23/10/2022 11:20 GMT+7

Phải 'giải nam trị' khi đọc Xuân Quỳnh

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - So sánh (cả thơ và số phận nghiệt ngã) Xuân Quỳnh với nữ thi sĩ Nga Marina Tsvetaeva (người đã treo cổ tự tử), TS Hà Thanh Vân đề xuất một góc nhìn khác về nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh, một sự nữ tính "phi truyền thống".

Phải giải nam trị khi đọc Xuân Quỳnh - Ảnh 1.

Các bạn trẻ tham quan khu trưng bày về Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ tại Bảo tàng Văn học ngày 22-10 - Ảnh: T.ĐIỂU

Cả một lễ hội thơ với một cuộc tọa đàm từ các tiến sĩ (6/8 người góp tham luận tại tọa đàm có học vị tiến sĩ), chiếu phim tài liệu, "tour thơ", buổi đọc thơ hát dành riêng cho nữ sĩ Xuân Quỳnh do nhóm Se sẽ chứ tổ chức đã diễn ra ngày 22-10 tại Bảo tàng Văn học.

Lần này là một sự kiện riêng cho Xuân Quỳnh chứ không phải sự kiện chung cho cả hai vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mà nữ nhà thơ thường được đặt ở vị trí nép sau người chồng tài hoa như các sự kiện kỷ niệm trước đây.

Tọa đàm Xuân Quỳnh - Một cách nhìn khác tuy diễn ra ở Hà Nội nhưng các diễn giả đến từ TP.HCM lại chiếm đa số, bao gồm nhà thơ Ý Nhi, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, các tiến sĩ văn học Hồ Khánh Vân, Hà Thanh Vân, thạc sĩ văn học Đào Thị Diễm Trang.

Tình cờ, cả hai tham luận của hai nữ tiến sĩ đến từ TP.HCM là Hồ Khánh Vân và Hà Thanh Vân đều nói về tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh. So sánh (cả thơ và số phận nghiệt ngã) Xuân Quỳnh với nữ thi sĩ Nga Marina Tsvetaeva (người đã treo cổ tự tử), TS Hà Thanh Vân đề xuất một góc nhìn khác về nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh, một sự nữ tính "phi truyền thống".

Đó là Xuân Quỳnh dám sống thành thật với cảm xúc của chính mình cả trong thơ và ngoài đời, cho dù việc ấy có dẫn bà tới đâu, tới khổ đau hay hạnh phúc. Đây là cách mà ít phụ nữ ở thời đại của bà dám sống.

Còn TS Hồ Khánh Vân khẳng định không thể phủ nhận tính nữ đậm đà trong văn bản thơ Xuân Quỳnh như cách bà xưng "em", các bài thơ bà viết về phụ nữ như Thơ vui về phái yếu, Viết cho mình và những cô gái khác… 

Nhưng giá trị của Xuân Quỳnh không chỉ là đưa ta về miền nữ tính quen thuộc mà bà tinh tế, sắc sảo hơn thế. 

Nên khi đọc Xuân Quỳnh, cần đọc bằng cái nhìn phi giới tính, thậm chí vươn tới "siêu giới tính", phải "giải nam trị". Nhưng thực tế, khảo sát những luận án tiến sĩ về thơ Xuân Quỳnh cho bà Khánh Vân thấy rằng lâu nay đã có quá nhiều luận án đi vào đào sâu tính nữ (theo nghĩa truyền thống - PV) của Xuân Quỳnh rất bền bỉ.

Trong tọa đàm, có ý kiến thẳng thắn nói "rất ghét" cách mà lâu nay người đời thường đặt "chị Quỳnh là hậu phương của Lưu Quang Vũ", đòi vị trí ngang bằng cho nữ thi sĩ. 

Và khi câu hỏi "Vì sao thơ Xuân Quỳnh không phải là quá xuất sắc nhưng lại được bàn nhiều và yêu nhiều như thế?", rất nhiều luận án tiến sĩ về thơ bà có thể thấy ngay ở tọa đàm này được đặt ra trong phần thảo luận cuối giờ, câu trả lời cho thấy góc nhìn quen thuộc, tình yêu quen thuộc bấy lâu nhiều thế hệ dành cho Xuân Quỳnh. Bà cho đến nay vẫn được yêu thật nhiều, đặc biệt là phái nữ.

Bà Thanh Vân cho rằng mỗi độc giả, tùy vào "tầm đón đợi" của mình mà nhìn thơ Xuân Quỳnh ở một góc nhìn khác nhau. 

Nhưng khi mà một tác giả còn được người ta nói đến, nhắc về, không bị lãng quên thì có nghĩa là tác phẩm của họ có giá trị. Bà Minh Thái thì khẳng định Xuân Quỳnh sở dĩ được nhiều người thích vì thơ bà đụng được vào tình tự của dân tộc và nói theo cách nói của Chế Lan Viên, thơ Xuân Quỳnh cứa vào lòng bạn đọc.

Bản 'tiểu sử văn học' tự khai của nhà thơ Xuân Quỳnh Bản "tiểu sử văn học" tự khai của nhà thơ Xuân Quỳnh

TTCT - Một tư liệu quý để hiểu thêm về nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, nhân kỷ niệm 80 năm sinh của bà (6-10-1942), do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nghiên cứu và tập hợp. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trân trọng giới thiệu.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp