Nông dân miền Tây phơi lúa sau thu hoạch
Mặc dù nông nghiệp ở ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức lớn chưa từng thấy, song đây vẫn là vùng có tiềm năng phát triển trở thành vùng nông nghiệp giàu có của đất nước, của khu vực và của hội nhập thế giới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết như vậy trong báo cáo tổng hợp tại Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL ngày 27-9.
Theo ông Cường, rất nhiều tác động tiêu cực đang tác động trực tiếp đến kinh tế xã hội, đời sống cư dân, tất cả các ngành kinh tế, các khu vực song có lẽ nông nghiệp - nông dân - nông thôn sẽ là những đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất.
Cụ thể là các vấn đề hạn, mặn dẫn đến lúa không đủ nước ngọt, thời vụ cũ sẽ có khó khăn do những sự thay đổi bất thường của thời tiết, khí hậu.
17.000 ha lúa đông xuân 2016-2017 bị bệnh, sâu năn cọng hành ở Kiên Giang, Cần Thơ do ảnh hưởng nền nhiệt thấp và mưa sớm.
Hoặc thiệt hại lúa Đông - Xuân và Xuân - Hè giai đoạn thu hoạch vừa qua do mưa lớn, mưa quá nhiều cuối vụ.
Sự thay đổi quy luật đó cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản mặn lợ, do sự thay đổi nhanh chóng độ mặn và môi trường nước.
Với cây ăn quả, sự thay đổi mùa mưa, tần suất, cường độ làm ảnh hưởng lớn quy luật sinh trưởng, là nguyên nhân nhiều loại quả, nhiều nhà vườn mất mùa vì không đậu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời báo chí bên lề hội nghị về phát triển ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC
Bộ trưởng Cường cho rằng nếu không kịp thời thay đổi nông nghiệp ĐBSCL sẽ có nguy cơ không còn trù phú, cải thiện sinh kế và việc làm người nông dân trở nên khó khăn hơn, do vậy có thể nói tác động đến khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn là lớn nhất, sớm nhất.
"Tuy nhiên, khó khăn đi kèm với cơ hội. Bài học thế giới đã chứng minh đất nước Israel khô cằn, mưa có vùng chỉ 70mm/năm, mặn đến mức biển chết, người ta vẫn xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại cho giá trị gia tăng rất cao", ông Cường nói.
Bộ trưởng Cường lấy ví dụ Hà Lan cũng chỉ 4 triệu ha đất tự nhiên như ĐBSCL, trong đó 2/3 diện tích nằm dưới mực nước biển vẫn có một nền nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu 120 tỉ USD.
"Để tạo nên những kết quả thần kỳ như trên, Việt Nam cần phải cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững trước các biến động đang diễn ra", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Theo đó, việc tái cơ cấu lại nền nông nghiệp phải dựa trên nguyên lý phát huy tối đa tính thích ứng tự nhiên các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới.
Quy hoạch vùng dựa trên quy luật vận hành nguồn nước, dựa trên sự phân vùng tương đối thượng nguồn sông, khu vực giữa và khu vực biển.
Hay cách phân loại theo địa hình sâu hơn 5 vùng, làm cơ sở cho việc lựa chọn các sản phẩm chủ lực tạo ra sự phù hợp nhất có thể, để tổ chức lại sản xuất.
Đây cũng chính là phát huy lợi thế so sánh, giảm thiểu rủi ro, hạ giá thành sản phẩm, tăng cơ hội lợi nhuận cao, theo ông Cường.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các tỉnh kết hợp với các thành phần kinh tế có chương trình cụ thể trong 5 năm 2018 - 2023 giải quyết căn cốt giống tốt cho ba nhóm sản phẩm chính: thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo bằng các giống chủ lực, đáp ứng cho sản xuất đủ sức cạnh tranh.
Sửa nhanh Nghị định 210 để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp để trở thành lực lượng liên kết hạt nhân.
Tập trung xây dựng các hợp tác xã kiểu mới cùng các trang trại lớn liên kết với doanh nghiệp hình thành sản xuất chuỗi ở các quy mô, cấp độ khác nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận