30/10/2020 10:22 GMT+7

Phải tạm thanh toán, Nhiệt điện Sông Hậu chậm tiến độ

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Nhiệt điện Sông Hậu dự kiến sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào tháng 6-2021 và tổ máy số 2 là tháng 10-2021, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc huy động công nhân, chuyên gia kỹ thuật cao làm việc đã gặp nhiều khó khăn.

Phải tạm thanh toán, Nhiệt điện Sông Hậu chậm tiến độ - Ảnh 1.

Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu đã đạt gần 90% tiến độ - Ảnh: N.AN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Xuân Hiền - trưởng Ban quản lý dự án Nhiệt điện Sông Hậu thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) - cho biết dự án Nhiệt điện Sông Hậu dự kiến sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào tháng 6-2021 và tổ máy số 2 là tháng 10-2021.

Trước đó, sau khi hoàn thiện đóng điện đường dây 500kV, nhà máy đã được cung cấp điện cho việc đốt lửa lần 1. Trong tháng 11-2020, nhà máy sẽ thực hiện đốt lửa lần 2 với tổ máy số 1 và đốt lửa lần đầu với tổ máy số 2. Để chuẩn bị đưa nhà máy đi vào vận hành, dự kiến ngày 20-12 sẽ có chuyến than đầu tiên về Việt Nam để chạy thử.

Tuy nhiên, theo ông Hiền, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc huy động công nhân, chuyên gia kỹ thuật cao làm việc đã gặp nhiều khó khăn. Trong đó, một số chuyên gia từ Đức, Ý, Mỹ, Ấn Độ... chưa thể sang làm việc do chưa có chuyến bay thương mại.

Đặc biệt, gói thầu xây dựng mới chỉ giải ngân được 59%, khiến nhà thầu trong nước gặp khó khăn về dòng tiền. Trong thực tế, giá trị ban đầu của gói thầu này là 2.283 tỉ đồng đã được điều chỉnh tăng lên 10.626 tỉ đồng, thực hiện theo quyết định 2414/QĐ-TTg, và đến nay chỉ giải ngân, thanh toán được 4.921 tỉ đồng (tương đương 59%).

Trong khi đó, ông Hiền cho biết theo quy định hợp đồng đã ký, trong thời gian chờ hoàn thiện, phê duyệt các bộ định giá, đơn giá, chủ đầu tư chỉ có thể thanh toán cho tổng thầu đến 80% tỉ lệ đơn giá tạm thanh toán đối với các khối lượng hoàn thành, nên ảnh hưởng lớn đến dòng tiền thanh toán cho tổng thầu, nhà thầu phụ, dẫn đến nhiều hạng mục không đảm bảo tiến độ thi công.

"Cơ chế 2414 thực tế thực hiện phức tạp và không hề đơn giản, nhà thầu không dễ bỏ tiền ra, không có tiền sẽ không làm, nên không thể hiện được trách nhiệm tổng thầu. Trong khi chờ cơ chế hướng dẫn, chúng tôi cũng đang phối hợp với tổng thầu Lilama đánh giá trách nhiệm để xử lý rõ" - ông Hiền nói.

Về phương án xử lý tro xỉ khi nhà máy đi vào vận hành, ông Hiền cho hay mỗi năm tiêu thụ 3 triệu tấn than, tức lượng tro xỉ thải ra khoảng 450.000 tấn. Với dung tích bãi chứa tro xỉ là 200.000 - 250.000 tấn, đến nay đã có nhà thầu bao tiêu sản phẩm nên có thể không phải bơm tro xỉ ra bãi thải.

Nhiệt điện Sông Hậu có công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy, do PVN làm chủ đầu tư và Lilama làm tổng thầu EPC. Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII, có tổng mức đầu tư 43.043 tỉ đồng (tương đương 2 tỉ USD) nhưng bị chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra, với 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay.

Đóng điện nhiều công trình, chuẩn bị nhiệt điện Sông Hậu 1 vận hành 2021 Đóng điện nhiều công trình, chuẩn bị nhiệt điện Sông Hậu 1 vận hành 2021

TTO - Việc đóng điện thành công các công trình này đóng vai trò rất quan trọng trong kế hoạch thử nghiệm và chạy thử Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 sắp tới.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp