06/11/2014 11:57 GMT+7

Phải thiết kế lại “vòng xoay nguy hiểm” ở Làng đại học

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Hạ tầng chưa hoàn thiện, ý thức chấp hành Luật GT chưa tốt là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng trong khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM

Xe buýt liên tục chạy qua khu vực vòng xoay trước Trường ĐH Quốc tế - Ảnh: Trần Huỳnh

Hạ tầng chưa hoàn thiện và ý thức chấp hành Luật giao thông chưa tốt là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức, TP.HCM) thời gian gần đây.

Nhiều đại biểu đã nhận định như trên tại hội nghị công tác an toàn giao thông ở khu đô thị ĐHQG TP.HCM năm 2014 do ĐHQG TP tổ chức chiều 5-11.

Nhiều tuyến đường tốt nhưng chưa có vỉa hè, sinh viên phải đi bộ xuống lòng đường khá nguy hiểm. Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hơn nữa
Ông Huỳnh Ngọc Sang (giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị ĐHQG TP.HCM)

33 giây có một chuyến xe buýt

Theo Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị ĐHQG TP.HCM, khu đô thị này có địa bàn rộng lớn (643,7ha), vị trí quy hoạch nằm trên địa bàn giáp ranh giữa thị xã Dĩ An (Bình Dương) và Q.Thủ Đức (TP.HCM) với nhiều đường mới mở theo quy hoạch cũng như một số đường cũ nhỏ hẹp.

Mật độ sinh viên, người dân tập trung ở đây rất đông với nhiều xe cộ (xe máy, xe tự chế, xe tải chở hàng, xe buýt, xe cá nhân, xe đưa rước cán bộ giảng viên, xe chở nguyên liệu phục vụ các công trình...). Thực trạng này khiến việc tuần tra, kiểm soát giao thông của hai địa phương gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, còn có rất nhiều sinh viên đi bộ trên các vỉa hè, lòng đường, băng qua đường... dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, sinh viên cũng tăng theo tự phát, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm tình hình giao thông càng thêm phức tạp. Tình trạng va quẹt xe khi tham gia giao thông vẫn thường xuyên xảy ra ở đây, đặc biệt là các vụ tai nạn với xe buýt vừa qua.

Một thông tin được ông Huỳnh Ngọc Sang - giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị ĐHQG TP.HCM - đưa ra tại hội nghị khiến nhiều người bất ngờ là mỗi ngày (từ 4g30-21g) có đến 1.480 chuyến xe buýt chạy trong khu vực nội bộ khu đô thị này và ra vào ký túc xá B (trung bình 33 giây có một chuyến xe buýt).

Những “điểm đen” dễ xảy ra tai nạn

Theo ông Huỳnh Ngọc Sang, trong năm qua đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông ở khu đô thị ĐHQG TP, nguyên nhân chủ yếu là do người chạy xe say xỉn, phóng nhanh vượt ẩu...

Trong đó có sáu vụ liên quan đến xe buýt và hai vụ làm chết hai người.

Các “điểm đen” dễ xảy ra tai nạn giao thông là: ngã tư đường trước Khu công nghệ phần mềm, trước cổng Trường ĐH Thể dục thể thao; tam giác đường TC 10 (trước thư viện trung tâm); hai vòng xoay, ngã tư đường TC số 2 và TC số 7 (đông tây - bắc nam); ngã ba trước Trường ĐH Khoa học tự nhiên.

Một số trạm chờ xe buýt bố trí chưa hợp lý cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.

Trong khu đô thị này hiện có khoảng 40.000 cán bộ, giảng viên, sinh viên sinh hoạt, học tập.

Vòng xoay 621 được xem là khu vực nguy hiểm - nơi có ký túc xá với nhiều sinh viên đi bộ qua các trường, trong khi ở đây không có phần đường dành cho người đi bộ. 

Nhiều điểm bất hợp lý

PGS.TS Phan Thanh Bình - giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho rằng hiện nay việc bố trí các tuyến xe buýt đến các trường ĐH trong khu đô thị ĐHQG có nhiều điểm bất hợp lý.

“Từ xa lộ Hà Nội vào khu đô thị ĐHQG TP bố trí các tuyến đường khá rối. Cần có phương án tập trung tạo lề đường và có đường cho sinh viên đi bộ. Không nên đưa xe vào tận sân trường.

Cần quy định những khoảng cách trạm dưới 300m để tạo thói quen đi bộ cho sinh viên, chứ cho phép xe buýt vào tận cổng trường thì tai nạn luôn rình rập” - ông Bình nói.

TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP - cho rằng hai vòng xoay mới thành lập trong khu đô thị đều khá nguy hiểm.

Cụ thể, vòng xoay trước Trường ĐH Quốc tế có nhiều xe qua lại nhưng khá nhỏ, khi xe buýt qua chỗ này sẽ lạng một vòng rất gấp.

Còn vòng xoay 621 (nơi xảy ra hai vụ tai nạn chết người vừa qua) có mật độ xe lưu thông rất lớn với nhiều tuyến xe buýt qua lại nhưng vẫn chưa có lối dành cho người đi bộ.

“Theo tôi, cần có ý kiến của các nhà chuyên môn để tính toán thiết kế vòng xoay rộng ra và phân luồng xe buýt hợp lý hơn” - bà Mai đề xuất.

Trung tá Hồ Văn Phê - đội cảnh sát giao thông Công an Dĩ An (Bình Dương) - cũng cho rằng tai nạn xảy ra tại khu vực vòng xoay nói trên do thiết kế vòng xoay chưa hợp lý.

Đồng quan điểm này, ông Trần Thanh An - giám đốc Trung tâm quản lý ký túc xá ĐHQG TP.HCM - cho rằng cần tạo đường dành cho người đi bộ.

“Vào đầu giờ đi học buổi sáng luôn có khoảng 10.000 sinh viên từ ký túc xá ra đường một lúc, mật độ xe buýt qua lại dày đặc, đường lại không có phần dành cho người đi bộ rất nguy hiểm” - ông An nói.

Tuy nhiên, ông Sang đánh giá công tác tuyên truyền, cảnh báo về an toàn giao thông chưa hiệu quả do ý thức chấp hành Luật giao thông của người dân cũng như một bộ phận sinh viên còn kém.

Khi có lực lượng chức năng tuần tra, chốt trực thì tình hình giao thông ổn định, nhưng khi vắng bóng lực lượng này thì nhiều người vi phạm Luật giao thông.

Đại diện cảnh sát giao thông Q.Thủ Đức cũng cho rằng cần đặt các bảng chỉ dẫn trước các đường vào khu đô thị ĐHQG TP; cảnh sát giao thông Dĩ An và cảnh sát giao thông Thủ Đức cần phối hợp để tuần tra, xử lý người vi phạm...

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp