Phóng to |
* Chào nhà phê bình, nghe nói ông bận viết báo Tết quá?
- Bận chứ. Báo Tết à, là một dịp để mình cày cuốc thôi. Còn thu nhặt được bao nhiêu, tuỳ giời. Mà giời thì không cho tôi được dư dật khoản này lắm.
* Dạo này ở đâu cũng thấy ông Nguyên xuất hiện. Ồn ào thế?
- Chết, ở đâu cũng thấy tôi à? Thế này là tại cái tính cả nể của tôi đây mà. Ồn ào à? Tôi không nghĩ thế. Nếu trên văn đàn đông người, nhiều tiếng nói cất lên, người ta sẽ thấy khác. Nhưng ở chỗ không ai nói, hay ngại nói, thì, chỉ một giọng nói thôi cũng đã thấy là vang to. Tôi thấy tôi nói lên ý mình cứ như trên cánh đồng vắng.
* Lời nói của ông có bao nhiêu người nghe?
- Cứ nói, sẽ có người nghe. Tôi không thích "ngậm miệng ăn tiền". Vì ai cũng ngậm miệng lại rồi sẽ đến lúc phát hoảng vì im ắng quá. Kinh Thánh có câu: Khởi thuỷ là lời. Có lời, phải mở miệng. Do đó, tôi không ngại mở miệng.
* Ông có biết thiên hạ gọi mình là Đồ Gàn?
- Đồ, chắc vì chất Nghệ của tôi. Còn gàn, chắc có lẽ vì họ thấy tôi thường ít thuận theo số đông. Tôi không ngại nói ra điều mình nghĩ. Nhưng nếu gàn là ở chỗ tôi không dễ chấp nhận theo số đông thì tôi không ngại cái gàn ấy. Có ai gạ mua gàn, tôi chẳng bán đâu.
* Ông có bất ngờ vì vừa được chức Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội?
- Nói thế nào nhỉ? Tôi ghét sự quan liêu hành chính. Đây là hội duy nhất mà tôi tham gia. Anh em tín nhiệm, điều đó làm tôi vui. Mọi người làm việc, không ai có lương cả. Tôi thích vì nó mang tính chất nghề nghiệp nhiều, hành chính ít.
* Nghe nói cuốn Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh được 9/9 phiếu của Ban chung khảo Hội Nhà văn HN. Rồi, hình như nhiều người chưa tin nên các ông đã buộc phải công bố số phiếu?
- Tôi biết cuốn sách đó được giải đã có lời ra tiếng vào. Đó là quyền của mọi người, của dư luận. Nhưng không ai buộc chúng tôi phải công bố số phiếu bầu cả, chúng tôi chủ động làm việc đó. Chúng tôi đưa ra danh sách ban chung khảo đầy đủ họ tên 9 người, chấm 9/9 phiếu, để thấy công khai và trách nhiệm.
Khi trao giải, nó bị mang tiếng là do vị Chủ tịch Hội đỡ đầu tác giả và chấm giải thiên vị, nhưng thực chất, 9 vị trong ban chung khảo đều bỏ phiếu. Vậy điều này có nghĩa gì?
Vị chủ tịch, trên cương vị của ông ta, có thể trình bày và thuyết minh ý kiến của mình về tác phẩm xét giải, nhưng lá phiều bầu là của mỗi người, vị chủ tịch cũng chỉ một phiếu thôi. Hiểu theo phía ngược lại, thì điều nghi ngờ này lại là một sự xúc phạm các thành viên hội đồng chung khảo chúng tôi. Còn chuyện thiên tài hay không, ta không thể phán xét vội vàng. Ai cũng có quyền mơ ước và tự khẳng định mình. Hãy để thời gian kiểm nghiệm.
* Hỏi vui nhé, khi phê bình các tác phẩm của các cô gái trẻ, anh có chịu khách quan đến tối đa?
- Hì, tôi thấy cuối năm 2005, một loạt tác phẩm của các tác giả nữ xuất hiện rất tưng bừng. Điều này, đáng suy nghĩ. Tôi thấy trong tác phẩm của các cây bút nữ một sự cởi mở, bung phá, và hết mình. Họ có khát vọng mãnh liệt. Chính phụ nữ tự lên tiếng cho họ. Nếu tôi khen, sẽ lại kêu là ông Nguyên bốc, thôi thì tóm lại, tôi ủng hộ sự xuất hiện của họ.
* Ông định một lúc tung ra 5 cuốn sách. Có "ý đồ" gì đây?
- Đơn giản là để ngó lại một chặng nghề mình đã làm. Và cũng để có sách riêng trả nợ bạn bè, mình được tặng bao nhiêu sách rồi mà không có gì tặng lại, xấu hổ quá. Hai cuốn viết, một là tập tiểu luận phê bình, định tên sách là Văn, tên tác giả là Nguyên; một là tập các bài tranh luận, cãi nhau, đề là Sinh sự chữ. Ba cuốn còn lại là tuyển dịch nghiên cứu lý luận, truyện ngắn, thơ, với bút danh Ngân Xuyên.
* Ông thử vẽ mình thế nào?
- Một kẻ làm phê bình mà ngơ ngác. Trong cuốn Nguyên Văn nói ở trên, tôi định lấy chân dung mình là mấy câu thơ Hoàng Nhuận Cầm tặng: "Kiếp sau vứt bút phê bình/ Làm tên thi sĩ thất tình mà chơi/ Trả trang trắng giấy cho người/ Biết đâu Từ Thức vẫn ngồi đợi anh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận