08/04/2020 11:05 GMT+7

Phải lo trước cho 'hậu COVID-19'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - 'Chống dịch như chống giặc'. Hậu quả của một cuộc chiến bao giờ cũng nặng nề, thậm chí khốc liệt. Và điều khó nhất trong cuộc chiến đấu với virus corona mà cả thế giới đang phải đối mặt là chưa thể 'hẹn giờ' cho ngày toàn thắng.

Chúng ta chỉ có thể yên tâm khi nào có văcxin phòng ngừa và thuốc đặc trị cho người bị nhiễm loại virus tai quái này.

Chính vì vậy, mặc dù đã có tín hiệu lạc quan trong vài ngày qua nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn yêu cầu phải chủ động chuẩn bị phương án cho "làn sóng thứ 2" dịch COVID-19 có thể tái bùng phát.

Cũng vẫn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta không chỉ có chống dịch COVID-19, mà đồng thời vẫn phải duy trì lao động, sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.

Và bởi những hệ quả nặng nề mà "giặc virus" gây ra cho nền kinh tế - xã hội, điều rất cần thiết là phải lo trước, phải có kế hoạch cụ thể cho thời "hậu COVID-19", để tránh tư tưởng chủ quan, duy ý chí, "virus trì trệ"...

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có báo cáo khẩn gửi tới Thủ tướng, trong đó cho biết 3 tháng đầu năm nay, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã phát sinh số lỗ hơn 3.700 tỉ đồng, 7/19 đơn vị đã bắt đầu không cân đối được thu chi.

Chính phủ cũng vừa có báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về gói hỗ trợ (khoảng 62.000 tỉ đồng) hướng tới các đối tượng khó khăn, giúp họ vượt qua đại dịch.

Ước lượng số đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ lần này khoảng 20 triệu, tức là bước đầu xác định có 20 triệu người chịu tổn thương bởi cuộc chiến này.

Cho dù chỉ số tăng trưởng của VN quý 1-2020 vẫn là điểm sáng của khu vực, thì với nền kinh tế có độ mở rất lớn (giá trị tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP), chúng ta chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi các bạn hàng của chúng ta suy sụp.

Hơn nữa, phần lớn dân số VN vẫn chỉ có thu nhập ở mức trung bình thấp, dễ bị tổn thương khi kinh tế suy giảm. Người lao động trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực trong đại dịch, đặc biệt là những người lao động tự do sẽ chịu tổn thương nặng nhất.

Cộng đồng doanh nghiệp - đội quân tiên phong trên mặt trận kinh tế - đang gặp rất nhiều khó khăn, họ cần những chính sách hiệu quả để vượt qua đại dịch và khôi phục sản xuất.

Bởi những lẽ như vậy, rất cần những kịch bản, kế hoạch cụ thể cho công cuộc "tái thiết" thời hậu chiến. Như trên đã nói, trước hết phải phòng ngừa tư tưởng chủ quan, duy ý chí và chống "virus trì trệ" (cụm từ này Thủ tướng đề cập từ những ngày đầu chống dịch).

Hoàn toàn có cơ sở cho nỗi lo này nếu nhìn vào những khối bêtông, những đống đất cát và dây thép mà một số địa phương sử dụng để "ngăn sông cấm chợ" sau chỉ thị 16 của Thủ tướng, khiến chính người đứng đầu Chính phủ phải chấn chỉnh.

Hàng chục triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang chờ đợi các chính sách hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống, đồng thời mong nhìn thấy kế hoạch cho một tương lai xa hơn.

Muốn vậy, các cơ quan của Chính phủ phải đánh giá, phân tích, dự báo được tình hình Việt Nam và thế giới thời "hậu COVID-19" và chính quyền địa phương phải năng động bên cạnh người dân và doanh nghiệp.

Có lẽ, qua cuộc chiến đấu với dịch COVID-19 cũng sẽ giúp Đảng và Nhà nước nhận diện rõ hơn những vị lãnh đạo (ở các cấp) biết nhìn xa trông rộng.

Thêm 2 ca COVID-19 mới đều lây trong cộng đồng, cả nước 251 bệnh nhân Thêm 2 ca COVID-19 mới đều lây trong cộng đồng, cả nước 251 bệnh nhân

TTO - Sáng sớm nay 8-4, Bộ Y tế công bố 2 ca mắc COVID-19 mới, đưa tổng số bệnh nhân ở Việt Nam lên 251. Đáng chú ý cả 2 bệnh nhân mới đều lây trong cộng đồng, 1 người không rõ nguồn lây với nhiều yếu tố dịch tễ phức tạp.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp