Phạm Anh Khoa xin lỗi - Video: CSAGA Việt Nam
Ngày 12-5, sau khi Trung tâm CSAGA (tổ chức phi chính phủ, hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái) đưa clip phỏng vấn Phạm Anh Khoa lên trang Facebook của mình, họ đã nhận về rất nhiều bình luận.
Điều đáng nói, lượng người nhấn nút biểu lộ cảm xúc cho clip của CSAGA với biểu tượng phẫn nộ gần như áp đảo.
Clip Phạm Anh Khoa trả lời CSAGA đăng trên trang Facebook của tổ chức này nhận được rất nhiều bình luận.
Chúng tôi chụp lại màn hình trang Facebook của CSAGA vào 12h ngày 13-5, lượng người dùng nút có biểu tượng phẫn nộ dưới clip Phạm Anh Khoa áp đảo.
Tuổi Trẻ Online đã phỏng vấn nhanh những người đang làm việc trong ngành truyền thông về vụ việc này.
MC : Chẳng khác nào CSAGA tự tát vào mặt mình
Tôi có quan tâm đến vụ Phạm Anh Khoa bị các cô gái tố cáo từ đầu, nhưng vì chưa có thông tin gì rõ ràng nên chưa bao giờ lên tiếng.
Tới ngày hôm qua, khi xem clip trò chuyện của CSAGA với Phạm Anh Khoa, cũng như đọc thông cáo báo chí của tổ chức này tôi thực sự thất vọng.
MC Phan Anh
Cuộc trò chuyện của CSAGA nhằm mục đích giúp Phạm Anh Khoa thấy sai lầm của mình. Nhưng xem clip, chỉ thấy đó là một lời xin lỗi chung chung, chẳng hướng đến đối tượng nào.
Một khi đã xin lỗi thì người xin lỗi phải nhận thức được mình sai ở đâu, và xin lỗi chân thành thì lời xin lỗi mới có giá trị.
Còn clip này gây cảm giác CSAGA giống như cô giáo đang giảng giáo dục công dân cho Phạm Anh Khoa để lấy một lời xin lỗi qua loa.
Trong trường hợp này, đáng lý ra một tổ chức như CSAGA phải hỗ trợ những người bị cho là bị quấy rối như Phạm Lịch và Nga My chứ. Đằng này họ lại đi phỏng vấn Phạm Anh Khoa, vô hình chung, mọi người có cảm giác CSAGA đang xử lý khủng hoảng truyền thông hộ Phạm Anh Khoa.
Tôi có đọc một bài phỏng vấn, khi phóng viên hỏi "Tại sao CSAGA không phỏng vấn Phạm Lịch mà lại là Phạm Anh Khoa?" thì bà Vân Anh, Giám đốc của CSAGA trả lời: "Chị có thấy cô Lịch nói khắp mọi nơi và nói hết rồi không?"
Điều này khiến người ta thấy CSAGA bênh vực cho Khoa hơn là muốn giải quyết vấn đề một cách rốt ráo.
Tôi hoan nghênh Phạm Anh Khoa tham gia các hoạt động chống quấy rối tình dục. Nhưng ở giai đoạn đầy nhạy cảm này, khi anh ấy đang bị nghi ngờ thì nên lui về phía sau, chứ không thể là người dẫn đầu phong trào.
Việc CSAGA cho Khoa dẫn đầu phong trào thì chẳng khác gì một cái tát vào chính tổ chức này.
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Làm sai thời điểm
Về khía cạnh truyền thông, tôi thấy vụ này làm sai thời điểm. Đáng lẽ cần thanh minh, đính chính cái gì thì làm ngay từ đầu.
Còn khi mọi chuyện đã thành "quả bom", UNFPA đã dỡ hình ảnh Phạm Anh Khoa ra khỏi website, mà tư vấn cho Phạm Anh Khoa làm theo cách này là sai.
Khi mọi việc vẫn còn chưa ngã ngũ, chưa ai biết Phạm Lịch hay Phạm Anh Khoa, ai đúng ai sai, mà CSAGA phỏng vấn Phạm Anh Khoa thì mọi người sẽ mặc định Khoa là người sai.
Nhà báo Trương Anh Ngọc - Ảnh: NVCC
CSAGA cũng không nên tận dụng một người đang bị nghi vấn như Phạm Anh Khoa để phát động một phong trào. Tại sao không chọn một người không có vấn đề gì để làm, thiếu gì người? Cách này chỉ khiến cho khủng hoảng truyền thông lớn hơn thôi.
Ngoài ra, cũng nên đặt câu hỏi Việt Nam đã đủ hiện tượng để làm thành #Metoo chưa? Điều quan trọng nhất là phải có bằng chứng. Hiện nay những người lên tiếng đều chưa đưa ra được bằng chứng.
Trong những chuyện như thế này, truyền thông vẫn đang chạy theo tin đồn, chứ chưa có những căn cứ xác đáng. Dư luận đang bị lái theo hướng rất mập mờ, cứ thấy phương Tây như thế thì mình làm theo. Với những cách thức mập mờ, có thể chôn vùi sự nghiệp của một người nghệ sĩ.
Tôi hoàn toàn hiểu cách tiếp cận của CSAGA là muốn giáo dục từ cả hai giới. Nhưng tôi không đồng tình với cách làm của CSAGA.
Chỉ sau một cuộc trò chuyện 45 phút mà Phạm Anh Khoa không đưa ra một lời xin lỗi chính thức nào, mà CSAGA đã vội vàng đưa lên website tuyên bố: "Phạm Anh Khoa tuyên bố một chương trình hành động nhằm nâng cao nhận thức cho các nam nghệ sĩ khác nói riêng và nam giới nói chung đã và đang có những lời nói và hành vi tương tự nhằm giúp tránh gây tổn thương cho bạn diễn nữ nói riêng cũng như phụ nữ và trẻ em gái nói chung", thì theo tôi CSAGA không tôn trọng cả sứ mệnh của họ, lẫn sự thông cảm với phụ nữ.
Thêm nữa, Phạm Anh Khoa làm việc với CSAGA bao nhiêu năm, mà đến giờ vẫn không hiểu thế nào là quấy rối tình dục, thì quá khó hiểu với tôi. Nếu Phạm Anh Khoa thực sự không hiểu, thì CSAGA cũng nên tự vấn xem chương trình của họ hoạt động như thế nào mà ra nỗi ấy. Họ nên đưa Khoa trở thành đối tượng cần nâng cao nhận thức, chứ không phải đưa Khoa lên thành lãnh đạo phong trào.
Chị Phương Huyên, hiện đang học Master ngành truyền thông tại Mỹ
Bước đi này tôi cho là có lợi cho Phạm Anh Khoa rất nhiều, vì như thể được CSAGA "bảo trợ". Nhưng tôi buồn và bất ngờ vô cùng khi một tổ chức bảo vệ phụ nữ lại mời "nghi phạm" đến trả lời thay vì mời người tố cáo.
Trong tình trạng hiện nay, Phạm Anh Khoa khó có thể tiếp tục vai trò đại sứ của anh ấy trong các tổ chức. Giờ CSAGA lại muốn Khoa chung tay đấu tranh vì sự bình đẳng ư, thật nực cười!
Phạm Anh Khoa đã xin lỗi, nhưng theo dõi câu trả lời dễ nhận thấy Khoa không nhận đó là hành vi xâm hại, mà vì "vô thức", do bản tính "bỗ bã", do "môi trường". Cách trả lời như vậy gây cảm giác xin lỗi không thật lòng.
Ngô Bích Ngọc, giảng viên Khoa phát thanh truyền hình Học viện Báo chí tuyên truyền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận