Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phải nhận thức rõ Việt Nam là một trong 5 nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Dẫn câu ca "Việt Nam sáng chống bão giông, chiều ngăn nắng lửa", Thủ tướng khẳng định, dù phòng chống có truyền thống ngàn đời, nhưng bây giờ phải nhận thức rõ thiên tai không đi theo quy luật nữa.
Chủ quan từ các cấp chính quyền địa phương
Khẳng định công tác năm 2017 đã có nỗ lực lớn nhưng theo Thủ tướng thiệt hại vẫn rất lớn.
"Chúng ta nói không để người nào tụt lại phía sau, vì thế để dân đói, rét do nhận thức kém trong phòng chống thiên tai là do lỗi của chúng ta. Cán bộ không đi sát dân, không lo cho dân khi có thiên tai thì không thể gọi là quản lý tốt được", Thủ tướng nói.
Nêu thực tế đã phải trá giá quá đắt khi có thiên tai, đề cập đến vấn đề chủ quan từ các cấp chính quyền địa phương.
"Đó là Khánh Hòa và Phú Yên. Trong lúc tang thương sau bão tôi không nói, nhưng để nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch là có chủ quan. Nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, dân ở trên đó nên khi bão vào chết rất nhiều. Chủ quan từ chính quyền và người dân cũng chủ quan, không nhận thức được chỗ này", Thủ tướng nhắc nhở.
Theo Thủ tướng, các quy hoạch phát triển cũng làm gia tăng rủi ro thiên tai. Trong đó có nguyên nhân chủ quan như nạn phá rừng đầu nguồn, hoạt động ven biển, ven sông, khai thác quá mức gây sạt lở.
"Có các đồng chí chủ tịch ngồi đây tôi cũng nói, ở một số tỉnh vẫn còn khai thác cát không có giấy phép. Chúng ta không cấm khai thác cát nhưng phải khai thác theo quy hoạch, giấy phép chứ cứ đào sâu thì làm sao nhà cửa không sụp đổ", Thủ tướng chỉ rõ.
Vụ sạt lở ở Thác Khanh, huyện Tân Lạc, Hòa Bình năm 2017 được nhận định vượt ngoài tưởng tượng khi nửa quả đồi lở xuống và tràn qua cả một khu dân cư - Ảnh: XUÂN LONG
Đừng để hồ đập gây chết người do quy trình
Chỉ đạo giải pháp cụ thể cho từng vùng miền, với các tỉnh miền núi, Thủ tướng đặc biệt lưu ý thiên tai lũ quét, sạt lở đất, an toàn hồ đập.
"Thủy điện cứ xả tràn, không không báo động trước là không thể được. Việc đảm bảo an toàn hồ đập vô cùng quan trọng, vì vậy quy trình vận hành liên hồ khu vực miền Trung phải rõ người, rõ trách nhiệm hơn. Đừng để hồ đập gây chết người do quy trình của chúng ta", Thủ tướng lưu ý.
Với các tỉnh có đê, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu cao nhất phải đảm bảo an toàn đê.
"Hệ thống đê miền Bắc là tài sản rất quý, phải gìn giữ chứ sao để cả ổ mối như cái trống mà không phát hiện ra? Đặc biệt, phải bảo đảm an toàn cho thủ đô Hà Nội. Như năm 2017, bộ trưởng đã phải lệnh đóng cửa xả hồ Sơn La, phải quyết liệt và dũng cảm như thế trong chỉ đạo", Thủ tướng nói.
Với vùng duyên hải miền Trung, Tây nguyên, Thủ tướng đặc biệt lưu ý về vấn đề ứng phó với bão, xả lũ, neo đậu tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản.
Với các đô thị lớn, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phải rà soát phương án tiêu thoát, chống ngập.
"Kiên quyết không lấp hồ, có mấy hồ điều tiết nước mà lấp hết để bán đất là không được", Thủ tướng nói.
Sẽ có nghị quyết riêng về phòng chống thiên tai
Khẳng định Chính phủ rất quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai, Thủ tướng cho biết ngay sau hội nghị, Chính phủ sẽ lắng nghe và có nghị quyết riêng về phòng chống thiên tai.
Thủ tướng cho biết quan điểm chỉ đạo trong phòng chống thiên tai là phòng chống, tránh và thích ứng.
"Trước bão lũ, cán bộ phải xuống đưa ra phương án chỉ đạo, di dời. Đây là lĩnh vực càng phải có trách nhiệm cao với dân và hội nghị này là quán triệt tinh thần trách nhiệm, lo cho dân và không thờ ơ với bão lũ.
Tinh thần trong công tác phòng chống, tránh và thích ứng với thiên tai là chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ, không phải đèn nhà ai nấy tỏ, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải nâng cao năng lực điều hành, không phải cứ đến mùa mưa lũ mới hoạt động. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong họp, điều hành, chỉ đạo ứng phó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận