Con số của Bộ Y tế ngày 3-7 cho thấy có 54% bệnh nhân COVID-19 hoàn toàn không có biểu hiện lâm sàng, khoảng 40,4% khác có dấu hiệu nhưng ở mức nhẹ. Nhiều ý kiến cho rằng có nhiều căn bệnh khác nặng nề hơn COVID-19. Và vì vậy có thể "sống chung với dịch".
"Nhiều người trong đó có tôi khá bi quan về khả năng kiểm soát virus ở thời điểm hiện nay. Mọi dự báo về đỉnh dịch đều thất bại.
Nguyên nhân đã được mọi người phân tích rất nhiều nên tôi không nhắc lại nữa. Một bộ phận trong đó có cả các bác sĩ đã lên tiếng ủng hộ việc chấp nhận con virus này như cúm mùa, bỏ giãn cách xã hội và các biện pháp "mạnh" chúng ta đã triển khai từ khi dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam.
Tôi rất hiểu vì sao có sự thay đổi từ ủng hộ sang phản đối cách chống dịch hiện nay. Lý do thường được nhắc đến là nếu cách ly xã hội, kinh tế bị ảnh hưởng, người dân sẽ không đủ sức để chịu đựng, GDP giảm sút...
Còn nguyên nhân thứ 2 lại có liên quan đến khoa học, con virus lần này không quá nguy hiểm đến tính mạng với 80% không triệu chứng.
Tôi xin bắt đầu bằng khoa học trước. Với 80% không triệu chứng, xét về mặt quản lý sự phát tán virus trong cộng đồng còn khó khăn hơn rất nhiều so với có triệu chứng báo hiệu. Mức độ lây lan sẽ nhanh hơn, đặc biệt ở những nơi mật độ dân số cao.
Điều này lý giải vì sao số lượng ca mắc mới ở TP.HCM tăng nhanh đến vậy. Thử làm phép tính ví dụ virus lan đến 1 triệu dân, chúng ta sẽ có 200.000 người thực sự là bệnh nhân (thực sự có triệu chứng, cần chăm sóc).
Hệ thống y tế nào chịu đựng nổi nếu chỉ 10% trong số có triệu chứng trở nặng cần nhập ICU thở máy. Sẽ có người phản bác vì cho rằng số nhiễm không bao giờ tăng đến như vậy, nhưng nếu nhìn sang các nước Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ, chúng ta sẽ thấy sự lan nhanh của biến chủng virus này.
Không phải ngẫu nhiên những nước như Malaysia, Úc… đã vượt qua được các đỉnh dịch trước đây, bây giờ lại đóng cửa trở lại cho dù số lượng người được tiêm phòng chắc chắn vượt Việt Nam nhiều lần. Hệ thống y tế họ mạnh hơn chúng ta trong điều trị, nhưng cũng không dám mở cửa "nghênh chiến" với kẻ thù không màu, không vị, không mùi này.
Còn về kinh tế, nhiều người nói bỏ giãn cách kinh tế sẽ phục hồi. Mở cửa khách sẽ đến với chúng ta. Người nghèo sẽ lại kiếm được tiền để sống qua gian khó...
Nhưng theo tôi, lúc này mở ra cũng chẳng ai chơi với mình, kinh doanh 1, 2 ngày đã ế, mà lúc nào cũng bị con COVID-19 luẩn quẩn xung quanh làm sao mà khởi nghiệp thành công…
Giãn cách mọi người ai cũng gặp khó khăn. Không ai không bị ảnh hưởng, người it, người nhiều.
Lúc này vai trò điều tiết của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Những chính sách cụ thể cho từng ngành nghề, trong hoàn cảnh đặc biệt chưa từng có trong lịch sử cần ban hành vượt qua những quy định cứng nhắc trước đây.
Những gói hỗ trợ hàng chục nghìn tỉ cần phát huy tác dụng, đừng chỉ là hỗ trợ trên các phương tiện thông tin truyền thông, mà phải thực sự đến tay người yếu thế. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nên bỏ nốt "lương khô" của mình đã tích cóp bấy lâu mang ra sử dụng, vì không dùng lúc này thì đợi đến bao giờ?
Mục đích rõ ràng nhất là tiếp tục kiềm chế tối đa sự bùng phát dịch bệnh, đợi đến khi chương trình tiêm chủng phát huy tác dụng. Nghĩa là mặc áo "phao" cho đại bộ phận dân chúng trước khi sống chung với lũ.
Hôm nay chúng tôi đã bắt đầu tập huấn cho các y bác sĩ của bệnh viện sẵn sàng tham gia chống dịch, hỗ trợ các tỉnh thành phía Nam, cụ thể là Bình Dương.
Chắc chắn nhiều nhân viên y tế sẽ tiếp tục lên đường. Ngành y, lực lượng vũ trang và chính quyền các cấp sẽ làm hết khả năng của mình để hoàn thành nhiệm vụ bội phần khó khăn".
Tính đến 12h30 ngày 3-7, Việt Nam có tổng cộng 16.853 ca ghi nhận trong nước và 1.837 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27-4 đến nay 15.283 ca, cao hơn 5 lần so với thời điểm từ tháng 1-2020 (khi ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam) đến 27-4-2021.
Đáng chú ý, đến nay đã có 2 tỉnh thành có trên 5.000 ca mắc là Bắc Giang với 5.658 ca và TP.HCM với 5.185 ca, tính đến trưa nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận