Đài chiến sĩ trận vong năm 1920 - Ảnh do nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cung cấp |
Buổi họp do Trung tâm Công viên cây xanh Huế (đơn vị chủ đầu tư) đề xuất, sau thời gian nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận về việc tu bổ, tôn tạo bộc lộ nhiều điểm bất thường, khiến dư luận lo lắng (“, Tuổi Trẻ Online ngày 11-1).
Hầu hết nhà chuyên môn đều cho rằng công trình sai cả ở màu sắc, họa tiết trang trí và một số yếu tố khác...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế, bức xúc: “Theo tôi, cái gì làm không đúng phải điều chỉnh lại. Trong đó trọng tâm là màu sắc và họa tiết. Đừng mong 10-15 năm sau thời gian sẽ làm công trình xuống màu, cổ kính trở lại. Bởi tông màu làm không chuẩn. Về họa tiết, nhiều điểm chỉnh sửa tùy tiện, không giống nguyên trạng ban đầu”.
Ông Hoa cũng đề xuất lập hồ sơ đầy đủ cho kiến trúc cổ này. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng nên cân nhắc việc khôi phục biểu tượng kim khánh vốn nằm ở giữa đài tưởng niệm có từ trước đó. Chính thành phần này tạo nên giá trị thẩm mỹ rất quan trọng cho công trình...
Đài tưởng niệm "biến hình" sau trùng tu! - Ảnh: M.T |
Đồng tình với ý kiến này, KTS Phùng Phu - nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - đề nghị khôi phục nguyên vẹn đài tưởng niệm như thuở ban đầu.
KTS Phan Thế Đạt cũng cho rằng màu sắc vàng sáng sau “trùng tu” đã làm mất đi thần thái của công trình, người dân không còn xúc động, cảm thấy thân quen như trước. Ông Đạt cho rằng kỹ thuật hiện đại ngày nay có thể làm công trình mới mà... như cũ, không cần chờ thời gian.
Người chủ trì buổi họp - ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch UBND TP Huế, “nhận trách nhiệm” trước những hạn chế của công trình sau “trùng tu”, từ màu sắc cho đến họa tiết trang trí.
Ông đồng tình việc lập hồ sơ đầy đủ cho công trình để thế hệ sau còn có thể tham khảo. Ngoài ra, ông Thành đề nghị các đơn vị thực hiện tiếp thu ý kiến, kiểm tra toàn bộ họa tiết và màu sắc... để có những điều chỉnh hợp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận