Ông Đặng Hùng Võ - Ảnh: XUÂN LONG
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ:
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng từ nghiên cứu của cá nhân ông về quy định pháp luật ở thời điểm phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị Thủ Thiêm, lúc đó pháp luật không quy định về loại bản đồ quy hoạch và quyết định phê duyệt quy hoạch chung cũng không đả động tới loại bản đồ nào.
* Để tìm ra sự thật có hay không có bản đồ khi phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị Thủ Thiêm, theo ông cần bắt đầu từ đâu, cơ sở nào để trả lời người dân?
- Theo tôi, để có câu trả lời có hay không có bản đồ gốc Thủ Thiêm khi phê duyệt quy hoạch, chúng ta cần tư duy xem xét vấn đề này dưới nhiều góc độ và đặc biệt là hành lang pháp lý khi phê duyệt ở thời điểm 1996.
Thứ nhất, với câu chuyện Thủ Thiêm, cần nhìn nhận ở thời điểm quy định của pháp luật khi đó để giải mã chuyện này.
Thời kỳ bao cấp, quy hoạch là công cụ chủ yếu của nền kinh tế do Nhà nước chỉ huy tập trung và được coi là tài liệu mật, người dân không được biết. Cách quản lý như vậy tồn tại đến ngày Chính phủ ban hành nghị định số 91 ngày 17-8-1994 ban hành điều lệ quản lý quy hoạch đô thị.
Nghị định số 91 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của nước ta về quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch đô thị.
Kể từ 1-1-2010, Luật quy hoạch đô thị 2009 có hiệu lực thi hành mới tạo nên một khung pháp luật khá chặt chẽ về quy hoạch đô thị, gắn với bản đồ quy hoạch đô thị, gắn với trình tự, thủ tục thực hiện từng khâu trong quá trình quy hoạch và gắn với trách nhiệm của từng cấp chính quyền tham gia vào quá trình quy hoạch.
“Dư luận đang cần những kết luận đúng của UBND TP.HCM về việc bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm không có hay có mà thất lạc, thậm chí cũng cần cơ quan quản lý có liên quan vào cuộc làm rõ
Ông Đặng Hùng Võ
Như vậy, trước ngày 1-7-2004 (ngày Luật xây dựng 2003 có hiệu lực thi hành), pháp luật không có quy định về bản đồ quy hoạch.
Thứ hai, ngược lại câu chuyện Thủ Thiêm, cần xem xét thực tiễn của vấn đề bản đồ quy hoạch tại quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4-6-1996 phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Quyết định này chỉ có 3 điều, trong đó điều 1 phê duyệt các phân khu của khu đô thị mới Thủ Thiêm, điều 2 quy định trách nhiệm thực thi của các cơ quan nhà nước có liên quan và điều 3 là điều khoản thi hành.
Tôi nghiên cứu thấy trong quyết định này không có bất kỳ một từ "bản đồ" nào. Như vậy có nghĩa là quyết định phê duyệt quy hoạch cũng không nói gì tới bản đồ nào về quy hoạch.
Từ hai vấn đề trên, theo cá nhân tôi, không có bản đồ quy hoạch chung tỉ lệ 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm vì pháp luật không quy định về loại bản đồ quy hoạch và quyết định phê duyệt quy hoạch chung cũng không đả động tới loại bản đồ nào.
* Nhưng hiện vẫn có những bản đồ được cho là bản đồ gốc Thủ Thiêm được người dân nêu ra, trong khi bản đồ gốc từ phía các cơ quan quản lý đều chưa tìm thấy (nếu có). Theo ông, cơ quan chức năng phải làm gì để giải quyết câu chuyện "thực hư - hư thực" về bản đồ gốc Thủ Thiêm?
- Tôi cho rằng phải có sự vào cuộc chính thức của cơ quan chức năng trong việc rà soát, nghiên cứu cơ sở pháp lý khi đó, thực tế khi đó để có câu trả lời chính thức về việc khi phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị Thủ Thiêm ở thời điểm năm 1996 có bản đồ quy hoạch đi kèm hay không có.
Cơ quan quản lý phải trả lời rõ ràng câu hỏi này. Từ đó đối thoại với người dân đang có khiếu nại tố cáo về thu hồi đất, trả lời tất cả những câu hỏi của người dân dựa trên cơ sở pháp lý, luận cứ thấu đáo.
Chỉ có đối diện với thực tiễn khi đó, căn cứ pháp lý khi đó để đi thẳng vào thực tiễn rất phức tạp hiện nay thì mới giải quyết được vấn đề.
Thậm chí khi người dân đưa ra những bản đồ về tổng mặt bằng khu đô thị Thủ Thiêm, bản đồ có các con dấu thì cơ quan quản lý cũng phải luận giải cặn kẽ về quá trình hình thành bản đồ đó, cơ quan nào lập...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận