Đất đô thị, đất vùng ven, đất biển, đất vùng núi và đất nông nghiệp đều tăng giá theo các thông tin về đầu tư hạ tầng, quy hoạch đô thị, khu dân cư... thật có và giả cũng có.
Và sau đợt đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua, với mức giá trúng đấu giá cao ngất ngưởng nên dù đã có doanh nghiệp bỏ cọc nhưng giá nhà đất ở trong khu vực và vùng xung quanh đã bị đẩy lên một "tầm cao" mới.
Với việc giá đất cùng chi phí đầu vào tăng mạnh, các chủ đầu tư buộc phải tăng giá bán sản phẩm. Giá nhà, đất trong tương lai chỉ có tăng lên chứ khó giảm. Điều đó đồng nghĩa với việc giấc mơ sở hữu một ngôi nhà, một căn hộ của đại bộ phận người dân ngày càng trở nên xa vời hơn. Bởi giá một căn hộ tầm trung tại TP.HCM hiện cũng bằng 20 - 30 năm thu nhập trung bình của người dân...
Nhu cầu về nơi ở đạt chuẩn cho hàng triệu công nhân viên chức ở các công ty, cơ quan, xí nghiệp, khu công nghiệp tại TP.HCM ngày càng trở nên cấp bách. Không giải quyết vấn đề an cư, người dân rất khó có điều kiện an cư và những làn sóng "bỏ phố về quê" bất đắc dĩ như sau đợt giãn cách vừa qua sẽ còn tiếp diễn.
Các chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, cải tạo chung cư cũ, hỗ trợ vay mua nhà... thời gian qua đã có nhưng vẫn còn thiếu và không rõ ràng nên doanh nghiệp không mặn mà tham gia.
Bởi làm nhà ở xã hội hay nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng các điều kiện về đầu tư, pháp lý cũng khó khăn như nhà ở thương mại giá cao, doanh nghiệp sẽ chọn làm nhà bán cho người có nhiều tiền. Và tại TP.HCM, các căn hộ mới có giá 30 triệu đồng/m2 đang dần biến mất dù với đại đa số người lao động thì mức giá này đã là rất cao.
Do đó, đã đến lúc Nhà nước phải vào cuộc quyết liệt và nhanh chóng để lo nơi ở cho người dân. Đó là những chính sách đặc thù, những cơ chế đủ mạnh, hành lang pháp lý thông thoáng và hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.
Và hơn hết, đó phải là những chính sách khả thi, có kế hoạch để triển khai sớm, có các chỉ tiêu để giám sát được thay vì những lời hứa chung chung hay chiến lược dài hạn. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có chính sách và công cụ quản lý để kiểm soát chặt thị trường bất động sản, không để xảy ra tình trạng đầu cơ nhà, đất.
Cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin phát triển đô thị và dân cư... để loại bỏ những cơn sốt đất ảo, gây nhiễu loạn thị trường. Về lâu dài, cần có biện pháp ngăn chặn việc trốn thuế trong giao dịch bất động sản, có chính sách hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ đất...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận