Hiện trường vụ tai nạn xe khách tại Lào Cai - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Trong đó có vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng tại tỉnh Lào Cai.
Hai bạn đọc đã gửi đến Tuổi Trẻ các đề xuất nhằm giảm tai nạn thương tâm này.
Không phải chỉ đến kỳ nghỉ lễ năm nay tình trạng TNGT mới khủng khiếp như vậy, thực tế bất cứ ngày nào trong năm cũng có tai nạn. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy trung bình mỗi năm ở Việt Nam có hơn 11.000 người chết vì TNGT - con số thật sự trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường.
Có một câu hỏi vẫn luôn khiến những ai từng đến các quốc gia phát triển đều không khỏi băn khoăn: tại sao quốc lộ những nước này cũng có nhiều đoạn hẹp, có hai hay bốn làn xe, có đoạn xe chạy tối đa đến 100-120 km/giờ, vậy mà TNGT, đặc biệt là tai nạn liên quan đến xe chở khách, không nhiều, không thảm khốc như ở nước ta?
Câu trả lời không chỉ đến từ ý thức hay “độ cứng” của người cầm lái mà chủ yếu đến từ khâu kiểm định chất lượng xe, cấp bằng lái và cả những quy định liên quan đến việc dừng - đón trả khách.
Như tại New Zealand, ôtô phải thường xuyên đưa đi kiểm định mỗi sáu tháng hoặc một năm, xe càng cũ thì khoảng cách giữa hai lần kiểm định càng ngắn. Nếu xe có vấn đề khi lưu thông trong thời gian tem kiểm định còn hiệu lực, không chỉ chủ xe mà cả kiểm định viên có thể sẽ bị phạt rất nặng.
Quốc gia này cũng siết chặt việc thi cấp bằng lái (chứ không có tình trạng không cần học, không cần thi cũng có bằng lái đàng hoàng như đang diễn ra ở một vài nơi tại nước ta) và có những chế tài rất nghiêm khắc với việc vi phạm luật giao thông. Một điểm khá hay của New Zealand là việc tài xế thường dừng nghỉ 5-10 phút mỗi 100km hoặc hai giờ lái xe. Khi tôi thắc mắc thì các bác tài giải thích đây là khuyến cáo của ngành giao thông nhằm giúp tài xế có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tỉnh táo lái xe.
Hiện nay tại Việt Nam, hầu hết hãng xe đều có trạm dừng nghỉ theo quy định của riêng hãng, nhưng thiết nghĩ Bộ Giao thông vận tải và chính quyền các tỉnh hoàn toàn có thể phối hợp với nhau xây dựng các trạm dừng để hành khách và tài xế nghỉ ngơi.
Tất cả các xe, không phân biệt của hãng nào, đều có thể dừng lại. Ngoài ra, có thể phát huy các trạm này thành điểm đón trả khách theo quy định, giảm tình trạng đón trả khách tùy tiện dọc đường.
Các lỗi vi phạm như chở vượt số khách quy định, vượt tốc độ cho phép và đặc biệt là nghe điện thoại khi đang lái xe cần phải bị xử phạt nặng.
Bản thân tôi từng một lần xanh mặt khi đi xe “chất lượng cao” từ Thái Nguyên về Hà Nội mà bác tài tăng tốc, lạng lách, bấm còi liên tục kể từ sau khi ra khỏi địa phận thành phố Thái Nguyên trong tình trạng một tay ôm vôlăng, tay còn lại cầm điện thoại cười nói hết cuộc này qua cuộc khác. Vậy mà mọi người trên xe đều bình thản, không một ai tỏ ra lo lắng, ngoại trừ tôi sợ hãi ngồi ôm chặt cái balô phía trước, thi thoảng run rẩy nhìn lên phía bác tài, thầm mong tài xế bỏ ngay cái điện thoại xuống. Về đến Hà Nội tôi còn rùng mình khi nghĩ nếu lúc trên xe chẳng may có tình huống bất ngờ xảy ra, tài xế không phản ứng kịp vì mải lo “tám” điện thoại thì hậu quả sẽ thảm khốc thế nào.
TNGT đã là một vấn nạn quốc gia, là một lực cản với sự phát triển của đất nước, và cũng cần những giải pháp giải quyết từ gốc vấn đề, đi liền với việc thường xuyên duy tu, nâng cấp chất lượng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Hãy để những ngày nghỉ lễ là những ngày vui đối với người dân, là dịp để mọi người cùng tham gia các hoạt động lễ hội, đi du lịch thăm thú đó đây, chứ đừng biến thành nỗi ám ảnh khiến đường đi của người dân thêm phần gian nan, nguy hiểm.
Nhiều yếu kém trong đào tạo lái xe Là cán bộ đang công tác trong ngành giao thông, sau hàng loạt tai nạn xe khách gần đây, tôi xin trình bày các yếu kém trong khâu đào tạo lái xe hiện nay và mong sớm có chấn chỉnh. Khâu đào tạo lái xe từ chỗ xã hội hóa đã chuyển thành thương mại hóa, thậm chí “cò” cũng tuyển sinh dạy lái xe (tuyển sinh dạy vài ba ngày rồi gửi vào các trung tâm để thi), đâu đâu cũng thấy tuyển sinh dạy lái xe và bao đậu. Các trường, trung tâm dạy lái xe không thực hiện đúng chương trình đào tạo; đăng ký xe, giáo viên nhiều chủ yếu là để lấy học viên nhưng thực chất mức độ hoạt động rất ít, khi nào có thanh tra kiểm tra thì mang ra trưng. Chương trình đào tạo theo thông tư 46/BGTVT có nhiều bất cập khi các hạng xe như B1, B2, C, D, E được thiết kế gần như nhau cho một quy trình thi. Khi nâng hạng E (xe chở khách trên 30 chỗ) chẳng hạn, nếu nhìn vào biên bản chấm thi ngoài đường thì không khác gì so với hạng B2, vậy người lái xe hạng E không học được gì ở khâu nâng hạng. Thiết kế chương trình thi lý thuyết cho hạng E cũng nằm trong 450 câu hỏi dùng chung như vậy làm sao nâng được ý thức trách nhiệm của người lái xe khách. Là người đã lái xe lâu năm, tôi nhận thấy các trường dạy lên dốc bằng phanh chân là hoàn toàn sai. Đây chỉ là cách đối phó thi thôi, ra thực tế gặp tình huống như vậy thì chẳng biết làm gì. Trong khi các kỹ năng như xuống dốc dài phải đi số như thế nào, phanh xe như thế nào, nếu mất phanh phải xử lý như thế nào, dồn về số thấp hay phương án an toàn khác... ít được các trung tâm chỉ dạy. Chương trình học có môn đạo đức và văn hóa giao thông, nhưng theo tôi đạo đức ở đây là đạo đức nghề nghiệp cần được lồng ghép vào các môn khác (như pháp luật giao thông, kỹ thuật lái xe, nghiệp vụ vận tải), dạy môn đạo đức lái xe phải là giáo viên có giấy phép lái xe, chứ quy định như hiện nay là chưa đúng. NGUYỄN XUÂN KHANH (TP.HCM) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận