23/09/2017 09:45 GMT+7

Phải vượt lên chính lợi ích của mình

TS Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế  trung ương) - NGỌC AN ghi
TS Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) - NGỌC AN ghi

TTO - Việc Bộ Công thương quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, chiếm đến hơn 55% các thủ tục về đầu tư kinh doanh của ngành này, được ví như tự mình “lấy đá ghè chân mình”.

Đó không chỉ là sự đổi mới tư duy, mà họ phải vượt lên chính họ, vượt lên chính lợi ích của họ mới làm được.

Phải vượt lên chính lợi ích của mình - Ảnh 1.

Là bộ có nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh nhất, đưa ra nhiều rào cản, quy định, dù đã được doanh nghiệp và chuyên gia chỉ ra từ 5 - 10 năm trước, đã thảo luận "lên xuống" nhiều, nhưng cải cách vẫn không làm được.

Sự thay đổi chỉ thực sự rõ nét trong hai năm gần đây, khi những quy định vốn được xem là bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp đã được người đứng đầu ngành công thương kiên quyết sửa đổi. 

Đó là việc bãi bỏ thông tư 37/2015 quy định về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde trong dệt may, sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng, khai báo hóa chất, rồi bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo...

Có thể nói Bộ Công thương đi tiên phong trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ rào cản và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Quyết định này không những đầu tiên mà có tính lịch sử chưa từng có trong cải cách cải thiện điều kiện kinh doanh, cũng như cải cách kinh tế nói chung.

Có lẽ, sự thay đổi này phải được thảo luận nhiều lần với quyết tâm lớn. Những thay đổi như vậy chắc chắn phải có một sự thay đổi căn bản trong tư duy về vai trò của Nhà nước và thị trường, về cách tiếp cận quản lý đối với lĩnh vực thuộc bộ.

Đây cũng sẽ là tấm gương đối với những bộ khác, những người muốn làm theo nhưng cũng là áp lực của những người còn chần chừ. 

Đã có bộ làm được, tại sao các bộ khác lại không làm được? Xã hội và dư luận cũng sẽ có cái nhìn soi chiếu, đánh giá vào các tư lệnh ngành khác, xem xét những lãnh đạo trưởng ngành khác có thực sự thay đổi tư duy về quản lý nhà nước, có sự quyết tâm và năng lực tổ chức hay không. 

Vượt qua chính mình để đưa ra quyết định này là vượt qua thách thức lớn nhất, giờ còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật.

Để hiện thực hóa những quyết định trên, nếu cả hệ thống của Bộ Công thương đã quyết tâm, việc thực hiện chỉ cần 3 tháng thôi. Bởi ngành công thương biết từng điều kiện kinh doanh nằm ở khoản nào, điểm nào, điều nào, nghị định nào và chỉ cần sửa đổi, theo hướng sửa nhiều nghị định liên quan đến quản lý ngành công thương, thành một nghị định, với quy định trình tự thủ tục rút ngắn. 

Tôi kỳ vọng tháng 12, tức cuối năm nay là cắt giảm được.

Chúng ta có thể nghi ngờ và có quyền nghi ngờ về sự thực chất hay không thực chất, nhưng chắc chắn việc cắt giảm hơn 55% điều kiện kinh doanh trên sẽ là tiền đề để cải thiện đáng kể, bỏ đi đáng kể nhiều rào cản. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp quyền kinh doanh tự do, tự chủ hơn, nâng được mức độ cạnh tranh thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo và đổi mới nhiều hơn, thúc đẩy phát triển, khai thác các nguồn lực và kinh doanh tốt hơn.


TS Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) - NGỌC AN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp