Trước đó, Tuổi Trẻ Online có bài viết "Ô tô lấn làn xe máy, xe máy len lỏi làn ô tô, không còn nhận ra làn nào" được nhiều bạn đọc quan tâm. Một số người bày tỏ bức xúc bởi thường xuyên gặp tình trạng chạy sai làn này.
"Điền vào chỗ trống" gây kẹt xe
Bạn đọc Lão Hạc nói vấn nạn ô tô chạy vào làn xe máy, xe máy "điền vào chỗ trống" trên làn ô tô diễn ra nhan nhản hằng ngày, mạnh ai nấy chen lấn. Trong khi đó các khâu xử lý khá khó khăn nên người dân ngày càng nhờn với luật.
Còn bạn đọc Bảo Nguyễn đưa ra dẫn chứng cụ thể khu vực giao lộ đường sắt với đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) đông đúc vào giờ cao điểm. Tại đây, từng tốp xe 2 bánh cứ cắt ngang chạy qua rồi len vào các làn xe, dù tại đây có bảng bắt buộc rẽ phải.
"Chính điều này khiến con đường huyết mạch vào sân bay Tân Sơn Nhất luôn luôn ùn tắc, ảnh hưởng lớn tới người đi đường. Sở Giao thông vận tải TP.HCM nên nghiên cứu đặt ngăn cách cứng điều chỉnh cho xe 2 bánh đi đúng làn khi từ đường dân sinh ven đường ray nhập vào Nguyễn Văn Trỗi", bạn đọc Bảo Nguyễn nêu quan điểm.
Tương tự, một số bạn đọc khác cũng "chỉ điểm" đoạn đường từ cầu vượt Quang Trung tới cầu vượt Tân Thới Hiệp (quận 12), đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa... là những nơi xảy ra tình trạng lấn làn rất nhiều.
Bên cạnh đó, bạn đọc Phạm Thắng còn chứng kiến nhiều xe taxi, xe dịch vụ... lấn làn toàn tuyến ép người đi xe máy vào lề. Thỉnh thoảng ô tô còn nối đuôi nhau vượt đèn đỏ, đèn xanh khiến xe máy không rẽ trái được khu vực ngay các ngã ba, ngã tư.
Chị Lan Anh - bạn đọc ở quận 1 - kể lại vào mỗi buổi sáng chị đưa con đi học ngang qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và ngán ngẩm cảnh kẹt xe dọc tuyến này. Nguyên nhân chính dẫn tới kẹt xe tuyến này là do xe máy, xe ô tô chạy loạn xạ không cần biết quy định làn đường nào dành cho xe gì.
Xe ô tô thì dàn 2-3 hàng chiếm trọn dòng xe máy, người đi xe máy thì chen chúc, len lỏi "điền vào chỗ trống" giữa các xe ô tô. Tình trạng này không chỉ gây ra kẹt xe, mà còn rất nguy hiểm dễ xảy ra va chạm giao thông.
Nâng mức phạt, "phạt nguội" triệt để
Đó là ý kiến của bạn đọc Mi về giải pháp giảm vi phạm chạy sai làn, kéo giảm kẹt xe. Bạn đọc Mi khẳng định nên tăng nặng mức phạt với vấn nạn nhức nhối này nếu gây kẹt xe từ 5 đến 10 lần. Như vậy vừa hạn chế kẹt xe, vừa tăng ngân sách nhà nước.
Không chỉ vậy, cơ quan chức năng có thể tăng tiếp nhận hình ảnh chạy sai làn được người dân ghi lại, cung cấp.
Tương tự, bạn đọc Hồng Nguyên cho rằng các đơn vị cần áp dụng tối đa phạt nguội đối với hành vi vi phạm chạy sai làn đối với cả ô tô lẫn xe máy. Cứ phạt nguội thật mạnh tay, ý thức người đi đường sẽ được cải thiện.
Ngoài ra, hành vi đậu xe cả ngày chiếm dụng làn xe cũng phải được chỉnh đốn, phạt tới nơi tới chốn, nhất là ở khu vực trung tâm quận 1, quận 3...
Một số giải pháp khác được bạn đọc hiến kế như đưa việc giáo dục những hành vi này vào các cấp học để dạy từ nhỏ việc chấp hành luật giao thông; sớm nâng cấp mở rộng dự án đường sá; đưa hệ thống metro vào vận hành để phát triển giao thông công cộng đủ đáp ứng...
Chạy sai làn đường, mức phạt ra sao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo đội cảnh sát giao thông ở TP.HCM cho biết tình trạng đi sai làn đường xảy ra tại nhiều tuyến đường, nhất là vào khung giờ cao điểm. Lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, thường xuyên xử lý các trường hợp xe máy đi vào làn ô tô, ô tô đi vào làn xe máy.
Mức phạt áp dụng nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi nghị định 123/2021.
Theo đó, ô tô bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng/trường hợp và tước bằng lái từ 1-3 tháng. Trường hợp xe đi sai làn, gây tai nạn giao thông, mức phạt từ 10-12 triệu đồng/trường hợp và bị giữ giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Đối với xe máy đi sai làn, phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng/trường hợp. Riêng xe máy đi sai làn và gây tai nạn, phạt tiền từ 4-5 triệu đồng/trường hợp và tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Xe chuyên dùng, xe máy bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng/trường hợp và tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Trường hợp xe vi phạm lỗi sai làn đường, đồng thời gây tai nạn giao thông, tùy mức độ nghiêm trọng, mức phạt tiền sẽ từ 6-8 triệu đồng/trường hợp, tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận