Người dân thuộc diện bảo trợ xã hội ở Lý Nhân (Hà Nam) nhận tiền hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 - Ảnh: Đ.BÌNH
Đây là một trong những nội dung chính trong công điện của Bộ Lao động - thương binh và xã hội vừa gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Công điện do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ký, nêu rõ qua theo dõi tình hình thực hiện nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại các địa phương trong thời gian qua, về cơ bản các địa phương đã có sự chủ động, quyết liệt trong việc chỉ đạo.
Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt tình hình và phản ánh của người dân, vẫn còn nổi lên một số vấn đề, như một số đơn vị cấp huyện, cấp xã còn lúng túng, chậm triển khai thực hiện việc hỗ trợ; quá trình rà soát, xác nhận và hỗ trợ đối tượng lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; việc tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp chưa đầy đủ dẫn đến một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận được đúng chính sách hỗ trợ.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo đến tận cấp xã, phường tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Đặc biệt các địa phương cần đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các quận huyện, doanh nghiệp khẩn trương triển khai việc rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ, xác định chính xác đối tượng, đảm bảo không trùng lặp cũng như xác định cụ thể thời điểm được nhận hỗ trợ, đặc biệt là đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động bị ngừng việc, mất việc, hộ kinh doanh có doanh thu thuế dưới 100 triệu đồng.
Người đứng đầu địa phương cũng cần chỉ đạo thực hiện tốt công tác chi trả, đẩy mạnh việc chi trả trực tiếp qua tài khoản ngân hàng của người dân và người lao động. Đối với các địa phương đang thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện thì tiếp tục triển khai theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận