23/12/2013 08:12 GMT+7

Phải giúp nông dân chuyển nghề

TRẦN MẠNH ghi - PGS.TS VŨ TRỌNG KHẢI
TRẦN MẠNH ghi - PGS.TS VŨ TRỌNG KHẢI

TT - Một sào lúa lời được hai bát phở (Tuổi Trẻ ngày 20-12) có thể làm nhiều người xót thương, nhưng đó là một thực tế không có gì bất ngờ với điều kiện đất đai hạn hẹp và các chính sách hỗ trợ người dân thời gian qua chủ yếu vẫn là “lời hứa”.

Bình quân ruộng đất VN quá thấp, chỉ có 0,8 ha/hộ; ở miền Bắc còn thấp hơn, chỉ có 0,3 ha/hộ. Làm nông nghiệp thu nhập thấp, hiệu quả không bằng những ngành nghề khác nên nông dân sẽ chọn ba cách ứng xử: bỏ hoang, cho thuê hoặc bán. Ngoài ra có một số người dân không hiểu luật nên đã làm đơn trả lại đất cho Nhà nước. Đây không phải là đất khoán như thời hợp tác xã ngày xưa nữa mà là đất được Nhà nước giao lâu dài theo luật để người dân sử dụng. Nếu không sử dụng nữa thì họ nên chọn cách bán, cho thuê hoặc để không và chỉ phải trả lại khi hết thời gian sử dụng đất mà thôi.

Theo tôi, phải đưa bớt lao động khỏi nông nghiệp mới tạo dư địa để tích tụ đất đai tạo ra các trang trại quy mô lớn, tạo điều kiện hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhưng xu thế rời bỏ nông nghiệp chỉ trở thành tiến bộ xã hội khi người nông dân kiếm được một nghề khác có thu nhập không chỉ cao hơn mà còn nâng cao được chất lượng sống của họ. Đáng tiếc là đa số người dân bỏ nông nghiệp lại đổ ra các đô thị lớn làm lao động phổ thông, tạm bợ. Rời nông thôn, người nông dân trở thành công dân hạng hai của các đô thị lớn với đời sống bấp bênh, không được hưởng phúc lợi xã hội, sống trong các khu nhà ổ chuột, con cái không được đến trường, ốm đau không được hưởng các chế độ y tế...

Do tính chất tạm bợ của nghề mới, bản thân người dân cũng chưa an tâm nên họ vẫn giữ lại mảnh đất ở quê làm đường lùi phòng khi sa cơ lỡ bước. Vì vậy, số nông dân trả lại ruộng đất thấp hơn nhiều so với số người để hoang hoặc cho thuê thời gian ngắn. Điều đó cũng cho thấy chưa có cơ chế bảo vệ nông dân thoát ly khỏi nông nghiệp và thực trạng này vô hình trung lại trì hoãn quá trình tích tụ ruộng đất, điều kiện tiên quyết để cơ giới hóa và hiện đại hóa nông nghiệp.

Tích tụ ruộng đất là quá trình tất yếu nhưng phải có điều kiện cần và đủ. Yếu tố cần là phải có khung pháp lý cho việc tích tụ và yếu tố đủ là người nông dân phải dịch chuyển ra được khỏi nông nghiệp. Do đó, nhiệm vụ của nền kinh tế là phải phát triển các ngành phi nông nghiệp (công nghiệp và dịch vụ) để hút lao động dư thừa ra khỏi nông thôn. Những ngành nghề này phải được tạo ra từ các đô thị vệ tinh tại địa phương thay vì chỉ tập trung vào các thành phố lớn. Người nông dân phải được thụ hưởng các chính sách, chương trình đào tạo nghề hiệu quả để họ chuyển đổi nghề nghiệp.

Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý (Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn) để khuyến khích tích tụ ruộng đất. Không thể tích tụ bằng cách dồn điền đổi thửa kiểu hàng đổi hàng như một số địa phương thực hiện thời gian qua mà phải thông qua cơ chế thị trường, đó là thuê và mua bán quyền sử dụng đất nông nghiệp. Không thể giúp nông dân giàu lên bằng cách bảo hộ nền sản xuất nhỏ lẻ. Bài học mới nhất là việc Nhật Bản đã từ bỏ bảo hộ nông nghiệp sau hơn 30 năm để tham gia vào cuộc chơi lớn Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. VN, với xuất phát điểm thấp hơn nhiều, càng không thể làm khác được.

TRẦN MẠNH ghi - PGS.TS VŨ TRỌNG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp