Trong đó, khoản 3 điều 5 dự thảo việc phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng nhưng phải cam kết không được có thai đã nảy sinh một số ý kiến khác nhau từ các chuyên gia pháp lý.
Đại tá Trần Hữu Thông, giám thị trại giam Thủ Đức (Z30D), cho biết thông tư 46/2011 đã có quy định về việc nữ phạm nhân được gặp chồng không quá 24 tiếng. Những nữ phạm nhân được xem xét gặp chồng phải đáp ứng các yêu cầu: chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công.
Để được thăm gặp, thân nhân phải có giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã xác nhận về tình trạng hôn nhân thực tế với phạm nhân. Thân nhân phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh nội quy nhà thăm gặp.
“Phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù. Đây là quy định nhân văn, phù hợp, tạo điều kiện cho vợ chồng gặp nhau” - ông Thông nói.
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, căn cứ quy định trong dự thảo, không phải trường hợp nào phạm nhân cũng được gặp vợ hoặc chồng trong phòng riêng. Tiêu chí không làm ảnh hưởng đến việc chấp hành hình phạt tù sẽ được đặt ra hàng đầu.
Đối với phạm nhân nữ, việc gặp chồng mà mang thai, sinh con sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chấp hành hình phạt tù trong trại giam, như việc học tập, lao động cải tạo...
Hơn nữa, môi trường trại giam không thể là môi trường tốt cho con trẻ phát triển bình thường. Do vậy, phạm nhân nữ khi gặp chồng phải chấp hành một số điều kiện nhất định để tránh việc mang thai nhằm không gây ảnh hưởng đến việc chấp hành hình phạt tù là cần thiết.
Và trên thực tế, theo luật sư Nông, phạm nhân vì muốn chấp hành tốt án phạt để mau về với gia đình sẽ không cố tình để có thai. Tuy nhiên việc quy định cam kết không mang thai đối với phạm nhân nữ là cần thiết, nếu vi phạm sẽ chịu kỷ luật trại giam rất khắt khe.
Còn theo luật sư Lê Trung Phát, việc cho nữ phạm nhân gặp chồng là tiến bộ, nhằm bảo đảm quyền con người.
“Vấn đề là chúng ta làm thế nào để hạn chế việc có con sau khi nữ phạm nhân gặp chồng. Chúng ta nên yêu cầu họ cam kết hay chính trại sẽ áp dụng các biện pháp tránh thai sinh học cho họ để đảm bảo xác suất có thai sau khi gặp là thấp nhất” - luật sư Phát nói.
Theo các chuyên gia pháp lý, quy định buộc nữ phạm nhân cam kết không mang thai sẽ không khả thi bởi họ là những người có cải tạo tốt, mong muốn sớm hòa nhập xã hội, không rơi vào các trường hợp đang chấp hành án tử hình nên không ai muốn vướng kỷ luật vì mang thai.
Luật sư Phát cho rằng việc áp dụng các biện pháp tránh thai cho phạm nhân nữ một cách nghiêm ngặt, đảm bảo sau khi gặp sẽ hạn chế việc có thai sẽ là giải pháp tốt nhất.
“Hiện nay, các trại giam để tự phạm nhân và chồng chủ động trong các biện pháp tránh thai. Nhưng thực tế không phải ai cũng lưu ý điều này. Vì vậy, các trại giam có thể xem xét cung cấp biện pháp tránh thai cho phạm nhân nữ trước khi gặp chồng” - luật sư Lê Trung Phát đề xuất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận