TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL, đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông Hiệp nói: Các công ty xổ số không thể chỉ quan hệ với các đại lý rồi để mặc cho các đại lý muốn làm gì thì làm mà cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội. Bởi ngoài việc tuân thủ pháp luật và làm ra lợi nhuận, doanh nghiệp cũng cần phải đặt ra trách nhiệm xã hội, nhất là với một ngành nghề độc quyền, nhạy cảm và đem lại siêu lợi nhuận này.
* Nhưng các công ty xổ số nói rằng muốn thêm quyền lợi cho người bán vé số cũng không được vì đang vướng các quy định, thưa ông?
- Thông tư 01 của Bộ Tài chính quy định về mức chi hoa hồng cho đại lý và người bán vé số có hiệu lực từ năm 2014 đến nay đã có nhiều bất cập, không còn phù hợp.
Cần đặt vấn đề với các đại biểu Quốc hội, các nhà lập pháp, thậm chí với Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH để xem xét sửa đổi chứ mang quy định ra nói thì không sai. Còn thực tiễn xã hội luôn đặt ra những vấn đề mới, cần điều chỉnh cho phù hợp.
Theo tôi, những quy định hiện hành cần phải nhìn ở hướng mở, nhìn ở lợi ích xã hội. Đó chính là thực hiện công bằng xã hội thông qua góc nhìn từ nguồn thu khủng của xổ số kiến thiết.
* Cơ cấu trả thưởng, chi phí cho phát hành vé số đã được tính toán rất kỹ, nhưng không tính toán có lợi hơn cho người bán vé số, chăm lo tốt hơn cho những người góp phần đem lại lợi nhuận khủng cho các công ty, thưa ông?
- Người bán vé số dạo vốn yếu thế, không có công ăn việc làm, chỉ có nguồn thu nhỏ bé từ bỏ công sức rảo khắp hang cùng ngõ hẻm từ sáng đến tối và rủi ro rất lớn khi bán không hết phải ôm và lỗ vốn trong khi công ty xổ số chỉ nắm khách hàng là các đại lý, chỉ có trách nhiệm chăm lo cho đại lý, bỏ người bán dạo.
Do đó, theo tôi, đã đến lúc Bộ Tài chính cần xem lại quy định, có thể thí điểm chính sách ở miền Tây - khu vực "nóng" về thị trường xổ số cũng là nơi có nhiều người nghèo tham gia bán vé số.
Chẳng hạn, không có hợp đồng lao động, có thể nghiên cứu chính sách cho phép các công ty xổ số sử dụng một khoản tiền từ lợi nhuận mua bảo hiểm y tế cho lực lượng bán vé số dạo. Việc này tạo ra bầu không khí xã hội mà sự quan tâm lấy lại lòng tin về chăm lo cho an sinh xã hội.
* Trong khi người bán vé số khó khăn, nhiều vị giám đốc công ty xổ số lương khủng, thậm chí lên đến 2,8 tỉ đồng/năm, gây ra nhiều bức xúc, thưa ông?
- Cái này doanh nghiệp được quyền. Công ty có nguồn thu nộp ngân sách lớn thì được hưởng trần lương cao. Nhưng phải nhìn thấy rõ ràng anh đang kinh doanh ngành độc quyền và siêu lợi nhuận, mức điều tiết phải được tính toán thế nào cho phù hợp.
Không đòi hỏi những lãnh đạo của công ty xổ số chỉ hưởng lương ngang bằng với lãnh đạo doanh nghiệp các lĩnh vực khác vì nguồn thu của công ty xổ số rất lớn. Tuy nhiên, thu nhập cần phải hợp lý với mặt bằng chung, đặc biệt đặt ra trách nhiệm xã hội trong chuỗi giá trị của ngành kinh tế xổ số.
* Nguồn thu xổ số còn được xem là "bầu sữa" của các địa phương, thậm chí công ty xổ số tài trợ hàng chục tỉ đồng kinh phí cho địa phương tổ chức sự kiện, lễ hội. Điều này đặt ra những yêu cầu gì trong minh bạch chi tiêu, thưa ông?
- Thật ra, các địa phương đều vậy, vấn đề là các công ty công bố hay không công bố mà thôi. Nhìn vào cơ cấu nguồn thu ngân sách, trong đó có địa phương mà xổ số kiến thiết chiếm tới 40% nguồn thu.
Từ năm 2017 bắt buộc hòa nguồn thu này vào ngân sách chung chứ trước đây để lại cho ngân sách địa phương còn nhiều hơn. Do đó, cần phải siết lại hoạt động chi tiêu, minh bạch các khoản chi của những công ty xổ số để tránh việc vận dụng các hoạt động, chẳng hạn như "quảng bá thương hiệu", nhằm lấy tiền phục vụ cho những việc như đã nêu.
* TS Trần Khắc Tâm (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng): Phải sửa những quy định chưa hợp lý
Có thể nói, lực lượng bán vé số dạo là những người đang nuôi các công ty xổ số. Thế nhưng, trong khi các công ty thu lợi nhuận khủng và các đại lý cũng ăn nên làm ra, còn những người bán vé số dạo vẫn nghèo, chỉ đủ sống qua ngày.
Bởi trong thực tế, với mỗi tờ vé số bán được, người bán chỉ kiếm được số tiền cao nhất là... 1.000 đồng. Nếu bán từ sáng đến chiều được 100 tờ chỉ kiếm được 100.000 đồng, chưa trừ tiền ăn uống.
Và trong thời gian gần đây, khi các đại lý vé số không cho trả lại vé số bán dư, áp lực càng đè nặng trên vai của những người đang mưu sinh hằng ngày từ những tờ vé số. Một cụ ông ở Sóc Trăng cho biết ngày nào bán dư bốn tờ thì ngày đó coi như không còn đồng lời.
Các công ty xổ số kiến thiết cho rằng việc chi hoa hồng cho chuỗi trực tiếp phát hành vé số, bao gồm cả nộp thuế 15% trên doanh thu, là căn cứ theo quy định. Nhưng quy định không hẳn lúc nào cũng hợp lý. Nếu chưa hợp lý, tại sao không sửa đổi để thu nhập, cuộc sống những người bán vé số dạo đỡ khổ hơn?
Khắc Tâm
* Ông Lê Đình Quảng (phó trưởng ban chính sách pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam): Cần có cơ chế hỗ trợ tốt hơn cho người bán vé số
Về góc độ kinh tế, các bên cần có nghiên cứu, đánh giá, tính toán, chia sẻ quyền lợi cho người bán vé số. Đối tượng này cũng cần phải có lưới an sinh, đơn cử như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện theo đối tượng lao động tự do.
Nếu người lao động làm việc, chịu sự quản lý và giám sát của người sử dụng lao động thì có cơ chế ký hợp đồng lao động.
Song đại lý chỉ hưởng hoa hồng, không phải quản lý nên không thể ký hợp đồng cho bán vé số. Việc người bán vé số lấy vé đi bán, đại lý không thể quản lý thời gian làm việc, số lượng vé bán... nên không thể ký hợp đồng lao động.
Tuy vậy, cơ quan tài chính cần có nghiên cứu phân chia tỉ lệ hoa hồng hoặc sửa thông tư về mặt tài chính, hướng dẫn đại lý có cơ chế hỗ trợ tốt hơn cho người bán vé số.
Hà Quân
Công ty xổ số chi tiêu thế nào?
Là một trong 14 công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Nam có sản lượng tiêu thụ 100% vé phát hành trong 3 tháng đầu năm, ông Lê Văn Khanh - chủ tịch Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Sóc Trăng - cho biết các khoản chi từ doanh thu xổ số như chi trả thưởng, nộp ngân sách, hoa hồng cho đại lý cấp 1, lương... đều theo quy định của Bộ Tài chính.
"Mọi khoản chi đều chi tiết, tuân thủ theo quy định, chúng tôi luôn chấp hành, chứ làm gì dám chi sai" - ông Khanh khẳng định và cho biết hoa hồng cho đại lý cấp 1 được "ấn" là 15% trên doanh số tiêu thụ, đại lý có trách nhiệm nộp thuế 0,75%.
"Phần còn lại 14,25%, đại lý cấp 1 phân chia cho đại lý cấp 2, cấp 3 và người bán lẻ. Để bảo vệ quyền lợi người bán vé số lẻ, các công ty xổ số đề nghị hoa hồng tối thiểu của người trực tiếp bán lẻ là 10%", ông Khanh cho biết.
Nguyên kế toán trưởng của một công ty xổ số kiến thiết cho biết một tờ vé số mệnh giá 10.000 đồng, tương đương 100%, trong đó 15% chi hoa hồng đại lý cấp 1; 32% nộp ngân sách nhà nước gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng; 50% chi cho trả thưởng nếu bán hết vé; 3% chi cho in ấn và phát hành vé số.
Ví dụ vé số 10.000 đồng, đại lý cấp 1 chỉ trả công ty 8.500 đồng/tờ (tương đương 15%) và phải chịu thuế, sau đó họ giao cho đại lý cấp 2 giá khoảng 8.700 - 8.750 đồng/tờ, đại lý cấp 2 giao người bán dạo 8.900 - 9.000 đồng/tờ. "Chi phí lễ tân khánh tiết, quà tặng, hiếu hỉ... thì các công ty xổ số chi nhưng không quá 10% tổng chi phí trừ chi phí trả thưởng", vị này nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Công ty Xổ số kiến thiết Hậu Giang cho biết hoa hồng chi cho đại lý do doanh nghiệp quyết định, đảm bảo nguyên tắc tối đa không được vượt quá 15% doanh thu từ hoạt động kinh doanh các loại hình xổ số được phép, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Cũng theo vị này, người bán lẻ lời 10-11% doanh thu là ổn rồi.
"Hằng năm các công ty xổ số có đóng góp vào quỹ an sinh xã hội của địa phương để chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo mà người bán vé số dạo cũng thuộc đối tượng này nên đã được chăm lo", vị này nói và cho biết không có chính sách riêng cho người bán vé số dạo.
KHẮC TÂM - SƠN LÂM - LÊ DÂN
Thăm dò ý kiến
Xổ số kiến thiết mang lại siêu lợi nhuận cho các công ty xổ số và đại lý. Theo bạn, các công ty xổ số phải chia sẻ thêm lợi nhuận cho người bán vé số dạo?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận