13/08/2022 13:00 GMT+7

Phải mạnh tay để cứu rừng và biển Phú Quốc!

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TTO - Chuyện cả trên bờ lẫn dưới lòng đại dương đều đã và đang bị tàn phá khiến dư luận thực sự lo ngại cho đảo ngọc Phú Quốc, lo ngại công tác quản lý nhà nước ở đảo này đang bị thả nổi.

Phải mạnh tay để cứu rừng và biển Phú Quốc! - Ảnh 1.

Những bungalow xây dựng vươn ra khu bảo tồn biển ở xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc - Ảnh: SƠN LÂM

Trên bờ, nạn lấn chiếm "xí phần" đất rừng quốc gia Phú Quốc, phân lô xây công trình, cất nhà trái phép chưa kịp chặn đứng thì hiện nay Phú Quốc lại tiếp tục nóng bỏng khi phát hiện khu bảo tồn biển - nơi phải bảo vệ nghiêm ngặt - cũng bị xâm hại nghiêm trọng.

Những lo ngại của dư luận là có cơ sở khi đến đảo Phú Quốc vào dịp này. Theo ghi nhận của các phóng viên Tuổi Trẻ, không khó để nhận ra tình trạng hàng loạt công trình xây dựng trái phép cặp bờ biển, ven các đảo chạy dài từ nam đến bắc đảo vì các công trình này công khai xây dựng giữa thanh thiên bạch nhật, rầm rộ đóng cọc bêtông nhô ra biển, mọc hẳn trên mặt biển.

Phía bắc đảo thuộc xã Hàm Ninh - nơi được xem là vùng bãi ngầm cung cấp thức ăn của dugong, rùa biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng - một loạt công trình bungalow, cầu cảng, nhà hàng nổi với nhiều phòng nghỉ đã hình thành kiên cố nối nhau vươn dài trên mặt biển đón khách du lịch. 

Còn ở khu vực hòn Mây Rút Ngoài thuộc phường An Thới, một công trình cầu đi bộ dài hàng trăm mét đang được xây dựng bao trọn mũi đảo này. Máy trộn bêtông vẫn xình xịch, hàng chục công nhân vẫn đang miệt mài xây dựng, bất chấp dư luận phản ảnh việc xây dựng trái phép đang xôn xao khắp Phú Quốc. 

Chưa hết, cách đó không xa, một doanh nghiệp còn dùng tàu cỡ lớn vô tư thọc vòi xuống đáy biển bơm hút cát lấp 2.000m2 đáy biển mở điểm du lịch đi bộ dưới đáy biển ngay trong khu bảo tồn biển Phú Quốc với nhiều rạn san hô quý hiếm đang cần phải bảo vệ…

Trả lời báo chí, cả lãnh đạo UBND TP Phú Quốc và Vườn quốc gia Phú Quốc dù thừa nhận có tình trạng nhiều công trình xây dựng trái phép đang xâm hại nghiêm trọng khu vực bảo tồn biển, nhưng lại viện dẫn các lý do lực lượng mỏng; việc xây dựng này diễn ra trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 giãn cách xã hội; đã lập biên bản vi phạm; vườn quốc gia không đủ thẩm quyền xử lý… nên không phát hiện.

Công bằng mà nói, vài năm gần đây Phú Quốc được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế nên phát triển nóng với hàng loạt dự án du lịch mở ra, lượng khách du lịch đến đảo này ngày càng đông, công tác quản lý quy hoạch có phần quá tải. Thế nhưng, viện các lý do trên biện minh cho việc để hàng loạt công trình trái phép xây dựng cả trên rừng lẫn dưới biển như gần đây là chưa thấy trách nhiệm, khó thuyết phục được dư luận.

Thực tế những gì đang diễn ra cho thấy việc quản lý nhà nước trong quy hoạch đầu tư xây dựng tại đảo này đang bị buông lỏng. Nhiều ý kiến phản hồi của chính người dân Phú Quốc gửi về Tuổi Trẻ sau bài báo "Khu bảo tồn biển Phú Quốc: Tràn lan công trình trái phép" cho hay người dân đổ xe cát để sửa nhà cũng không thể qua mặt chính quyền sở tại. 

Thời gian dịch bệnh COVID-19 giãn cách xã hội lại càng căng hơn vì dân trên đảo muốn rời nhà ra chợ mua mớ rau, con cá đều bị các chốt chặn lại thì làm gì có chuyện máy móc, công nhân rầm rộ đổ bêtông làm bungalow, cầu cảng, đưa cả tàu cỡ lớn bơm cát mà chính quyền không hay biết? 

Chưa kể, những công trình này không chỉ làm trong một ngày, một đêm mà phải mất nhiều tháng mới xong. Vậy trong lúc những mẻ bêtông đầu tiên đổ xuống biển, xâm hại thô bạo vào môi trường biển, chính quyền và lực lượng chức năng Phú Quốc đang ở đâu…? 

Rõ ràng với những gì đang diễn ra trên đảo, quanh đảo, người dân địa phương bức xúc, có trách nhiệm buông lỏng quản lý của vườn quốc gia, chính quyền TP Phú Quốc và những đơn vị chức năng liên quan.

Thiên đường du lịch Phú Quốc đang ngày càng nổi bật trên bản đồ du lịch quốc tế, nhưng sẽ mất nếu cứ buông lỏng quản lý để tình trạng đua nhau xây dựng công trình trái phép, phá vỡ môi trường và cảnh quan rồi mới chạy theo đuôi lập biên bản xử phạt thì đảo ngọc sẽ mất lợi thế vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng.

Bởi vậy, để cứu Phú Quốc trước khi quá muộn, việc phải làm ngay là thành lập các đoàn công tác, tăng cường hỗ trợ nhân lực từ đất liền ra đảo nhằm kiểm tra xử lý các điểm nóng, mạnh tay kiên quyết đình chỉ, buộc phải tháo dỡ phục hồi hiện trạng ban đầu để răn đe.

Cần sự cải tổ, vào cuộc với quyết tâm chính trị cao, nâng cao vai trò quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền TP Phú Quốc để kịp thời phát hiện ngăn chặn ngay những mầm mống, từ những mẻ bêtông sai phạm đầu tiên mới có thể chặn đứng việc "làm sai, chịu xử phạt rồi tồn tại" lâu nay đã và đang tàn phá Phú Quốc.

Khu bảo tồn biển Phú Quốc: Tràn lan công trình trái phép Khu bảo tồn biển Phú Quốc: Tràn lan công trình trái phép

TTO - Từ vùng biển phía bắc xuống phía nam đảo Phú Quốc (TP Phú Quốc, Kiên Giang), hàng loạt công trình trái phép "mọc" nhan nhản. Những khu vực biển này đều nằm trong ranh giới khu bảo tồn biển do Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý.

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp