16/09/2023 09:20 GMT+7

Phải mạnh tay dẹp loạn vẽ dự án 'ma', hút tiền đầu tư đất đai

Dùng các chiêu thức vi phạm pháp luật, vẽ dự án địa ốc để dụ khách hàng với mồi nhử là lợi nhuận cao đã khiến không ít khách hàng sập bẫy.

Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang Công ty Lộc Phúc tổ chức “sàn giao dịch” lừa đảo mua bán đất tại dự án "ma” ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) - Ảnh: Công an cung cấp

Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang Công ty Lộc Phúc tổ chức “sàn giao dịch” lừa đảo mua bán đất tại dự án "ma” ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) - Ảnh: Công an cung cấp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Phước Nghĩa - giám đốc Trung tâm kinh tế luật và quản lý (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) - cho rằng đã đến lúc phải xử lý mạnh tay với các doanh nghiệp áp dụng mô hình hút tiền trái pháp luật, đồng thời phải cảnh tỉnh người dân trước những khoản lợi nhuận bất thường "trên trời rơi xuống" dù đó là đầu tư vào đất đai hay bất kỳ hình thức nào.

Lòng tham làm mờ mắt, vẽ dự án để lừa đảo

Ông Huỳnh Phước Nghĩa

Ông Huỳnh Phước Nghĩa

* Gần đây đã lộ ra nhiều trường hợp doanh nghiệp vẽ dự án bất động sản, mời gọi người dân rót tiền tỉ vào đầu tư với lời dụ dỗ khả năng sinh lời cao. Vì sao người dân dễ bị lừa?

- Ở đây chúng ta bàn tới những doanh nghiệp áp dụng chiêu thức có tính chất vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Doanh nghiệp áp dụng nguyên lý về đầu tư là "từ lòng tin đến lòng tham". Ban đầu, doanh nghiệp xây dựng lòng tin bởi những hình ảnh hào nhoáng bên ngoài, sự bảo chứng bởi những người nổi tiếng, có uy tín hoặc đào tạo nhân viên chiêu thức tạo lòng tin…

Sau đó, bước 1 là họ đánh vào tâm lý, nhận thức. Bước 2 là đốt nóng tâm lý. Bước 3 là làm cho đạt được yếu tố lòng tham. Bước 4 là thúc đẩy để ra quyết định, cụ thể là rót tiền. Đó là cả một nghệ thuật thiết kế để dẫn dắt nhà đầu tư, nếu mô hình không bị cơ quan chức năng phát giác thì nó vẫn tiếp diễn.

* Điểm chung của doanh nghiệp dụ dỗ người dân theo dạng này đều đưa ra những mức lợi nhuận cao, sáng chốt cọc chiều lãi ngay vài trăm triệu. Đó là điều vô lý?

- Chúng ta thử nhìn nhận lại những sự việc gần đây như Công ty bất động sản Nhật Nam (trụ sở tại Hà Nội) dụ khách hàng là trả lãi 34 - 46%, thậm chí 80%, để người dân tin tưởng nộp tiền. Hay Công ty Lộc Phúc (trụ sở TP.HCM) dụ khách hàng đi mua dự án đất đai "ma" ở Đồng Nai cũng dùng chiêu thức "vẽ" dự án bán đất, cam kết lợi nhuận cao, sáng mua chiều sang tay lãi trăm triệu…

Vấn đề mấu chốt là đánh vào tâm lý của nhà đầu tư khiến họ tin rằng không có rủi ro, ít ra cũng đã được bảo chứng bởi những dự án, lô đất, miếng đất mà doanh nghiệp "vẽ" ra. Mặt khác, doanh nghiệp thường đánh vào việc có nhiều người cùng đầu tư.

Thường nhà đầu tư sẽ nghĩ khoảng vài trăm triệu đầu tư vừa có lãi cao vừa đang có niềm tin nên chọn cách rót vào doanh nghiệp bất lương.

Một điều quan trọng nữa là tâm lý đám đông khiến nhà đầu tư thấy nhiều người cùng rót tiền nên "chắc nó không lừa mình đâu". Cuối cùng, người dân có hạn chế về hiểu biết pháp luật trong khi quyết định xuống tiền quá nhanh, chưa đọc, chưa hiểu điều khoản hợp đồng nên dễ bị gài bẫy.

Đầu tư liều, chuốc rủi ro

* Còn rất nhiều mô hình đầu tư khác cũng rầm rộ lấy đất đai, thậm chí những dự án ở nước ngoài để huy động vốn và cũng có điểm chung là lợi nhuận cao bất thường, liệu có rủi ro cao?

- Việc kêu gọi cá nhân đầu tư để kiếm lời với những cam kết lợi nhuận khác nhau, có thể đầu tư xuyên biên giới là hoạt động bình thường trên thế giới. 

Tất cả các mô hình ấy đều là sự phát triển, sáng tạo của thị trường tài chính. Tuy nhiên, nó phải dựa trên những nguyên tắc, cơ sở pháp luật hoặc ít ra cũng "nghe lọt tai". Nếu cứ chăm chăm vào lợi nhuận sẽ rất nguy hiểm. 

Chúng ta nên đặt vấn đề lợi nhuận đó đến từ đâu, vì sao họ trả cao như thế. Thời điểm bất động sản đang khó khăn như thế này mà sáng đóng 100 triệu, chiều lãi gấp đôi rõ ràng là quá bất thường. 

Nguyên tắc cơ bản là cam kết lợi nhuận cao rủi ro sẽ cao, chưa nói đến vi phạm pháp luật. Rất nhiều người làm liều, đầu tư liều mà không dựa trên cơ sở nào nên thường chuốc rủi ro cao.

* Vậy làm sao để tránh tiền mất tật mang khi đã trót rót tiền vào các dự án "ma" này?

- Đã đến lúc chúng ta nghiêm túc nhìn nhận ở góc độ pháp lý về việc bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp tổ chức vi phạm. Trong tương lai, cần phát triển thị trường đầu tư tài chính cá nhân, giúp người ta hoạch định khoản đầu tư cá nhân, có sự tư vấn, phản biện, cảnh báo rủi ro, tạo sự minh bạch trong đầu tư.

* Những dự án "ma" thường được quảng cáo rầm rộ, tổ chức ngay tại các địa phương nhưng dường như sự vào cuộc của chính quyền vẫn chưa rốt ráo?

- Cần phải xem xét đến trách nhiệm một cách mạnh mẽ hơn nữa nếu địa phương để xảy ra tình trạng doanh nghiệp đến dựng rạp "lùa gà" bán đất. Địa phương cũng cần sớm vào cuộc xác minh và có cảnh báo nếu đó là dự án "ma". 

Cuối cùng, cơ quan thực thi pháp luật cần mạnh tay, nghiêm minh với doanh nghiệp đang lợi dụng niềm tin của người dân để hút tiền, hút vốn người dân phi pháp nhằm bảo vệ những người có nhu cầu đầu tư tài chính.

Những chiêu thức "lùa gà" bất động sản

Sau khi công an triệt phá và bắt tạm giam ông chủ Công ty Lộc Phúc liên quan đến các dự án "ma", bà N.T.H. (cựu nhân viên Công ty Lộc Phúc) đã tiết lộ với Tuổi Trẻ về các chiêu thức "lùa gà" của doanh nghiệp này.

Theo bà H., công việc mỗi ngày của bà và hàng chục nhân viên khác là tìm kiếm các căn nhà đẹp và đăng lên mạng với giá rẻ bất thường để dụ khách hàng liên hệ xem nhà. Sau khi khách đến điểm hẹn, các nhân viên sẽ phân vai để dàn cảnh dẫn dụ khách vào uống cà phê rồi mời khách lên xe, kéo kín rèm và chở về Đồng Nai để xem đất.

Trên xe hoặc tại sàn giao dịch ảo ở Đồng Nai, các nhân viên bán hàng liên tục hối thúc khách hàng đặt tiền booking (đặt cọc) để có suất mua nhà hưởng ưu đãi nhưng thực chất lại là đặt cọc để mua đất tại dự án hoặc đặt mua một mảnh đất bất kỳ do doanh nghiệp tự "vẽ" ra.

"Sau khi khách chuyển 100 triệu đồng, các nhân viên sẽ dùng đủ mọi chiêu để hối thúc khách chuyển tiếp 60% giá trị thửa đất, nếu không có tiền thì nhân viên sẽ bày cách mượn tiền gia đình, thậm chí dẫn tới chỗ vay nặng lãi, miễn sao chuyển tiền cho công ty là được", bà H. chia sẻ.

Ngoài ra, theo bà H., còn một chiêu dụ khách hàng nữa là thông báo cho khách nhận được tour du lịch Phú Quốc trị giá 20 - 30 triệu đồng hay được tặng mã QR mua hàng siêu thị 10 - 20 triệu đồng và mời khách đến nhận để đánh vào lòng tham.

Khi đã leo lên xe, khách sẽ được phân ngồi cùng các nhân viên và diễn viên đóng vai người giàu có đang đi mua nhà đất, từ đó dụ khách mua đất.

Để khách chịu xuống tiền, các nhân viên sẽ tung chiêu là chỉ có năm suất ưu đãi booking được giảm 10% giá trị hoặc 100 triệu, do đó khách xuống tiền sẽ giành được suất, nếu không mua sẽ được trả lại tiền.

Khi khách phát hiện bị lừa thì công ty sẽ áp dụng nguyên tắc "khách hàng luôn luôn sai" bởi khách tự chuyển tiền, tự tay ký vào hợp đồng để rồi không trả lại tiền.

Triệt phá nhóm lừa vẽ dự án ma, "lùa" khách từ TP.HCM về Đồng Nai mua đấtTriệt phá nhóm lừa vẽ dự án ma, 'lùa' khách từ TP.HCM về Đồng Nai mua đất

Ngày 4-9, Công an tỉnh Đồng Nai cho hay vừa phối hợp Công an TP.HCM triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức vẽ “dự án ma” trên đất nông nghiệp bán cho khách hàng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp