Vừa có một công bố kết quả khảo sát gây choáng váng dư luận tại hội thảo “Luật thi hành án dân sự - Từ góc nhìn doanh nghiệp” do Bộ Tư pháp và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 26-2 tại Hà Nội.
Đó là công bố của ban pháp chế VCCI về khả năng thu hồi nợ của đội ngũ thi hành án thua xa so với lực lượng... “xã hội đen”. Cụ thể: tỉ lệ thành công khi thuê “xã hội đen’’ thu hồi nợ cao đến 90% trong khoảng thời gian 15-30 ngày, còn nếu khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài tới... 400 ngày.
Khảo sát trên còn cho biết thêm khi sử dụng phương án khởi kiện tại tòa án và cơ quan thi hành án, chủ nợ phải bỏ ra khoản chi phí bằng 20-30% khoản nợ, chưa kể tiền lót tay và các khoản chi phí không chính thức khác. Trong khi nếu sử dụng “xã hội đen”, chi phí bỏ ra chiếm 40-70% khoản nợ nhưng không có chi phí phụ nào. Ngoài ra còn một phương án nữa là thu nợ bằng cách thuê các dịch vụ thu nợ hợp pháp thì thời gian trung bình khoảng 60-90 ngày, tỉ lệ thành công 70-80%.
Tại hội thảo, VCCI cũng công bố kết quả thực hiện cuộc khảo sát nhanh với câu hỏi về sự lựa chọn một trong ba phương án thu hồi nợ trên thì phương án khởi kiện ra tòa án và sử dụng cơ quan thi hành án chỉ giành được gần 30% lựa chọn.
Sử dụng “xã hội đen” cho việc thu hồi nợ phải tốn khoản chi phí quá lớn, kèm theo đó là nhiều rủi ro khi phải giao dịch với những người hoạt động bất hợp pháp và không tôn trọng luật lệ. Vấn đề đặt ra là tại sao người dân lại có xu hướng chấp nhận giải pháp bất hợp pháp với chi phí cắt cổ và có nguy cơ rủi ro cao?
Có những giao dịch có sự khuất tất nên không đưa ra tòa được (nên phải trông cậy vào “xã hội đen”), nhưng còn số đông những giao dịch khác thì sao? Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia pháp lý đều cho rằng do hệ thống thi hành án dân sự hiện chưa đáp ứng được với tình hình cuộc sống, còn những người đại diện ngành thi hành án cho rằng do hệ thống pháp luật còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, có lẽ phải kể thêm là khả năng đáp ứng yếu với công tác thi hành án có thể còn bao gồm cả chất lượng đội ngũ của ngành...
Kinh tế càng khó khăn thì tranh chấp càng tăng cao, nhất là đặc điểm của kinh tế Việt Nam trong đợt khủng hoảng lần này là nguồn cơn từ bất động sản. Vì vậy, việc thu hồi nợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong năm nay và sắp tới chắc sẽ diễn ra với tần số cao.
Sự tồn tại của “xã hội đen”, chưa kể về mặt pháp luật, đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức làm ăn chân chính nào cũng đều là điều không thể chấp nhận. Thi hành án là khâu cuối cùng bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật. Cho nên khó thể chấp nhận thực tế đang diễn ra về khả năng kém cỏi của hệ thống thi hành án so với “xã hội đen”. Việc công bố và bàn luận khả năng vượt trội về việc thu hồi nợ của “xã hội đen” cao hơn hẳn đội ngũ thi hành án, vì vậy mà cần thiết. Và cần thiết hơn nữa là phải phân tích, đánh động để có những cải cách cấp bách trong hệ thống thi hành án nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này, có như vậy mới bảo vệ niềm tin của dân chúng đối với công quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận