25/11/2023 09:37 GMT+7

Phải giúp người trồng lúa làm giàu

Phải tăng quy mô nông hộ, tập trung tích tụ đất lúa, đồng thời giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, nông dân liên kết hợp tác thông qua cánh đồng lớn, hợp tác xã... Có như vậy, nông dân mới có thể làm giàu được.

Người trồng lúa có lời nhiều nhất từ trước tới nay khi giá tăng cao, tuy nhiên người dân mong muốn được hưởng lợi lâu dài thay vì chỉ là nhất thời - Ảnh: CHÍ QUỐC

Người trồng lúa có lời nhiều nhất từ trước tới nay khi giá tăng cao, tuy nhiên người dân mong muốn được hưởng lợi lâu dài thay vì chỉ là nhất thời - Ảnh: CHÍ QUỐC

Một số chuyên gia đã khẳng định như vậy tại hội thảo "Giá lúa gạo tăng cao, làm sao người dân hưởng lợi lâu dài" - do báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang và Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức vào ngày 24-11.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã cảm ơn báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo rất ý nghĩa, rất thời sự trong bối cảnh giá lúa gạo đang tăng.

Đây cũng là sự kiện có tính bước ngoặt trong việc chuyển đổi tư duy về một ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, tăng trưởng xanh.

Phải thay đổi tư duy trồng lúa...

Cũng theo ông Hoan, chúng ta đã chuyển từ tư duy phát triển đơn giá trị sang đa giá trị trên một diện tích sản xuất, trong đó có sản xuất lúa. Vì vậy phải định vị lại thu nhập của người nông dân trồng lúa khác đi.

Theo đó, không chỉ là hạt lúa, hạt gạo mà còn là hoạt động khác từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến làm kinh tế như du lịch nông nghiệp và các nghề phi nông nghiệp khác.

"Đơn cử như ở Bạc Liêu, Sóc Trăng và một vài tỉnh phát triển mô hình con tôm ôm cây lúa (tôm lúa), lúa cá. Tôi đi nhiều nơi, nông dân nói thu nhập từ cây lúa chỉ là phụ, cái chính là tôm cá, đó là góc nhìn khác. Nghĩa là đó không phải là trồng lúa", ông Hoan nói.

Dẫn câu chuyện có người gửi clip cho mình xem cảnh nông dân làm du lịch, ông Hoan cho rằng phải chăng có cách tiếp cận nông nghiệp khác, tiếp cận nông thôn khác, tiếp cận thu nhập khác để tìm kiếm giá trị mới hơn là giá trị đong đếm bằng sản lượng.

"Đó là tâm nguyện của tôi gửi tới hội thảo và cũng là đơn đặt hàng của Bộ NN&PTNT với báo Tuổi Trẻ", ông Hoan nói thêm.

Ông Lê Văn Thiệt - phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là hai loại vật tư bà con nông dân sử dụng rất nhiều trên cây lúa và các loại cây trồng khác.

Không thể phủ nhận phân bón làm tăng năng suất cây trồng hơn 40%, còn thuốc bảo vệ thực vật giúp phòng trừ dịch hại, giữ vững năng suất, đưa nước ta dẫn đầu xuất khẩu nông sản, nhưng bà con nông dân sử dụng quá nhiều. Tại ĐBSCL, bà con bón phân trung bình cao hơn cả nước 42%, sử dụng phân hữu cơ chỉ 27%.

Do đó theo ông Thiệt, cần phải thay đổi tư duy khi đã có chủ trương chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và muốn vậy chúng ta phải áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả vật tư đầu vào cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên để ít ảnh hưởng môi trường, sức khỏe bà con nông dân.

Cũng theo ông Thiệt, thời gian qua, cục có đặt mục tiêu chung phát triển ngành bảo vệ thực vật theo hướng hiện đại, bền vững. Thứ nhất, tăng cường ứng dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý cây trồng tổng hợp, các tiến bộ kỹ thuật (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm).

Thứ hai, tăng cường, mở rộng các mô hình, phát triển sản xuất các vật tư đầu vào, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ. Thứ ba là mở cửa thị trường tạo điều kiện cho các nhà sản xuất chúng ta xuất khẩu ra thị trường thế giới.

"Cuối cùng là áp dụng công nghệ số để chỉnh đốn lại việc điều tra, phát hiện, dự báo, phần mềm quản lý dịch hại để làm sao tối ưu hóa trong bảo vệ thực vật, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, làm cho nông sản đảm bảo chất lượng ở thị trường cả nội địa lẫn xuất khẩu", ông Thiệt nêu.

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính (Đồng Tháp) - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính (Đồng Tháp) - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Để nông dân không chỉ no mà còn giàu

Trình bày phần tham luận tại hội thảo, TS Đặng Kiều Nhân, viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển (Trường đại học Cần Thơ), cho biết 10 năm trước giá thành sản xuất lúa chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, 5 năm trước ở mức 2.500 - 3.000 đồng/kg, nhưng nay đã ở mức 4.000 đồng/kg, riêng vụ lúa đông xuân có thể cao hơn. Vì vậy để có lời, người nông dân phải bán lúa có giá cao hơn 4.000 đồng/kg.

Trong bối cảnh đó, về giá trị tuyệt đối, giá phân bón tăng cao hơn giá lúa vô hình trung làm nông dân lạm dụng phân để tăng năng suất lúa.

Tuy nhiên, điều đáng nói là so với 10 năm trước bón phân tăng năng suất có hiệu quả, còn hiện nay không còn được như vậy.

Do đó, giải pháp đầu tiên để nông dân có lãi là làm sao cho giá thành sản xuất lúa đừng tăng nữa, thay vào đó giá bán lúa tăng, nối kết giữa nông dân và doanh nghiệp bền vững, có niềm tin thì nông dân sẽ có lời nhiều.

"Nông dân có càng lời càng giàu, doanh nghiệp càng lời càng giàu, ai cũng càng lời càng giàu thì mới hợp tác được; còn người giàu lên, người nghèo đi thì khó hợp tác" - ông Nhân nói và đề xuất thay vì các câu lạc bộ nông dân như trước đây thì cần có những câu lạc bộ nông doanh, tức là biến nông dân không chỉ giỏi về kỹ thuật mà phải giỏi về kinh doanh thì lúc đó nông dân mới hiểu về nguyên lý kinh doanh, mới hiểu doanh nghiệp. Khi nông dân đã hiểu doanh nghiệp thì mới làm ăn được với nhau.

Ông Bùi Bá Bổng - nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT - đặt câu hỏi "nông dân sẽ làm gì để có thu nhập cao?" rồi trả lời bằng đề xuất các giải pháp như tăng quy mô nông hộ (tập trung, tích tụ đất lúa), giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, nông dân liên kết hợp tác (thông qua cánh đồng lớn, hợp tác xã)...

Trong đó, ông Bổng nhấn mạnh "điểm nghẽn" trong tích tụ ruộng đất cần có chính sách mới tháo gỡ được.

Theo ông Bổng, bình quân trên cả nước, mỗi nông dân chỉ có 0,2ha đất, số hộ có quy mô trên 2ha chiếm chưa tới 3%. "Đảng và Nhà nước đã có chủ trương về việc này nhưng vì sao không đưa vào thực tế cho nhanh?", ông Bổng đặt vấn đề.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của việc liên kết để nông dân làm giàu, trong đó đề xuất đầu tiên phải liên kết ngang (nông dân - nông dân) trước thông qua hình thức hợp tác xã đủ mạnh. Khi liên kết này tốt, doanh nghiệp sẽ tìm hợp tác xã liên kết để hình thành liên kết dọc (nông dân - doanh nghiệp).

"Bây giờ phải liên kết nông dân với nông dân trước, rồi mới liên kết với doanh nghiệp. Có như vậy, thu nhập nông dân mới được cải thiện", ông Bổng đề xuất.

* Ông Trương Cảnh Tuyên (phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang):

Vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở

Phải giúp người trồng lúa làm giàu- Ảnh 3.

Giá lúa đạt cao kỷ lục khiến nông dân phấn khởi, vui mừng nhưng vẫn có nhiều băn khoăn, trăn trở.

Doanh nghiệp gặp khó khăn về chế biến lúa gạo, nông dân cũng không biết diễn biến dự báo kéo dài được bao lâu, trong khi giá cả đầu vào liên tục biến động ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

Chúng tôi mong các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đóng góp, gợi mở các giải pháp.

Trên cơ sở đó, Hậu Giang nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung sẽ đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp với mục tiêu đưa ngành lúa gạo nước ta lên một tầm mới.

* Ông Lê Thanh Tùng (phó cục trưởng Cục Trồng trọt):

Cần nghiên cứu về an ninh thu nhập

Phải giúp người trồng lúa làm giàu- Ảnh 4.

Trong lúc làm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, một chuyên gia WB người Brazil có nói về vấn đề "an ninh thu nhập" mà tôi rất tâm đắc câu này.

Đó là để người dân hưởng lợi lâu dài như chủ đề của hội thảo cũng đồng nghĩa với an ninh thu nhập.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng xem việc hưởng lợi lâu dài có phải là an ninh thu nhập của người nông dân không, từ đó chúng ta có nghiên cứu.

Tôi cho rằng nếu thời gian tới nông dân còn tiếp tục hưởng lợi, hội thảo chúng ta có tác động tích cực với tổ chức sản xuất của người nông dân.

* Ông Phan Văn Nhơn (giám đốc HTX Bình Hòa):

Cần nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm để tăng giá trị hạt gạo

Phải giúp người trồng lúa làm giàu- Ảnh 5.

Chúng tôi đã sản xuất lúa chất lượng cao rồi, vấn đề là chỉ có năm nay tăng giá thôi chứ mấy chục năm nay không tăng.

Do đó, các nhà khoa học, doanh nghiệp phải nghiên cứu bánh gì, bột gì hoặc các sản phẩm gì đó để tăng giá trị hạt lúa lên, người dân mới hưởng lợi được.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần đầu tư mạnh cho nghiên cứu, làm sao tạo giống nào chất lượng nhất, giống ăn không tiểu đường, không mỡ máu, không đột quỵ.

Cái này không phải một ngày một bữa là làm được mà cần thời gian dài 5 năm, 10 năm.

Vấn đề chúng tôi trăn trở nhất là liên kết. Nước ta 80% sản xuất nông nghiệp, người sản xuất là thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thể...

Vì vậy, những tổ chức này cần vận động người dân sản xuất đúng chuẩn, rút ngắn chuỗi giá trị lúa gạo bán cho doanh nghiệp mới được. Hợp tác xã có vài người mà quản lý hơn 1.500 thành viên, tính luôn gia đình của họ thì hơn 6.000 người, bằng dân số của một xã. Việc này rất khó.

Việt Nam có lợi thế trồng lúa vượt trội, nông dân sẽ thịnh vượng nếu làm theo cách nàyViệt Nam có lợi thế trồng lúa vượt trội, nông dân sẽ thịnh vượng nếu làm theo cách này

So với Thái Lan và Ấn Độ, Việt Nam có vùng trồng lúa thâm canh ở Đồng bằng sông Cửu Long vượt trội về thủy lợi, nhiều giống chất lượng cao, cùng với trình độ của nông dân ngày càng cải thiện đã đưa tới năng suất cao vượt trội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp