VN đến nay đã ký kết 10 Hiệp định thương mại. Như vậy, VN đã có quan hệ thương mại với 55 nước, trong đó 15 nước là thành viên của nhóm G20. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ chi phí vốn, trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) đánh giá thì DN nội khó có cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước khi lãi suất vay vốn 9-10%/ năm trong khi các DN ngoại vay chỉ 1-2%/ năm.
Để DN nội đi lên, ngoài mong muốn giảm lãi suất cho vay từ 1-2%, các ý kiến cho rằng cần phải có một loạt các chính sách hỗ trợ DN ngay từ khi khởi nghiệp như quản trị DN, công nghệ…
GS. Nguyễn Đức Khương (IPAG Business School - Pháp):
Chi phí vốn lớn, DN nội không có cửa đi lên
Rất khó cho các DN trong nước của VN trong điều kiện cạnh tranh trong môi trường hội nhập. Muốn cạnh tranh tốt, ngoài vấn đề về đổi mới công nghệ, thay đổi quản trị DN… thì DN phải giảm được chi phí.
Bản thân chi phí vốn quá lớn thì chúng ta khó thể giảm được các chi phí khác. Đơn cử hầu như các nguồn nguyên vật liệu phải mua như ngành dệt may,... nhập tới 90% thì các nước có thể dùng sự phục thuộc này để tăng giá nguyên liệu để gây khó khăn cho chúng ta. Cộng thêm với lãi suất cao nữa thì DN nội không có cửa để đi lên.
GS. Nguyễn Đức Khương (IPAG Business School - trí thức Việt Nam tại Pháp) |
Các chính sách điều phối tài chính của nhà nước cần phải có sự cân đối giữa hệ thống ngân hàng với các đơn vị vay vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Thực tế, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn còn cao hơn lợi nhuận của các DN sản xuất. Đây là một vấn đề. Chỉ có cách giảm lãi suất cho vay qua việc các ngân hàng hy sinh lợi nhuận. Tất nhiên các ngân hàng có thể có nhiều cách khác nhau để giữ lợi nhuận như mở rộng thị trường, có thêm nhiều dịch vụ...
Ông Trần Anh Vương, phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội
Cần giảm lãi suất cho vay dù chỉ 0,5-1%/ năm
Trong bối cảnh hiện nay, khi lượng tồn kho còn nhiều, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, DN rất mong muốn lãi suất cho vay giảm dù chỉ 0,5-1%/ năm.
Lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn cao 8-9%/ năm và tiếp cận khó. Nếu lợi nhuận là 11-12% thì DN sẵn sàng vay với lãi suất 8-9% để duy trì sản xuất. Nhưng với điều kiện thị trường, của nền kinh tế như hiện nay thì lợi nhuận của DN chỉ 3-5% thôi nên chi phí vốn là quá lớn.
Có những lãi suất rất thấp cho những DN không có nhu cầu vay vốn, còn với những doanh nghiệp cần tiền để hoạt động sản xuất kinh doanh thì lãi suất lại rất cao. Đó là cái giá của sự rủi ro. Hiện nay cả ngân hàng và DN đang phải trả giá với những sai lầm từ năm 2009.
Vì thời điểm đó lãi suất vay chỉ 10%/ năm mà được hỗ trợ 4% nên nhiều DN đã mở rộng đầu tư quá lớn, thậm chí đầu tư dàn trải. Nên đến năm 2010 thì lãi suất lên đến 18%, có thời điểm 24%/ năm. DN lên kế hoạch đầu tư khi lãi suất 6% nhưng khi lãi suất lên gấp 3-4 lần thì đương nhiên sẽ bị thua lỗ.
Ông Trần Anh Vương, phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội |
DN mong muốn lãi suất cho vay chỉ là mong muốn thôi. Vì nhìn từ thực tế, lãi suất đến hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ có thể xuống khi trái phiếu chính phủ bán với giá thấp. Dù tháng 5, việc huy động trái phiếu chính phủ có khó khăn hơn nhưng lâu nay, ngân hàng luôn đổ tiền đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Như vậy, tiền tập trung đổ vào đầu tư hạ tầng và vào các DN lớn, tập đoàn kinh tế của nhà nước. Mặt nhìn thấy được là GDP tăng, việc làm tăng nhưng chỉ với các DN lớn thôi. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ thì mãi mãi khó khăn.
Đất nước phát triển, hội nhập, DN lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển. Nhưng DN nhỏ và vừa được gì không? Đó là câu hỏi đối với các nhà làm chính sách. Đại diện cho DN, tôi nói thật là hầu hết DN nhỏ, siêu nhỏ sẽ và mãi cực kỳ khó khăn.
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN:
Phải giảm lãi suất cho vay thêm 1-2% nữa
Cần phải hỗ trợ DN ngay từ khi khởi nghiệp. Lo ngại lớn nhất hiện nay để DN trong nước cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại khi sức ép hội nhập là quy mô của chúng ta quá nhỏ bé. Nhìn sang các nước, số lượng DN nhỏ và vừa chiếm đa số còn DN lớn chỉ 1-2%.
Nhưng họ khác ta là doanh nghiệp vừa rất đông với nền quản trị DN chuyên nghiệp, còn ta thì hầu hết là các DN nhỏ và siêu nhỏ với quản trị DN yếu, chưa minh bạch. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này, tôi cho rằng tiến trình này phải mất hàng chục năm và phải có chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN |
Cụ thể: Bên cạnh việc khuyến khích cho ra đời các DN bằng việc đơn giản hóa thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh, nhà nước cần phải nâng cao chất lượng thành lập của DN VN. Một mặt DN phải nỗ lực, song nhà nước nên có một loạt chính sách như hỗ trợ DN khởi nghiệp qua công tác đào tạo, quản trị DN, công nghệ… để cho ra đời các DN mới dựa trên nền tảng của công nghệ, của sự sáng tạo.
Tôi đặc biệt lưu ý là công tác quản trị DN rất quan trọng, dù DN quy mô nào thì cũng phải hoạt động chuyên nghiệp và theo chuẩn mực thế giới.
Trước mắt, tôi cũng đồng ý với việc cần phải giảm lãi suất cho vay thêm 1-2% nữa. Chứ chi phí vốn hiện nay quá lớn, ăn hết lợi nhuận của DN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận