07/09/2016 08:00 GMT+7

Phải giảm thu phí dự án BOT cầu Cổ Chiên hơn 5 năm

LÊ THANH - NGUYÊN DƯƠNG
LÊ THANH - NGUYÊN DƯƠNG

TTO - Đó là kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong báo cáo kiểm toán dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên (nối Trà Vinh - Bến Tre) vừa được cơ quan này thực hiện.

Cầu Cổ Chiên nối Bến Tre với Trà Vinh - Ảnh: T.T.D.

Theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), cần giảm lợi nhuận nhà đầu tư hơn 433 tỉ đồng, giảm lãi vay hơn 1.000 tỉ đồng và giảm thời gian thu phí dự án 5 năm 24 ngày.

Theo báo cáo kiểm toán, dự án BOT cầu Cổ Chiên gồm hai dự án thành phần với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 3.305 tỉ đồng.

Dự án thành phần 1 là xây dựng cầu Cổ Chiên theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp ngân sách nhà nước, có tổng mức đầu tư 2.308 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 1.044 tỉ đồng, còn vốn nhà đầu tư BOT là 1.264 tỉ đồng.

Dự án thành phần 2 xây dựng đường dẫn và các cầu trên đường dẫn được đầu tư 100% vốn từ ngân sách nhà nước (996 tỉ đồng). Qua kiểm toán, phát hiện hàng loạt sai phạm của các đơn vị tham gia dự án và cả phía Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Chỉ định nhà thầu

Theo phương án ban đầu được Bộ GTVT trình Thủ tướng, nguồn vốn của dự án gồm ngân sách trung ương đầu tư phần đường và các cầu trên đường dẫn giai đoạn 1 khoảng 1.790 tỉ đồng, kinh phí giải phóng mặt bằng trên địa phận hai tỉnh do ngân sách các địa phương chi trả khoảng 410 tỉ đồng.

Nhà đầu tư sẽ đầu tư phần cầu Cổ Chiên theo hình thức hợp đồng BOT khoảng 1.700 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Bộ GTVT trình phương án cân đối nguồn vốn cho dự án khi chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - đầu tư. Hậu quả là trong quá trình triển khai, phương án tài chính của dự án thành phần 1 đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT không còn khả thi.

Do đó phải tiến hành điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện dự án.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án được khởi công cuối năm 2010 và hoàn thành năm 2014 nhưng thực tế đến cuối năm 2013 dự án mới bắt đầu được thi công.

KTNN còn chỉ ra sai phạm trong việc lựa chọn nhà đầu tư BOT. Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ định nhà đầu tư BOT do tính cấp bách của việc xây dựng công trình khi chưa có báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch - đầu tư.

Thực tế, sau khi được Thủ tướng đồng ý cho phép chỉ định nhà đầu tư BOT thì sau gần ba năm Bộ GTVT mới chính thức lựa chọn được nhà đầu tư BOT cho dự án là liên doanh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 và Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc.

Đó là chưa kể Bộ GTVT không thực hiện công tác xây dựng và công bố danh mục dự án, việc này làm hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án, giảm đi tính công khai, minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư BOT.

KTNN đề nghị Công ty TNHH đầu tư Cổ Chiên chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác lựa chọn nhà thầu, đàm phán ký kết hợp đồng.

Theo quy định, khi thực hiện dự án có từ 30% vốn ngân sách nhà nước trở lên thì phải thực hiện đấu thầu theo Luật đấu thầu để chọn nhà thầu tham gia chứ không được phép chỉ định.

Dự toán sai, đội chi phí đầu tư

Ngoài các sai phạm trên, báo cáo kiểm toán cho hay tính đến thời điểm kiểm toán là 31-12-2015, tổng chi phí đầu tư dự án chỉ 1.977 tỉ đồng chứ không phải 2.155 tỉ đồng như báo cáo.

Như vậy dự án phải giảm chi phí đầu tư hơn 174 tỉ đồng, trong đó chi phí được cắt giảm nhiều nhất là xây dựng với hơn 90,5 tỉ đồng.

Qua công tác thanh tra của thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện chênh giá so với quy định tới 43 tỉ đồng. Quá trình tổ chức xét thầu không phát hiện những đơn giá bất thường trong hồ sơ dự thầu.

Đơn cử như đơn giá lợp tôn úp nóc của nhà ăn ở cán bộ công nhân viên có mức dự thầu là 98.969 đồng/m, nhưng khi ký hợp đồng là 15.632.309 đồng/m, tăng 15.795%.

Báo cáo kết luận của KTNN cho thấy trong quá trình nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn giám sát, chủ đầu tư chưa kiểm soát chặt chẽ khâu tính toán lại khối lượng của hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công, dẫn đến sai cách tính, tính thừa khối lượng.

Qua kiểm toán phải giảm trừ hơn 1,577 tỉ đồng, gồm: sai khối lượng hơn 1,5 tỉ đồng, sai đơn giá trên 49 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay có lãi suất thực tế phát sinh và đưa vào chi phí đầu tư dự án chưa phải là lãi suất hợp lý, làm tăng giá trị lãi vay là 9,1 tỉ đồng.

Doanh nghiệp chưa báo cáo hạch toán để đưa vào giảm chi phí đầu tư dự án phần thuế VAT được hoàn, giá trị phần được hoàn thuế đến 19-6-2015 là 56.480.487.399 đồng. KTNN kiến nghị giảm 56 tỉ đồng tiền hoàn thuế trong chi phí đầu tư dự án...

Với sai sót nêu trên và số liệu kiểm toán dự án, KTNN kiến nghị giảm thu phí 5 năm 24 ngày so với mức được Bộ GTVT phê duyệt. Tức là thời gian thu phí, hoàn vốn dự án được giảm từ 16 năm 11 tháng 1 ngày còn 11 năm 10 tháng 7 ngày.

Kiến nghị nâng tỉ lệ phần vốn của nhà đầu tư BOT

Trên cơ sở kiểm toán dự án cầu Cổ Chiên, KTNN kiến nghị Bộ GTVT chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc phê duyệt chỉ định thầu chưa phù hợp, không thực hiện công tác xây dựng và công bố danh mục dự án. 

Riêng Ban quản lý dự án 7, KTNN kiến nghị thu nộp ngân sách 693 triệu đồng, giảm giá trị đề nghị thanh toán 7,7 tỉ đồng và hơn 30 tỉ đồng là giá trị chưa đủ điều kiện thanh toán của hạng mục thi công giếng cát xử lý nền đất yếu.

KTNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi nâng tỉ lệ quy định về phần vốn tự có của nhà đầu tư đối với các dự án giao thông vận tải thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT.

Do các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông thường có tổng mức đầu tư rất lớn, nhu cầu vốn và thời gian thu hồi vốn dài từ 15-25 năm. Nhưng thực tế, tỉ lệ vốn tự có của nhà đầu tư tham gia thấp nên phần vốn vay để đầu tư lên tới 85-90% tổng vốn đầu tư dự án BOT.

Do đó, chi phí lãi suất vay cao như đối với dự án cầu Cổ Chiên, nhà đầu tư ký hợp đồng tín dụng với lãi suất bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng cộng 4,5%/năm, làm đội giá thành dự án và là nguyên nhân khiến phí sử dụng đường bộ cao và thời gian thu phí kéo dài.

Nhà đầu tư nói gì?

Theo một nguồn tin từ Ban quản lý dự án 7 - đại diện chủ đầu tư, đơn vị này chưa nhận được báo cáo kiểm toán về dự án cầu Cổ Chiên của KTNN khu vực IV. Tuy nhiên, trước đó đơn vị này cũng có giải trình dự thảo một số vấn đề mà kiểm toán nêu.

Trả lời Tuổi Trẻ về kết luận của báo cáo KTNN nhận xét “dự án thành phần 1 triển khai sớm hơn 8,5 tháng trước khi được Bộ KH-ĐT cấp giấy chứng nhận”, đại diện chủ đầu tư cho rằng quy định là như vậy nhưng do thủ tục lâu.

Trong khi dự án cần đẩy nhanh để đi vào khai thác và có thể trong quá trình chờ đợi làm thủ tục thì lãi ngân hàng tăng, do đó chủ đầu tư phải làm song song. Tức là vừa làm thủ tục vừa triển khai thi công.

Tương tự, việc xây dựng trạm thu phí trước khi có ý kiến của Bộ Tài chính cũng nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Về kết luận dự án có từ 30% vốn nhà nước phải đấu thầu, vị này nói: "Dự án cầu Cổ Chiên đã có quyết định tách ra hai thành phần vận hành độc lập. Có nghĩa là phần BOT riêng, còn phần vốn ngân sách nhà nước riêng.

Lúc này thành phần vốn BOT đã độc lập rồi thì có quyền tự làm việc với nhà thầu. Tuy nhiên, quan điểm của KTNN lại khác, nhìn tổng thể dự án có vốn nhà nước nên kéo theo hình thức lựa chọn nhà thầu cũng khác".

MẬU TRƯỜNG

LÊ THANH - NGUYÊN DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp