Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh Phan Châu Trinh - Ảnh: LÊ TRUNG
Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông (9-9-1872 - 9-9-2022) nhằm tri ân những đóng góp, đặc biệt là tư tưởng về canh tân đất nước, đề xuất những giải pháp để lưu giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của ông.
Ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nhắc lại rằng Phan Châu Trinh là người con ưu tú quê hương Quảng Nam, người khởi xướng, vận động, lãnh đạo Phong trào Duy Tân.
Hội thảo mong muốn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có những ý kiến đóng góp, đưa ra những nhận định, nguồn tài liệu, tư liệu mới, các góc nhìn mới để nhận diện, tiếp tục làm sáng tỏ thêm về tư tưởng canh tân của ông.
PGS.TS Đỗ Bang - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - cho rằng Phan Châu Trinh là ngọn cờ dân chủ mạnh mẽ nhất, tiêu biểu cho trào lưu canh tân đất nước vào đầu thế kỷ XX.
Ông sớm nhận ra sự thất bại trong cuộc đấu tranh chống Pháp bằng vũ lực nên tìm ra con đường giúp dân, cứu nước mới, trở thành người sáng lập một dòng yêu nước canh tân của Việt Nam theo tư tưởng dân chủ tại một nước thuộc địa.
Đó là Chấn dân khí, Khai dân trí, Hậu dân sinh được áp dụng đầu tiên tại Quảng Nam ngay trong buổi đầu ông từ quan về quê hoạt động yêu nước, rồi lan tỏa ra cả nước trở thành Phong trào Duy Tân.
Công việc đầu tiên là chấn dân khí để xóa đi mặc cảm tự ti của người dân nô lệ, biết ý thức, trách nhiệm của mình đối với vận mệnh dân tộc để cùng chung sức gánh vác. Chấn dân khí thực sự có hiệu quả khi người dân hiểu đầy đủ sứ mệnh của mình thông qua quá trình khai dân trí trong môi trường học vấn tân tiến.
Hai điều trên là tiền đề đảm bảo cho công cuộc hậu dân sinh nhằm xây dựng cuộc sống mới, xã hội mới, là kết quả của quá trình canh tân theo hướng dân chủ.
Phong trào Duy Tân tuy thất bại, nhưng cống hiến của Phan Châu Trinh vô cùng to lớn. Phong trào đã chấn hưng được tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, nghĩa đồng bào và căm thù giặc Pháp, phát triển được nhiều ngành nghề mới, xây dựng nền giáo dục văn hóa mới.
Đặc biệt là Việt Nam lần đầu tiên hàng ngàn người cùng xuống đường đấu tranh chống áp bức, bóc lột, phát triển văn hóa và dân sinh mang yếu tố chính trị do các tổ chức Hội lãnh đạo, đứng đầu là Phan Châu Trinh.
Tuy không thành công nhưng sự nghiệp của ông và sự kiện Trung Kỳ dân biến là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử tư tưởng và phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Theo PGS.TS Ngô Văn Minh - Học viện Chính trị khu vực III, tư tưởng của Phan Châu Trinh muốn khai dân trí, chấn dân khí thì phải đổi mới giáo dục, bởi chỉ có giáo dục mới thay đổi được thân phận cho mỗi người và thay đổi vị thế quốc gia.
Trong bài Hiện trạng vấn đề viết sau khi đi Nhật về, ông nói rõ: "Những sự giải thoát của chúng ta là nhằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ".
Với ông, đấy phải là một nền giáo dục mới tiếp cận với văn minh các nước tiên tiến, nhất là văn minh của các nước phương Tây. Nền giáo dục mới đó không chỉ cho một số ít người, mà phải là nền giáo dục quốc dân.
Ông cũng chủ trương phải chấn hưng kinh tế để thoát cảnh dân nghèo nước khó. Trước hết phải đổi mới tư duy kinh tế, vượt lên tư duy tiểu nông, tiểu thương, tiểu công nghiệp của người dân.
TS Nguyễn Minh Phương - Đại học Sư phạm Đà Nẵng - cho hay lịch sử dân tộc đã tôn vinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh, tuy nhiên cần phải giải quyết dứt điểm, thống nhất tên Phan Châu Trinh và Phan Chu Trinh. Hiện nay, trong một số sách lịch sử vẫn để tên Phan Chu Trinh, một số tỉnh, thành đặt tên đường Phan Châu Trinh. Ông đề nghị gia đình, địa phương có kiến nghị, thống nhất tên duy nhất để tạo nền tảng về sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận