18/04/2020 09:23 GMT+7

Phải mở cửa cho xuất khẩu gạo

TRẦN MẠNH thực hiện
TRẦN MẠNH thực hiện

TTO - Với khoảng 300.000 tấn gạo nằm ở cảng chờ xuất khẩu hiện nay, ngành lúa gạo VN bị thiệt hại khoảng 50 tỉ đồng/ngày cho các chi phí, chưa kể chất lượng gạo bị xuống cấp, bị đối tác nước ngoài khiếu kiện do chậm giao hàng theo hợp đồng.

Phải mở cửa cho xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Sau nhiều ngày neo dưới sông chờ đợi, một sà lan gạo đã được cập cảng Mỹ Thới (An Giang) để chuyển gạo lên đóng container chờ xuất khẩu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), khẳng định như vậy khi chia sẻ với Tuổi Trẻ về sự ách tắc trong hoạt động xuất khẩu gạo hiện nay. Ông Bình nói:

- Tôi đề nghị phải cho thông quan ngay 300.000 tấn gạo đang nằm ở cảng từ 24-3 đến nay nhằm giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp (DN), bởi số lượng này cũng nằm trong hạn ngạch 400.000 tấn của tháng 4-2020.

Ảnh hưởng chuyện lớn và lâu dài

* Dù có "trục trặc" trong vấn đề đăng ký tờ khai hải quan nhưng các DN đã được làm thủ tục xuất khẩu gạo trở lại, thưa ông?

- Dù Thủ tướng đã cho phép xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 nhưng nhiều DN cũng đang rất đau đầu bởi số lượng gạo được đăng ký tờ khai thấp hơn nhiều so với số lượng gạo đã đưa đến cảng, chưa kể còn bị "làm khó".

Chẳng hạn sau khi được phép xuất khẩu gạo trở lại, mặt hàng gạo bỗng dưng được hải quan xếp vào "luồng đỏ", tức là phải kiểm tra toàn bộ lô hàng.

Tất cả các container đều phải được đưa vào cân, mở công (container)kiểm tra gạo, đảo gạo… Tiến độ thông quan bị kéo dài, chi phí phát sinh gần 2 triệu đồng/container, chưa kể các chi phí lưu kho vận chuyển từ 24-3 đến nay.

* Đã có DN nào bị hủy đơn hàng do chậm trễ giao hàng chưa?

- Chúng tôi vừa mới nhận được thư của một đối tác thông báo hủy hợp đồng vì không giao hàng đúng thời hạn.

Ngoài việc lấy lại tiền cọc, khách còn đòi bồi thường thêm một khoản tiền lên đến hàng tỉ đồng. Nhưng không riêng chúng tôi mà nhiều DN khác cũng bị khách hàng yêu cầu hủy đơn hàng, đòi bồi thường.

Nếu tình hình thông quan còn khó khăn và kéo dài, chắc chắn sẽ có thêm khách hàng đòi hủy hợp đồng, đòi bồi thường và họ sẽ chuyển qua mua gạo từ những đối thủ của VN thay thế.

Có thể nói tiền lưu kho bãi mới là phần nổi, đền hợp đồng và mất uy tín mới là chuyện lớn và lâu dài của DN xuất khẩu gạo hiện nay.

Sự đánh đổi quá kỳ lạ

* Nhiều DN trúng thầu cung cấp gạo dự trữ nhưng không thực hiện, cần phải có biện pháp chế tài?

- Nếu trúng thầu nhưng lại "xù" không thực hiện, chắc chắn DN sẽ mất cọc. Đây không phải là chuyện mới xảy ra lần đầu. Tổng cục Dự trữ chỉ cần mở các gói thầu khác để mua đủ số lượng là được.

Ngay hôm họp với Bộ Công thương tại TP.HCM ngày 26-3, các DN và lãnh đạo các địa phương cho biết nếu mở thầu lại, chỉ cần 2-3 ngày là có đủ 200.000-300.000 tấn gạo cho dự trữ bởi gạo trong dân và kho DN còn rất nhiều.

Việc lấy lý do không mua đủ tạm trữ để yêu cầu ngưng xuất khẩu gạo là một sự đánh đổi quá kỳ lạ.

Nếu nâng giá mua gạo dự trữ lên 10.000 đồng/kg so với mức giá trúng thầu trước đó là 9.200 đồng/kg gạo, ngân sách chỉ phải chi thêm 160 tỉ đồng nếu mua 200.000 tấn gạo dự trữ.

Trong khi đó, việc ngừng xuất khẩu gạo khiến DN, nông dân trồng lúa nói riêng và ngành nông nghiệp VN nói chung bị thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.

* Nhưng việc mua đủ gạo dự trữ là nhiệm vụ quan trọng, vấn đề an ninh lương thực quốc gia?

- Số lượng 200.000-300.000 tấn gạo dự trữ hằng năm chỉ chiếm khoảng 5% gạo xuất khẩu. Nhiều năm qua số lượng gạo này chủ yếu dành để hỗ trợ các địa phương bị thiên tai, mất mùa… chứ không phải dùng cho giải cứu mất an ninh lương thực.

VN lại thu hoạch lúa gạo quanh năm nên nếu mua chưa đủ số lượng, có thể tổ chức mua bình thường, không phải lo thiếu gạo cho dự trữ.

Thực tế VN là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hàng chục năm qua, với số lượng gạo xuất khẩu lên tới 6-7 triệu tấn/năm.

Và theo quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo, DN xuất khẩu gạo phải có lượng tồn kho 5% tổng xuất khẩu của 6 tháng trước đó hay có liên kết với các siêu thị hoặc chuỗi bán lẻ để cung ứng gạo ra thị trường khi cần.

Do đó một số cơn sốt thiếu gạo cục bộ đều nhanh chóng bị dập tắt nhờ các DN kịp thời đưa gạo trong kho ra thị trường chứ không phải gạo dự trữ quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) về việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và việc cho phép xuất khẩu gạo nếp, báo cáo Thủ tướng trong ngày 20-4 và báo cáo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo, dự kiến diễn ra vào sáng 20-4, theo văn bản số 3083 của Văn phòng Chính phủ ngày 17-4 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.

Theo đó, Bộ Công thương phải báo cáo về việc triển khai văn bản số 2827 ngày 10-4 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo tại văn bản trên về xuất khẩu gạo.

Sau cuộc họp ngày 20-4, trên cơ sở ý kiến các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Trước đó, theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI, sau khi nhận được nhiều phản ảnh của DN về ách tắc trong xuất khẩu gạo đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép ứng trước hạn ngạch của tháng 5 ưu tiên giải quyết toàn bộ số gạo tồn đọng tại các cảng cho DN, tạo điều kiện cho DN tránh được tổn thất và vẫn tiếp tục mua được lúa cho nông dân.

N.AN

Phải mở cửa cho xuất khẩu gạo - Ảnh 3.

Hàng trăm sà lan và tàu chở gạo đi xuất khẩu nằm chờ mỏi mòn gần cả tháng nay ở cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên vẫn chưa đi được khiến họ bị thiệt hại nặng - Ảnh: BỬU ĐẤU

* Ông Lê Phú Hội (nguyên bí thư Tỉnh ủy An Giang): Hạn ngạch 400.000 tấn gạo là quá thấp

Bộ NN&PTNT phải cân đối lại sản lượng lúa vùng ĐBSCL, xem cần dự trữ bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu. Vì vụ đông xuân là vụ chính trong năm đối với người dân vùng ĐBSCL và hiện đang có giá rất tốt, có điều kiện cứ cho xuất khẩu, đừng nên sợ mất cân đối, mất an ninh lương thực mà lúc cho, lúc không.

Nếu ngưng xuất khẩu như hiện nay, DN sẽ điêu đứng, người dân sản xuất cũng không an tâm.

Tình hình chưa có gì mà Bộ Công thương đề nghị ngưng, rồi bị nói quá lại đề xuất cho xuất khẩu trở lại với số lượng chỉ có 400.000 tấn gạo trong tháng 4-2020 là quá thấp. Không chỉ DN không an tâm, nông dân gặp khó mà dư luận cũng không đồng tình.

B.Đấu ghi

* GS Võ Tòng Xuân: Nên tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo

Trong bối cảnh nền kinh tế VN đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tôi cho rằng nên tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu gạo đợt này, không nên buộc DN phải làm nghĩa vụ thu mua tạm trữ ngay rồi mới cho xuất khẩu mà nên giãn cho DN thu mua cho nhu cầu tạm trữ vào tháng 5-2020.

* TS Trần Hữu Hiệp: Bất cập, không minh bạch

Những lùm xùm gần đây cho thấy cơ chế điều hành xuất khẩu gạo đang có bất cập, không minh bạch và nhiều rủi ro với DN và nông dân.

Tôi cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành giải phóng nhanh lượng gạo tồn đọng rất lớn tại các cảng Mỹ Thới (An Giang) và Cát Lái (TP.HCM). Bởi đây là số gạo do các DN có năng lực, đã ký hợp đồng xuất khẩu và hàng hóa đã có sẵn trên tàu.

H.T.Dũng ghi

* Bà Trần Ngọc Châu (phó giám đốc Công ty TNHH Angimex-Kitoku): "Xin" tạm ứng hạn ngạch

Angimex-Kitoku còn 17 container, sản lượng hơn 350 tấn đã đóng hàng nằm gần cả tháng nay tại cảng Mỹ Thới chưa xuất được, thiệt hại rất lớn.

Chúng tôi tha thiết mong Chính phủ cho các DN xuất đi ngay các lô hàng đã có số công, số siêu rõ ràng hoặc cho chúng tôi xin tạm ứng hạn ngạch tháng 5 để xuất ngay lô hàng đang nằm chờ tại cảng.

* Ông Nguyễn Văn Thành (giám đốc Công ty gạo Phước Thành IV, Vĩnh Long): Nguy cơ mất đối tác

Cũng như các DN xuất khẩu gạo khác, chúng tôi đang kẹt 2.000 tấn gạo chưa xuất được. Chúng tôi mong muốn các bộ ngành rà soát DN nào đã ký hợp đồng với đối tác và còn gạo trong kho cho làm thủ tục xuất khẩu.

Nếu gạo không thể xuất khẩu, chính ngành nông nghiệp VN gặp bất lợi do gạo xuất khẩu đang được giá, trong khi DN sẽ gánh thêm chi phí lưu kho, lãi ngân hàng, gạo cũng sẽ giảm chất lượng và có nguy cơ mất đối tác về tay các đối thủ xuất khẩu gạo trong khu vực.

* Bà Huỳnh Thị Bích Huyền (giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, Cần Thơ): Lúa hè thu của nông dân sẽ khó tiêu thụ

Chúng tôi có 3.000 tấn gạo đang bị kẹt ở cảng, chủ yếu tại cảng Cát Lái, đã đóng container chờ xuất khẩu trước thời điểm 24-3.

Do nằm mưa nắng ở cảng gần tháng nay, không chỉ khiến chất lượng gạo bị giảm, DN còn phải chịu nhiều loại chi phí, chưa kể bị đối tác phạt do giao trễ hàng.

Nếu không xuất bán được gạo vụ đông xuân này, DN cũng sẽ không mua lúa hè thu cho nông dân vì không có chỗ chứa, nông dân chưa biết sẽ biết bán lúa cho ai.

B.Đấu - C.Quốc - C.Hạnh ghi

Vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm: Tổng cục Hải quan nói gì? Vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm: Tổng cục Hải quan nói gì?

TTO - Trước bức xúc của nhiều doanh nghiệp liên quan đến việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong hạn ngạch, ngày 17-4, Tổng cục Hải quan đã thông tin nhiều vấn đề trong điều hành xuất khẩu gạo.

TRẦN MẠNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp