Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh - Ảnh: Việt Dũng |
Ông đề nghị đối với các doanh nghiệp lớn 100% vốn nhà nước thì điều lệ hoạt động phải là các đạo luật do Quốc hội ban hành.
Bộ, ngành không phải ông chủ
"Vai trò Quốc hội quá mờ nhạt. Lẽ ra Quốc hội phải nắm toàn bộ 1,3 triệu tỉ đồng vốn nhà nước đang kinh doanh trong doanh nghiệp. Kinh doanh thế nào, bỏ vào đâu, lấy vốn chỗ này đầu tư chỗ kia... hằng năm phải báo cáo Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định như một chương trình quan trọng trong hoạt động của Quốc hội" Đại biểuTRẦN DU LỊCH |
Theo ông Lịch, có ba nội dung quan trọng trong phạm vi điều chỉnh của luật này cần phải giải quyết, đó là đầu tư vốn nhà nước, quản lý vốn nhà nước và giám sát vốn nhà nước. Trong đó cơ chế giám sát là việc cực kỳ quan trọng mà nút thắt ở chỗ phải giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và người đại diện.
Theo ông, với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì trên thế giới người ta sẽ xem nó như một doanh nghiệp cổ phần có một cổ đông là nhà nước. Những gì thuộc thẩm quyền của đại hội cổ đông là của chính phủ, của nhà nước chứ không phải của một doanh nghiệp. Và đặt ban kiểm soát là do nhà nước bổ nhiệm để kiểm soát hội đồng quản trị trong doanh nghiệp đó. Ở nhiều nước, điều lệ của một doanh nghiệp lớn là một đạo luật do quốc hội ban hành, Việt Nam cũng phải làm như vậy với dầu khí, điện, than...
Ông Lịch đề nghị trước hết phải giải quyết mô hình rồi sau đó mới giải quyết những vấn đề cụ thể. Luật này ra đời phải đi đến chỗ không còn bộ, ngành nào làm chủ quản doanh nghiệp - điều đã trông chờ mười mấy năm nay mà không làm được.
Cùng quan điểm, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhấn mạnh: “Trọng tâm luật này cần tập trung mối quan hệ giữa nhà nước với người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Cần định hình một hệ thống quan điểm về mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước một cách rõ ràng”.
Theo ông Nam, về cơ chế giao quyền chủ động cho doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp nhà nước thì theo thông lệ quốc tế phải giao đủ quyền cho doanh nghiệp, hội đồng thành viên và chủ tịch công ty phải đủ thẩm quyền để chịu hoàn toàn trách nhiệm giải quyết chủ sở hữu và thực hiện chiến lược, mục tiêu mà chủ sở hữu đề ra.
“Cần quy định cụ thể trong luật quyền của doanh nghiệp được từ chối những cuộc giám sát, kiểm tra, thanh tra không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo bổ sung nội dung xử lý các thiệt hại do can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ vào doanh nghiệp” - ông Nam đề xuất.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng dự luật trao quyền hạn khá rộng rãi cho các cơ quan đại diện sở hữu, người đại diện phần góp vốn của nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi quy định trách nhiệm lại chưa tương xứng với các quyền trao cho họ. “Theo tôi, cần cụ thể rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt đầu tư sai, hoặc có sai phạm trong thực hiện dẫn đến lãng phí, thất thoát thì phải bồi thường thiệt hại” - ông Tiến nói.
Doanh nghiệp nhà nước không nên cạnh tranh với dân doanh
Xin thêm thời gian để phát biểu, đại biểu Trần Du Lịch nói: Theo Hiến pháp thì công dân có quyền kinh doanh cái gì luật không cấm, nhưng Nhà nước chỉ có quyền kinh doanh cái gì luật cho phép. Trong dự luật này quy định năm lĩnh vực Nhà nước đầu tư kinh doanh gồm: sản xuất cung ứng dịch vụ công ích; an ninh, quốc phòng; các lĩnh vực độc quyền; đầu tư vào lĩnh vực thị trường chưa làm; đầu tư nhằm ổn định kinh tế - xã hội. “Tôi thấy quy định như vậy là quá rộng, đặc biệt là nhóm cuối cùng. Tôi đề nghị quy định rõ nguyên tắc Nhà nước chỉ kinh doanh những gì thị trường không làm, bổ khuyết cho thị trường chứ không phải là cạnh tranh với thị trường. Nhà nước đầu tư mở đường cho thị trường nhưng đến khi thị trường làm được thì Nhà nước phải rút vốn làm cái khác” - ông đề nghị.
“Với quy định rộng như vậy thì tôi e rằng không những không siết chặt mà còn tạo kẽ hở để hợp thức hóa chạy đua đầu tư, dẫn đến thua lỗ phải làm thủ tục giải thể, thoái vốn hoặc chia bán” - đại biểu Phùng Đức Tiến nhận định.
Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, mất kiểm soát trong thời gian qua là do chưa luật hóa được cụ thể phạm vi, lĩnh vực đầu tư. “Thực tế Nhà nước chỉ cần đầu tư vào các lĩnh vực công ích, quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực độc quyền, nhưng phải được quy định rất cụ thể, rõ ràng tại nghị định” - đại biểu Đồng đề nghị.
“Tiền bạc vào tòa thì công lý sẽ ra đi” Phiên họp sáng 5-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Liên quan đến việc tổ chức viện kiểm sát khu vực (để tương thích với đề xuất tổ chức tòa án sơ thẩm khu vực), tranh luận với các lập luận cho rằng tổ chức cơ quan tư pháp thành khu vực sẽ có tính độc lập, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng tổ chức thành khu vực để không có sự can thiệp vào công việc của cơ quan nội chính là chưa chắc chắn. “Theo tôi thấy hiện nay các cơ quan tư pháp bị chi phối bởi ba vấn đề: một là chính trị, hai là tiền bạc, ba là tình cảm. Chính trị, tiền bạc, tình cảm đi vào tòa thì công lý sẽ cắp cặp ra đi” - đại biểu Thuyền bình luận. Theo đại biểu Thuyền, việc yếu nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ chứ không phải do tổ chức bộ máy. “Cái chính yếu nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ. Cán bộ có trái tim đầy nhiệt huyết và bàn tay sạch thì mới làm cho cán cân công lý và công bằng xã hội được thực hiện” - đại biểu Thuyền nhấn mạnh. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (TP Hà Nội) cũng nhìn nhận tổ chức và hoạt động tư pháp của các nước trên thế giới đều hướng tới một mục tiêu đó là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, các nhóm lợi ích kinh tế... Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị không thành lập tòa án khu vực và cũng không thành lập kiểm sát khu vực, giữ nguyên như hiện nay. Ông cho rằng để nâng cao chất lượng công tác tư pháp không phải cải cách trụ sở, không phải cải cách vỏ vật chất. Ủy ban Tư pháp cho biết cơ bản tán thành với dự thảo luật về tổ chức bốn cấp viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp (gồm viện kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân cấp cao, viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, viện kiểm sát nhân dân cấp huyện/khu vực). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận