Phóng to |
Ruộng dưa hấu 5ha của anh Lê Ngọc Chương (Long An) bị giảm năng suất do sử dụng phân kém chất lượng - Ảnh: V.Đ. |
Điều trớ trêu là theo quy định của Bộ Khoa học và công nghệ, kết quả phúc kiểm lại là kết quả cuối cùng để cơ quan chức năng xử lý vụ việc.
Biết kém mà không xử được
Nông dân lãnh đủ Anh Lê Ngọc Chương ở xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) trồng 5ha dưa hấu. Trong vụ dưa đang trồng, anh đến đại lý vật tư nông nghiệp gần ruộng, mua phân bón. Tại đây, chủ đại lý tư vấn cho anh một loại phân hỗn hợp NPK chuyên dùng cho cây lâu năm, cây ăn trái và hoa màu do Công ty HL sản xuất. Tuy nhiên sau đó dưa có hiện tượng giảm năng suất so với bình thường. Hiện dưa sắp thu hoạch và dự kiến chỉ bán được 40 triệu đồng, tức thu được 50% vốn đầu tư. Đại diện Công ty HL xác nhận trong loại phân bón này thiếu thành phần kali và đưa ra hướng giải quyết là đưa phân bón khác hoặc bồi thường 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên anh Chương không đồng ý và khiếu nại đến cơ quan chức năng huyện Vĩnh Hưng. |
Đầu năm 2013, đoàn kiểm tra liên ngành 127 tỉnh Tiền Giang kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp TS (Cái Bè, Tiền Giang) và lấy ba mẫu phân bón lá cao cấp Vietthon Gold do Công ty VT (TP.HCM) sản xuất. Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang gửi một mẫu bất kỳ trong ba mẫu trên đến kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Trung tâm 3 - TP.HCM). Kết quả: ba chỉ tiêu Mg, Mn và Cu trong mẫu phân bón này không đạt chất lượng.
Ngay sau biết thông tin này, Công ty VT xin phúc kiểm và chỉ định Chi cục QLTT tỉnh Tiền Giang gửi mẫu đến Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ (Q.10, TP.HCM). Kết quả: tất cả chỉ số trong mẫu phúc kiểm đều đạt.
Tương tự, mẫu phân bón N-P-K 20.20.15TE do Công ty ML ở tỉnh Long An sản xuất bán tại thị xã Gò Công (Tiền Giang) cuối năm 2012 được Trung tâm 3 thông báo không đạt. Hàm lượng N-P-K công bố là 20-20-15, nhưng thực tế mẫu kiểm nghiệm chỉ đạt 16,1-13,8-9,3. Sau đó doanh nghiệp chỉ định phúc kiểm tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ. Kết quả rất bất ngờ: hàm lượng N-P-K cao hơn công bố: 21,42-20,46-16,45!
Kỳ lạ nhất là hai mẫu phân bón kiểm nghiệm rất nhiều chỉ tiêu nhưng cho kết quả trái ngược hoàn toàn. Đó là mẫu phân bón lá HVP do Công ty TP sản xuất gửi Trung tâm 3 cho kết quả tám chỉ tiêu đều không đạt. Trong đó hàm lượng MgO chỉ có 36,67%, Zn 47,08%. Sau đó doanh nghiệp chỉ định gửi Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ thì cho kết quả cả tám chỉ tiêu đều đạt. Riêng hàm lượng MgO lên tới 97,17%, Zn 99,17%! Còn mẫu phân bón lá trung vi lượng dùng cho cây ớt LH4 Uni-meta Canxi-Bo do Công ty LH sản xuất được Trung tâm 3 cho kết quả bảy chỉ tiêu không đạt. Tổng các chất dinh dưỡng chỉ có 2,48% (công bố 13,34%) nên được xếp vào nhóm “hàng giả”. Tuy nhiên kết quả phúc kiểm tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ thì tất cả bảy chỉ tiêu đều đạt. Riêng chỉ tiêu Ca ban đầu chỉ có 1,9% nhưng phúc kiểm cho kết quả tới... 91,9%!
Một lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh Tiền Giang bức xúc: “Thật không thể lý giải nổi các kết quả kiểm nghiệm mà chúng tôi đã nhận được. Vấn đề định lượng các chất có trong sản phẩm là quá đơn giản, cho dù sử dụng phương pháp nào đi nữa phải cho kết quả gần tương đương nhau chứ làm gì chênh nhau một trời một vực như thế”.
Tương tự, tại tỉnh Long An trong thời gian từ tháng 9-2012 đến tháng 2-2013, Chi cục QLTT tỉnh gửi kiểm nghiệm 82 mẫu phân bón tại Trung tâm 3 thì có đến 46 mẫu không đạt. Tuy nhiên có tới 39/46 mẫu này được khẳng định là đạt chất lượng trong lần kiểm nghiệm lần hai.
Rất dễ phát sinh tiêu cực
Theo ông Võ Thiện Ngộ - chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Long An, hiện nay việc sản xuất kinh doanh phân bón rất khó quản lý chất lượng. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng theo quy định hiện hành thì không cần giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Do đó các cơ sở sản xuất tự công bố và đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Từ thực tế đó, một số nhà sản xuất phân bón ghi khống hàm lượng, chỉ tiêu các chất trên bao bì, thậm chí làm nhái bao bì của các doanh nghiệp sản xuất có uy tín, thương hiệu. Cũng có trường hợp sản xuất phân bón với hàm lượng chất phụ cao, còn chất chính rất thấp. Sau khi sản xuất phân bón kém chất lượng thì đưa về vùng sâu vùng xa tiêu thụ.
Thậm chí khi phát hiện hàng kém chất lượng cũng chưa chắc phạt được vì doanh nghiệp tận dụng triệt để điều 9, thông tư 26 của Bộ Khoa học và công nghệ để xin và chỉ định nơi phúc kiểm theo ý họ. “Hễ xin phúc kiểm thì y như rằng có kết quả hàm lượng rất cao, đạt chất lượng trong khi trước đó kết quả kiểm nghiệm đầu tiên cho thấy sản phẩm không đạt. Việc cho phép doanh nghiệp được chỉ định đơn vị phúc kiểm dễ dẫn đến tiêu cực vì họ hoàn toàn chủ động” - ông Ngộ nói.
Trong khi cơ quan chức năng nghi ngờ khâu phúc kiểm nghiệm có tiêu cực thì đơn vị thực hiện phúc kiểm lại cho rằng quá trình đưa mẫu hàng hóa đến phòng xét nghiệm có “vấn đề”. Ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ, nói trung tâm là một đơn vị làm kỹ thuật, nhận mẫu thử của khách hàng mang đến và trả lại kết quả mẫu thử theo đúng quy trình kỹ thuật và trung thực. Không ai biết xuất xứ của mẫu phân bón đem đến phúc kiểm thế nào nên không thể nói mẫu kiểm nghiệm lần thứ nhất và mẫu phúc kiểm là một. Vì thế không có gì lạ khi cùng một hàng hóa nhưng kết quả kiểm nghiệm khác nhau.
Theo ông Tuấn, trong quá trình kiểm tra có thể đoàn kiểm tra liên ngành hay cơ quan QLTT lấy mẫu không đúng kỹ thuật nên cũng cho kết quả khác nhau. “Chúng tôi sẽ kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng nên lấy mẫu đúng kỹ thuật ngay từ đầu. Sau đó sử dụng một mẫu duy nhất, kiểm nghiệm hai, ba lần để cho ra kết quả làm căn cứ đánh giá hay xử phạt doanh nghiệp” - ông Tuấn nói.
Phân bón dỏm khắp nơi Theo ông Trần Quang Củi - phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, từ đầu năm đến nay thanh tra sở đã phát hiện và xử lý 254 vụ vi phạm kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi. Phần lớn trường hợp vi phạm kinh doanh phân bón giả nhãn hiệu, không đảm bảo hàm lượng thành phần như đăng ký ban đầu. Tại Hậu Giang, đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cũng phát hiện hai mẫu phân bón giả là phân hữu cơ khoáng Cahumate dạng viên, loại 50kg/bao của Công ty TNHH Vĩnh Lợi (An Giang), phân supe lân siêu hạ phèn, giải độc hữu cơ, loại 50kg/bao của cơ sở Thành Phát (An Giang) có hàm lượng thấp hơn 50% so với công bố trên bao bì sản phẩm. KHOA NAM - LÊ DÂN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận