẤN

Ăn lá ngón, chết vì lá ngón ở đây nghiêm trọng đến nỗi mỗi tuần đều có vài ca cấp cứu vì tử thần mang tên loài lá này.

"Cô vợ của A Chia là vợ thứ tư rồi, chỉ còn hai ngày nữa là đẻ mà vẫn ăn lá ngón. Cấp cứu không kịp. Bi đát hơn, cả ba người vợ trước cũng ăn lá ngón..." - bác sĩ Quành Văn Kim, trưởng trạm y tế xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông, ngậm ngùi kể.

Thuốc độc đầy nương

Nhà của Giàng Pà Sùng nằm ở cuối bản Tìa Dình 2, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông. Ngôi nhà gỗ, thấp lè tè, thứ nhiều tiền nhất trong nhà là một cái loa thùng "hàng Tàu" rẻ tiền.

Sát vách tường gian giữa, nơi người Mông để bàn thờ người chết, có một cái ghế cũ, trên ghế còn một bát cơm nguội ăn dở và một bát thóc. Bát thóc cũng chính là bát hương của Giàng Pà Sùng.

Sùng chết tháng trước trong lúc uống rượu, nhắm với... lá ngón, rồi bắt đứa con trai xin lỗi chỉ vì tội mải chơi. "Ông con" cũng ngang tàng, không chịu xin lỗi. Thế là Sùng... nhắm lá ngón thật và không chịu đi cấp cứu. Anh ta chết, vợ hai bỏ về quê, bốn đứa con thơ bơ vơ, bấu víu nuôi nhau như cỏ dại giữa rừng.

Giàng A Dơ, em trai của Sùng, nói cũng may còn có nhà trường nên hai đứa bé nhất nhà học bán trú, có cái ăn. "Tối về, đứa anh nấu cơm cho ăn. Hôm thì ông bà cho cơm, hôm thì chúng em cho, nên các bé không bị đói".

A Dơ chua xót kể Pà Sùng, 35 tuổi, có hai đời vợ. Nhà nghèo, vợ trước nghe lời người ta trốn sang Trung Quốc làm ăn, không có tin tức gì. Đứa con gái cả đã lấy chồng, thằng thứ hai học đến lớp 7 thì bỏ học, hai đứa nhỏ vẫn đang học mẫu giáo. Sùng lấy vợ khác, cô vợ giúp Sùng chăm hai đứa út.

Nhà đông con, thiếu tiền, nhiều lần Sùng uống rượu say cãi nhau với vợ rồi dọa sẽ ăn lá ngón để làm con ma núi.

Ai cũng nghĩ người say mới nói dại, nói điên thế. Tháng trước trong bản có đám cưới, Sùng lại say rượu. Về nhà, anh ta lôi đứa con trai ra dạy không được mải chơi, không được hư nữa. Đứa con cãi, không nghe, bỏ đi chơi "tù lú" (chơi quay) với đám bạn. Sùng giận lắm, ra bờ nương giật một nắm lá ngón về ngồi nhắm rượu...

"Kịp ra trạm xá ngay thì chưa chắc bị chết đâu! - A Dơ nói - Cán bộ trạm cứu nhiều người rồi. Ăn lá ngón, ra đấy cho thở oxy, rửa ruột vẫn có thể sống được. Anh Sùng không cho mang đi, lại uống rượu nhiều nữa".

Ở vùng này, lá ngón nhiều hơn rau cải. Thứ cỏ "đứt ruột" này mọc đầy rìa đường, bờ nương, mọc từ trên rừng xuống khe suối. Có mảnh nương đất bạc màu, cây ngô, cây sắn không được ăn nhưng lá ngón mọc, nở hoa vàng chóe đến bắt mắt. Người già bảo chết bằng lá ngón lên "cõi giàng" nhanh nhất. Chẳng biết tại sao người ta lại sai lầm đi tin như thế.

Bí thư Đảng ủy xã Tìa Dình Tráng A Dia cho hay số người tự tử bằng lá ngón ở xã đã giảm rất nhiều so với trước, nhưng vẫn còn. Vợ chồng cãi nhau: ăn lá ngón. Bị cảnh sát giao thông phạt: ăn lá ngón.

Đi khám không đủ sức khỏe đi bộ đội: ăn lá ngón. Cưới vợ rồi không thích: ăn lá ngón... Có hàng trăm trường hợp bị thứ lá xanh xanh, be bé ở rìa đường làm cho trợn mắt, lè lưỡi, tắt thở... nhưng chẳng hiểu thế nào người ta cứ tìm đến thứ lá độc dược này.

Năm năm trước, đoàn cán bộ của Trung tâm Y tế huyện đến Tìa Dình để tuyên truyền cho bà con không ăn lá ngón. Và ngay tối hôm ấy, trạm y tế cấp cứu luôn... bốn ca, hết cả thuốc. Ngày ấy, đường sá ở Tìa Dình vào mùa mưa chỉ có máy xúc đi được, nhiều người chết vì không cấp cứu kịp.

Thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, chưa hết năm nay huyện này đã có hơn 100 ca ngộ độc lá ngón mà đại đa số là tự tử. Hơn 80 người may mắn được cứu sống, 22 người chết.

Y sĩ Lò Văn Hiền, trạm y tế xã Tìa Dình, cho hay: "Lá ngón độc lắm! Nếu ăn để... dọa thì vẫn có thể cứu được, nhưng phải kịp thời. Sợ nhất là người quyết chết. Người thì nấu với mì tôm để "chết không trở thành ma đói", người thì xào khô lá ngón và bỏ vào điếu hút như hút thuốc lào, không thể cứu được".

Phận đời mong manh như... lá ngón - Ảnh 2.

Bát hương thờ Pà Sùng không được chăm sóc vì các con còn quá bé - Ảnh: VŨ TUẤN

Như lời nguyền chết chóc truyền kiếp

Giàng A Chia (xin được đổi tên) ở bản Háng Lìa B, xã Háng Lìa, chất hai bao tải to lên chiếc xe máy tồng tộc, cũ nát và chạy về nhà.

Căn nhà trống hoác đón từng cơn gió lạnh chiều đông. Chia mới 27 tuổi nhưng đã có... bốn đời vợ. Cô nào cũng lần lượt bỏ Chia đi vì ăn lá ngón. Người cuối cùng vừa rời Chia cách đây chưa đầy hai tháng.

Lúc ấy, vợ Chia đang mang bầu 9 tháng! Đám thanh niên trong bản ác mồm bảo: "Thằng Chia nó đẹp quá, số nó phải khổ, phải có nhiều vợ". A Chia vạm vỡ, trắng trẻo như cây pơmu trên rừng, khác hẳn đám trai bản lam lũ.

A Chia đẹp trai, được nhiều con gái thích, vì thế vợ chồng hay cãi nhau. Rồi một ngày, người vợ không kìm được cơn giận đã tìm đến lá ngón trong lúc con sắp chào đời.

Bác sĩ Quàng Văn Kim, trưởng trạm y tế xã Háng Lìa, chua chát: "Vợ A Chia không cho cấp cứu. Người nhà lấy bình phun thuốc sâu chạy điện, cắm vòi, bơm nước vào để... rửa ruột - anh Kim lắc đầu - Bơm chướng cả bụng lên, khi mang vào trạm y tế thì đã muộn rồi".

Anh bác sĩ không thể nào nhớ được mình đã cấp cứu bao nhiêu ca ngộ độc lá ngón. Từ ngày còn là y sĩ, yêu cầu đầu tiên và nhất thiết phải có của một cán bộ y tế cơ sở ở vùng này là thành thạo đỡ đẻ và... rửa dạ dày.

Phụ nữ Mông đến đẻ ở trạm y tế thì ít nhưng đến cấp cứu vì ngộ độc lá ngón thì nhiều. Anh cho rằng không phải vì ấu trĩ mà vì một cách suy nghĩ, cách phản ứng mà người khác không thể hiểu được.

Hạng A Di (xin được đổi tên) ở xã Xa Dung cũng bi kịch. A Di có một vợ chính thức và 19 người "già nhân ngãi, non vợ chồng". Cô vợ đầu tiên chê A Di "yếu", không bằng người yêu cũ. Họ bỏ nhau, mỗi người một phương.

A Di sống thêm với 19 phụ nữ nữa, không làm hài lòng được cô nào. Rốt cuộc, anh ta vặt một nắm lá ngón ăn với muối rồi đắp chăn kết thúc chuỗi ngày tuyệt vọng ở một căn lán coi nương...

Lá ngón là 1 trong 4 loại cây chứa chất độc bảng A

la ngon 2

Lá ngón mọc sát khu nhà dân ở huyện Điện Biên Đông - Ảnh: VŨ TUẤN

Cây lá ngón ở Việt Nam còn gọi là cây rút ruột, co ngón, hồ mạn trường, hồ mạn đằng, hoàng đằng, đoạn trường thảo (cỏ đứt ruột), câu vẫn.

Thành phần có thể giết người trong loại cây này là alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây.

Alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid là chất độc gây chết người. Alkaloid trong lá ngón được hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa chỉ từ 5 - 30 phút. Thời gian tử vong trung bình từ 1 - 7,5 giờ.

Tính đến tháng 11-2020, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông ghi nhận 109 ca ngộ độc lá ngón. Trong số này có 22 người chết, 87 người được cứu sống. Năm 2019, số ca ngộ độc lá ngón là 114 ca, đại đa số do tự tử.

Các xã có số người ăn lá ngón tự tử nhiều nhất là Keo Lôm, Xa Dung, Phì Nhừ, Phình Giàng... Riêng trong năm nay, hai xã Xa Dung và Phì Nhừ mỗi xã có 15 trường hợp ngộ độc lá ngón.

(còn tiếp)

3 người tử vong, 2 người nhập viện do ăn nhầm lá ngón 3 người tử vong, 2 người nhập viện do ăn nhầm lá ngón

TTO - Sáng 12-7, nhóm 5 người dân ở xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, Hà Giang hái rau rừng để nấu canh ăn sáng. Sau khi ăn, cả nhóm thấy buồn nôn, tê chân tay, tê miệng, khó chịu, liền gọi cho người thân lên đón đi cấp cứu.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp