19/11/2010 07:48 GMT+7

Phải khen thưởng người tố cáo đúng

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Sáng 18-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật tố cáo. Nhiều đại biểu đề nghị nếu đã khuyến khích chống tham nhũng thì phải xem xét cả đơn nặc danh vì thực tế tình trạng trù dập người tố cáo vẫn còn...

* Việc thực hiện lời hứa: vẫn trong trạng thái “đang thực hiện”

Trong khi cơ chế bảo vệ người tố cáo trong dự luật, theo một số đại biểu, là rất chung chung thì nhiều đại biểu cho biết thực tế người tố cáo ở nhiều nơi vẫn bị trù dập, thậm chí “không sống nổi”.

Bỏ nhà vì đi... tố cáo

Theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), hiện nay có một số người đi khiếu nại, tố cáo bị cơ quan quy là tâm thần, đưa ra hội đồng giám định và đem nhốt vào một chỗ... Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) kể ở Bình Định cách đây hai năm đã xảy ra việc một người sau tố cáo “không sống được” vì cứ 12g đêm có người đem phân ném vào nhà đến nỗi phải bỏ nhà ra đi.

“Khi bỏ đi có người tới dỡ nhà luôn. Dân khóc báo công an, công an cũng chịu, đến giờ phút này cũng không có cách nào giải quyết. Muốn trích ra một khoản nào đó để khen thưởng thì cũng không có quy định nào”. Với thực tế đó, ông Dũng băn khoăn các biện pháp bảo vệ trong dự luật chỉ nói sẽ “áp dụng các biện pháp cần thiết” thì không rõ là biện pháp nào.

Đại biểu Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) cho rằng thẩm quyền của người giải quyết tố cáo trong dự luật chưa rõ ràng, “chỉ một vụ việc mà giao cho nhiều cơ quan nhưng không nói ai là đầu mối đóng vai trò chủ công”.

Lo ngại về tình trạng lòng vòng và khó quy trách nhiệm, ông Long đề nghị ban soạn thảo phải cân nhắc. Ngoài ra, ông Long còn cho rằng khi đã chế tài nghiêm minh những người tố cáo sai thì phải có cơ chế khen thưởng xứng đáng, phù hợp cho người tố cáo đúng.

Đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) cũng cho rằng quy định bảo vệ người tố cáo trong dự thảo luật còn mang tính nguyên tắc và thiếu cơ chế áp dụng trong thực tiễn. Vì vậy, cần quy định chặt chẽ, xác định rõ cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ cũng như trình tự thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo.

1lMNvNUU.jpgPhóng to

Đại biểu Huỳnh Phước Long (Trà Vinh):

Không thể khuyến khích tố cáo nặc danh

Tố cáo nặc danh là việc dám làm mà không dám chịu trách nhiệm, gây nhiều khó khăn cho người giải quyết. Chỉ xem xét các đơn có địa chỉ là phù hợp để tránh vu khống, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự người khác. Không nên xử đơn tố cáo nặc danh vì nếu xem xét hết rất tốn kém, người tố cáo cũng không rõ trách nhiệm.

fpGh7qh4.jpgPhóng to

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh):

Trong cát có vàng thì cần đãi để tìm thỏi vàng

Tôi hết sức trân trọng tố cáo nặc danh, nó cơ bản giống tố cáo qua điện thoại, email... Tôi quản lý một khu rừng, nếu 10 cuộc điện thoại tố giác mà có một cuộc đúng thì tôi đã hết sức mừng. Những thông tin đúng về vi phạm quý như vàng. Trong đống cát mà có thỏi vàng thì tôi nghĩ cần đãi để tìm thỏi vàng đấy.

Cần thụ lý tố cáo nặc danh nhưng có bằng chứng

Vấn đề “nhạy cảm” nhất trong dự luật tố cáo là tố cáo nặc danh đã được ban soạn thảo đề nghị không xem xét. Nhiều đại biểu đồng thuận nhưng nhiều ý kiến khác lại đề nghị cần xem xét.

Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho rằng dù dự thảo không công nhận, nhưng thực tế tố cáo nặc danh đang rất phổ biến. Theo bà Lan, không ít trường hợp người tố cáo bị trù dập, còn người bị tố cáo không việc gì nên dân sợ. “Vì vậy, nên quy định nếu tố cáo nặc danh nhưng có nêu được bằng chứng, nội dung cụ thể thì phải thụ lý”.

Cũng theo bà Lan, hiện có thực tế tố cáo đông người do một nhóm người bị ảnh hưởng, như người dân bị doanh nghiệp gây ô nhiễm phương hại. Bà Lan đề nghị nên mở rộng đối tượng được tố cáo ra cả tổ chức chứ không chỉ là cá nhân như dự luật quy định để tăng cường sức mạnh. “Nhiều quyết định cá nhân ảnh hưởng đến cả tập thể, nên cho phép tố cáo tập thể” - bà Lan nói.

Về hình thức tố cáo qua thư điện tử hoặc gọi điện thoại, gửi fax, tin nhắn, đại biểu Nguyễn Văn Tiên đồng ý với việc cho phép của dự thảo luật vì: “Việc quan trọng nhất là chúng ta xác định được danh tính, còn việc gửi email thì ta đã cho tính pháp lý trong Luật giao dịch điện tử. Chúng ta khuyến khích giao dịch tất cả các thứ mà bây giờ lại không giải quyết bằng con đường email thì tôi thấy không phù hợp”.

Gian lận đo lường: phải phạt thật nặng

Thảo luận về dự án Luật đo lường, nhiều đại biểu nêu bức xúc tình trạng gian lận trong đo lường hiện nay và đề nghị phải xử phạt thật nặng. Do thiết bị đo lường liên quan chặt chẽ đến sức khỏe, như thiết bị xét nghiệm, nhiều đại biểu đề nghị phải quy định chặt: tất cả phương tiện đo lường trước khi đưa vào sử dụng phải thử nghiệm, kiểm định.

Ông Đặng Như Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, đánh giá VN chưa có hệ thống đo lường chuẩn nên mới để xảy ra tình trạng lộn xộn, gian lận khiến dân bức xúc. Trong khi đó, dự luật đo lường lại chưa cụ thể, rành mạch với từng đối tượng, không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đọc xong dự luật, ông Lợi cho biết chẳng biết làm gì, thủ tục phải tiến hành ra sao khi bản thân bị xâm phạm về đo lường.

Theo đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh), hiện tượng đong thiếu đang rất phổ biến. Theo bà Kim Anh, đặc biệt là xăng dầu, người tiêu dùng vẫn đang bị móc túi, trong khi quy định hiện nay mức phạt không đáng kể, thấp hơn nhiều so với lợi nhuận mà người vi phạm có thể thu được. Với sự phổ biến đó mà dự luật chỉ quy định trách nhiệm UBND tỉnh là không đủ, Theo bà Kim Anh, cần quy định trách nhiệm của cả chính quyền cấp dưới để hạn chế bớt gian lận trong đo lường.

.......................................

Cụ thể, theo Văn phòng Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã hứa đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án, quản lý các trạm thu phí, đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc...

Theo báo cáo, dù bộ đã ban hành nhiều quyết định nhưng nhiều việc vẫn chưa hoàn thành. Như dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, bộ cho biết hiện còn bảy hạng mục dở dang, đến Tết Nguyên đán sắp tới mới hoàn thành nút giao thông Bình Thuận, một số hạng mục hoàn thành trong năm 2011.

Về đảm bảo an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải chủ yếu đưa giải pháp đã tiến hành nhiều năm như: nâng cao chất lượng tuyên truyền, xóa điểm đen, loại bỏ xe hết niên hạn, tăng cưỡng chế lái xe sử dụng chất kích thích...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã thực hiện được một phần lời hứa hoàn thiện cơ sở pháp lý về đăng ký, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết và hoàn thiện cơ chế xử phạt trong lĩnh vực giá.

Bộ đã ban hành thông tư quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp nếu kinh doanh mặt hàng theo quy định sẽ đều phải đăng ký giá. Tuy nhiên, chế tài cho việc này, bộ cho biết mới đang trình xin ý kiến các bộ, ngành về nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết đã thực hiện một số lời hứa như chỉ đạo tăng cường quản lý với các di sản văn hóa, thu hồi một quyết định xếp hạng di tích, đã tổ chức hội thảo để đề ra biện pháp khắc phục bất cập trong quản lý, tổ chức lễ hội...

Tuy nhiên, bộ cho biết chưa thể thống kê được tổng kinh phí tổ chức lễ hội, khánh thành, lễ kỷ niệm. Với những lễ hội có hình ảnh gây ghê sợ, bộ cho biết cần có thời gian vận động để nâng cao ý thức người dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết đã thực hiện một số giải pháp, chủ yếu là phối hợp, để thu hút, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Để ngăn chặn lâu dài, bộ cho biết vẫn đang xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật trên toàn quốc...

Bộ trưởng Bộ Công thương “nhận trách nhiệm” về thiếu điện

Trong văn bản trả lời một số đại biểu Quốc hội về tình trạng thiếu điện, chậm tiến độ các dự án điện, đặc biệt là trong văn bản trả lời đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã “nhận trách nhiệm”.

Cụ thể, theo ông Hoàng, Bộ Công thương đã giám sát, theo dõi chặt tình hình cấp điện, đã đề ra được nhiều giải pháp, yêu cầu EVN huy động tối đa các nguồn điện, nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần tình hình thiếu điện.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm để xảy ra thiếu điện vì “tuy không điều hành trực tiếp việc sản xuất và cung ứng điện, nhưng để xảy ra thiếu điện có phần trách nhiệm của Bộ Công thương”. Đại biểu

Huỳnh Nghĩa, khi trao đổi với Tuổi Trẻ, cho biết ông chưa hài lòng với trả lời chất vấn trên vì còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm cá nhân và giải pháp cụ thể.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp