06/09/2017 18:50 GMT+7

Phạm Công Danh: 'Tôi mua Đại Tín đắt hơn giá trị thực 1.000 lần'

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Ngày 6-9, tại phiên xét xử đại án Hà Văn Thắm, bị cáo Phạm Công Danh đã cay đắng thốt lên: "Bị cáo đã mua Ngân hàng Đại Tín đắt hơn giá trị thực gấp 1.000 lần"!

Phạm Công Danh: Tôi mua Đại Tín đắt hơn giá trị thực 1.000 lần - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng

Lời khai tại tòa cho thấy việc chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây Dựng) giữa 3 đại gia Hứa Thị Phấn, Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh không phải để hoạt động tín dụng một cách lành mạnh mà ẩn chứa phía sau là những tính toán khác…

Cũng vì thương vụ chuyển nhượng ngàn tỉ ấy mà giờ cả 3 đại gia ngân hàng lừng lẫy một thời đều đứng chung trước vành móng ngựa.

Biết yếu kém vẫn "nhắm mắt" mua

Tài liệu điều tra và lời khai của các bị cáo tại tòa cho thấy bà Hứa Thị Phấn là đại diện cho một nhóm cổ đông nắm giữ 84% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín. 

Giữ chức vụ cố vấn cấp cao của ngân hàng này, bà Phấn đã biến hai thửa đất ở huyện Nhà Bè và quận 2 (TP.HCM) từ đất nông nghiệp thành hai miếng đất "vàng", đứng tên hàng chục cá nhân để vay của Ngân hàng Đại Tín khoảng 3.600 tỉ đồng.

Do muốn thâu tóm một số ngân hàng thương mại về Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) nên Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn để đặt vấn đề mua Ngân hàng Đại Tín. Bà Phấn đồng ý.

Hà Văn Thắm khai tại tòa: Khi cho người vào tiếp quản Đại Tín, Thắm phát hiện ngân hàng này có những mối quan hệ phức tạp giữa các cổ đông, những món nợ xấu khổng lồ… Vì vậy, Thắm tìm cách "bán tháo" nó cho ông Phạm Công Danh.

Vào thời điểm đó, Phạm Công Danh đang ấp ủ dự định thành lập một ngân hàng phục vụ cho ngành xây dựng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không cho phép thành lập ngân hàng mới.

Qua sự giới thiệu của Hà Văn Thắm, vào năm 2012, Phạm Công Danh đã ký thỏa thuận với nhóm bà Phấn mua Ngân hàng Đại Tín cùng 24 ha đất tại khu đô thị Nhà Bè, 9 ha đất thuộc khu đô thị quận 2 (TP. HCM) và một số tài sản khác với tổng giá trị 4.500 tỉ đồng.

Sau này, Phạm Công Danh khai trước tòa: Danh biết Đại Tín hoạt động rất yếu kém nhưng Danh vẫn quyết tâm mua ngân hàng này. 

Lý do vì Danh nhẩm tính 2 khu "đất vàng" tại Nhà Bè và quận 2 có giá trị khoảng 7.000 tỉ đồng. Vậy thì việc nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín và lô đất với giá 4.500 tỉ đồng là quá hời!

Lúc này, 2 lô đất đang được nhóm bà Hứa Thị Phấn thế chấp cho Ngân hàng Đại Tín. Khi mua cổ phần của Đại Tín, thay vì trả tiền cho nhóm bà Phấn thì Danh phải trả nợ cho ngân hàng. Đổi lại, Danh được nhận 2 lô đất và các tài sản khác.

Sau khi "môi giới" thành công việc mua bán Ngân hàng Đại Tín, Hà Văn Thắm đã đút túi 500 tỉ đồng tiền lãi.

Riêng Phạm Công Danh khi tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín đã đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng (VNCB). Đến năm 2013, dưới sự lèo lái của Phạm Công Danh, VNCB lỗ lũy kế hơn 11.300 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.200 tỉ đồng và bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Với những sai phạm gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng, Phạm Công Danh đã bị tuyên 30 năm tù cho các tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho hay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…

Ngày 6-9, tại phiên xét xử đại án Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh đã cay đắng thốt lên: "Bị cáo đã mua Ngân hàng Đại Tín đắt hơn giá trị thực gấp 1.000 lần"!

Mua ngân hàng để lấy đất?

Tại cơ quan điều tra, bà Hứa Thị Phấn khai bà không muốn chuyển nhượng ngân hàng cho Phạm Công Danh vì thấy Danh không có kinh nghiệm về ngân hàng. 

Tuy nhiên sau đó bà buộc phải chuyển nhượng vì bị Hà Văn Thắm đe dọa: Đại Tín có những sai phạm, yếu kém và nợ xấu, nếu không chuyển nhượng sẽ bị các cơ quan chức năng vào cuộc…  

Ngày 6-9, khi trả lời chất vấn của các luật sư về việc tại sao biết Ngân hàng Đại Tín quá yếu kém mà vẫn tìm cách chuyển nhượng cho Phạm Công Danh, bị cáo Hà Văn Thắm nói: "Bị cáo thấy cô Phấn đã cao tuổi, không thể tiếp tục làm ngân hàng. Bị cáo cũng không làm được vì không có tiền. Khi đó anh Danh khoe có 50.000 tỉ đồng. Bị cáo nghĩ chuyển nhượng cho anh Danh để anh có thể đỡ được ngân hàng! Rất tiếc là anh Danh không đỡ nổi!"

Riêng Phạm Công Danh thì khẳng định: "Khi chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín, Thắm nói đây là ngân hàng tốt, không nói với tôi cái xấu của ngân hàng này. Lúc đó tôi nghĩ mua tài sản đang thế chấp tại ngân hàng là 24 ha đất tại Nhà Bè, 9 ha đất tại quận 2…chứ không nghĩ sẽ mua một ngân hàng rách".

Bị cáo Danh khai sau khi nhận chuyển nhượng, cũng đổ tiền vào Ngân hàng Đại Tín với mục đích giải chấp các lô "đất vàng". Thế nhưng khi Danh chưa trả đủ tiền để lấy lại các lô đất như ấp ủ thì xảy ra vụ án. Đến nay, các lô đất này đều bị cơ quan điều tra phong tỏa.

Tại sao biết ngân hàng yếu kém mà vẫn chuyển nhượng cho Phạm Công Danh để lấy 500 tỉ đồng tiền hoa hồng? Trước câu hỏi này của luật sư, Hà Văn Thắm giải thích: "Đây không phải là lãi bán ngân hàng mà là tiền anh Danh hỗ trợ cho bị cáo để bị cáo chi chăm sóc khách hàng!".

Ngoài đại án OceanBank, bị cáo Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn vẫn đang là bị can trong những vụ án khác!

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp