Phố cổ Hội An - Ảnh: T.B.D.
Năm 2017, Hội An đón 3,2 triệu lượt du khách. Với diện tích khu phố cổ chỉ 0,3km2 nhưng mỗi ngày đón gần 1 nghìn lượt khách đến tham quan, Hội An chịu áp lực rất lớn và những điều không mong muốn đã xảy ra.
Cũng như bao điểm du lịch khác, khách đến Hội An cũng bị chặt chém, chèo kéo, thậm chí bị đánh đập và cướp tài sản.
Thống kê cho thấy, năm 2016 Hội An xảy ra 57 vụ vi phạm hình sự thì năm 2017 có 80 vụ, nhiều vụ trong số này là cướp giật, trộm cắp.
Những thông tin này đã làm buồn lòng những người yêu Hội An và làm cho thương hiệu du lịch Hội An ít nhiều bị ảnh hưởng.
Không gian phố cổ yên bình, tĩnh lặng và con người Hội An thuần hậu, có bề dày văn hóa trong ứng xử, giao tiếp làm nên hồn cốt của Hội An đang dần bị mai một.
Với hai lần được UNESCO vinh danh vì làm tốt công tác bảo tồn một đô thị cổ còn nguyên vẹn qua bao biến thiên của lịch sử, di sản văn hóa Hội An đã trở thành một thương hiệu du lịch toàn cầu.
Khách đến Hội An không phải chỉ để chiêm ngưỡng kỳ quan kiến trúc, bởi trên thế giới có rất nhiều đô thị cổ như thị trấn Annecy (Pháp), Albarracin (Tây Ban Nha), Alberobello (Italy), thành cổ Lệ Giang (Trung Quốc)...
Điều hấp dẫn của Hội An đối với du khách năm châu không chỉ không gian yên bình của phố mà còn vì sự thuần hậu, tử tế của con người Hội An, sự an bình của môi trường xã hội.
Có được điều đó, bao lớp người Hội An đã ra sức gìn giữ, vun đắp. Từ những năm 1990, khi du lịch mới manh nha phát triển, Hội An đã có những quy định gìn giữ thuần phong mỹ tục riêng cho mình như du khách vào viếng chùa không được mặc áo ba lỗ, váy ngắn; toàn thành phố không có điềm massage, không có các quán cắt tóc thanh nữ, chỉ có "nam cắt tóc nam, nữ cắt tóc nữ", không có các quán bar, vũ trường…
Những quy định nghe rất trái tai ấy đã làm cho Hội An khác biệt. Bởi theo lãnh đạo Hội An thời ấy, khách đến Hội An là để tìm hiểu nếp sống của cư dân phố cổ, để đi dạo trong không gian thanh bình, tĩnh lặng, để ngồi bên vỉa hè nghe hát bài chòi, nghe người dân Hội An chơi đàn, xem đánh cờ...
Hội An không thu hút khách bằng mọi giá với các quán bar, nhạc sống ầm ĩ, không có các tụ điểm cờ bạc. Nếu làm vậy, Hội An cũng sẽ đánh mất cái vốn riêng của Hội An.
Và người dân Hội An mặc nhiên công nhận điều đó. Chính họ đã cộng sức với chính quyền làm cho Hội An thêm đẹp, lung linh hơn trong lòng khách quốc tế bằng sự đối đãi chân tình, bằng cách làm du lịch thân thiện, coi khách là người nhà và luôn lấy sự tử tế làm trọng.
Suốt nhiều năm liền, Hội An được các tổ chức du lịch có uy tín trên thế giới bầu chọn là điểm đến an toàn và hấp dẫn nhất hành tinh. Đó là phần thưởng lớn nhất dành cho những nỗ lực không ngừng của chính quyền và cư dân Hội An. Con số khách du lịch từ vài trăm nghìn lượt của năm 2005 đến nay là hơn 3 triệu lượt đã minh chứng sự hấp dẫn riêng có của Hội An.
Với đặc thù riêng của di sản văn hóa Hội An, nên giữ cho Hội An không xô bồ, không làm mất đi không gian yên bình của phố cổ. Hội An cần có một cơ chế riêng để quản lý, điều hành các hoạt động thương mại - du lịch.
Và đề xuất này Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc, do đó Hội An cần cụ thể hóa cơ chế này bằng biện pháp quản lý đô thị sao cho kinh tế du lịch của thành phố vẫn phát triển nhưng phải giữ được hồn cốt của Hội An.
Giữ cho Hội An có sức hấp dẫn riêng bằng sự bình yên, hiền hòa vốn có của nó là việc phải làm, đó là sự sống còn của du lịch Hội An.
Việc này đòi hỏi chính quyền Hội An phải có giải pháp căn cơ và quan trọng hơn là sự chung tay, góp sức của người dân. Chính người dân Hội An đang hưởng lợi và giàu có từng ngày từ sự phát triển du lịch.
Do đó, hơn ai hết, họ phải là người cộng lực với chính quyền để giữ cho Hội An mãi là điểm đến an toàn, thân thiện của du khách năm châu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận