11/02/2010 18:19 GMT+7

Phân chia tài sản không di chúc

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU(www.legalvn.com)
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU(www.legalvn.com)

TTO - * Ông bà nội tôi (đã mất) có để lại mảnh đất (không di chúc) đã hơn 10 năm. Ông bà nội tôi có 8 người con, trong đó 2 người đã mất (hai người này có 3 đứa con, có nhà trên mảnh đất đó), 4 người đang ở nước ngoài (quốc tịch nước ngoài). Cô ruột tôi cũng đã xây nhà trên mảnh đất đó, còn ba tôi (đang tạm trú tại tỉnh khác) chưa có nhà.

Ba tôi định bán phần đất còn lại sau khi hai thím (vợ hai người đã mất) xây nhà để chia đều cho 2 anh em, nhưng cô tôi không đồng ý. Cô cho rằng, thời gian ông bà già yếu, ba tôi không ở gần để phụng dưỡng, phần đất còn lại vì thế là của cô. Cô tôi nói như vậy có đúng không?

Hai thím và cô ruột tôi đã có nhà trên mảnh đất đó thì có được xem đã hưởng thừa kế? Còn 4 người con ở nước ngoài thì sao, theo luật phải chia thế nào? Nếu ba tôi muốn chia theo pháp luật mà không có sự đồng ý của cô tôi thì có được không?

Mong được giải đáp. Xin cảm ơn.

(phamyen154 dona@... )

- Luật sư Nguyễn Văn Hậu trả lời:

Do ông bà nội bạn mất mà không để lại di chúc nên di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Vì vậy, việc bốn người con của ông bà nội bạn đang cư trú ở nước ngoài không ảnh hưởng đến quyền được hưởng di sản của họ. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. (Điều 676 Bộ luật Dân sự).

Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự, thời hiệu yêu cầu chia thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm ông bà nội bạn chết). Do ông bà nội của bạn mất đã hơn 10 năm nên thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đã không còn.

Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do ông bà nội bạn để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các đồng thừa kế.

Khi có tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung (mục 2.4 Phần II Nghị quyết 02/2004 ngày 10-8-2004 hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình).

Vì vậy, trong trường hợp này ba bạn có thể làm đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai gửi lên UBND xã, phường thị trấn nơi có đất để được hòa giải theo luật định.

Trong trường hợp hòa giải không thành và có biên bản hòa giải không thành, ba bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung, kèm theo đơn khởi kiện là các giấy tờ có liên quan như biên bản hòa giải không thành, các chứng cứ, giấy tờ chứng minh di sản chưa chia để được giải quyết theo luật định.

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề nhà đất, thủ tục giấy tờ liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng... hoặc bài vở cộng tác, bạn đọc gửi về mục "Tư vấn nhà đất" hoặc "Địa ốc" tại địa chỉ: [email protected].

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

HOÀI TRANG thực hiện

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU(www.legalvn.com)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp