Phóng to |
Thu hoạch cá tra tại xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang - Ảnh: Chí Quốc |
- Tình trạng doanh nghiệp nợ tiền của người nuôi cá tại các tỉnh ĐBSCL kéo dài 2-3 năm nay. Đặc biệt là năm 2013 mức độ nhiều và phổ biến hơn. Hiệp hội chưa thống kê được có bao nhiêu vụ nông dân bị chiếm dụng vốn nhưng qua tìm hiểu thực tế thì tình trạng này khá phổ biến, gần như tỉnh nào cũng có người dân bị doanh nghiệp nợ từ vài chục triệu, vài trăm triệu tới một vài tỉ đồng.
* Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh khánh kiệt?
- Đối với sản phẩm lúa, tôm thì nông dân cũng bán cho doanh nghiệp như cá tra nhưng tình trạng nợ chỉ xảy ra đối với cá tra. Theo tôi, do lúc đầu nuôi cá tra quá lời, thậm chí có lúc nông dân bán nợ cho doanh nghiệp cũng có lời. Nhưng giai đoạn 2010-2011 khi ngành cá tra bắt đầu suy yếu, mối quan hệ mua bán này trở nên phức tạp, nếu dân không bán tiếp thì doanh nghiệp không chịu trả tiền. Thứ hai là người nông dân đã đầu tư (ao nuôi, nhân công...) cơ bản hết rồi, buộc phải nuôi tiếp, mà đã nuôi thì phải bán, mà bán thì tiếp tục phải bán chịu cho doanh nghiệp chế biến chứ bán cho ai.
Doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất cao lại bán giá thấp, thậm chí đầu tư ngoài ngành nên trong một thời gian có xuất khẩu nhưng vẫn còn âm và dần dần đi đến kiệt quệ không có tiền trả cho nông dân.
* Việc nợ nần này kéo dài không được giải quyết thì gây ra hệ lụy gì, thưa ông?
- Nông dân nuôi cá luôn ở thế yếu so với doanh nghiệp, phải phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Thái độ của nông dân đối với doanh nghiệp trong những trường hợp này là họ không dám kiện, hi hữu lắm mới có trường hợp kiện doanh nghiệp ra tòa đòi nợ, còn đa số phải cắn răng chịu đựng. Tôi đã gặp trực tiếp một số hộ dân bị doanh nghiệp nợ tiền mua cá nhiều năm chưa trả, họ nói là không dám kiện vì sợ kiện rồi không biết bán cá cho ai.
Thực tế là hai bên mua và bán có sự chênh lệch nhiều về quyền lực thị trường, nếu để kéo dài hoài sẽ làm suy yếu ngành cá tra. Do mua và nợ nông dân, không bị áp lực lãi suất nên doanh nghiệp dễ dãi hơn trong bán sản phẩm cho đối tác nước ngoài, chứ không thận trọng như khi phải vay ngân hàng. Rồi từ đó dẫn đến thói quen của đối tác là anh bán mà không cho nợ thì tôi không mua.
Phóng to |
Ông Võ Hùng Dũng - Ảnh: C.Quốc |
* Có dịp tiếp xúc với nông dân và các hợp đồng mua bán cá, ông thấy nông dân thường bị thiệt thòi gì trong các hợp đồng này?
- Chủ yếu là ở điều khoản thanh toán và vấn đề kiện tụng vì những điều khoản trong đó rất mù mờ. Ví dụ như khi ký hợp đồng, nông dân thường ghi nợ một tháng nhưng thực tế bên mua (doanh nghiệp) nợ 5 - 6 tháng thì không quy định cụ thể phải thế nào, có kiện tụng gì hay không. Hợp đồng mua bán này thường do doanh nghiệp soạn và nông dân là người thiệt.
* Lối ra nào cho vấn đề nợ nần này, ông có khuyến cáo gì cho nông dân?
- Tôi cho rằng nông dân phải mạnh dạn kiện doanh nghiệp. Bởi nếu tiếp tục để tình trạng chây ì này thì doanh nghiệp càng làm tới, bất lợi không chỉ riêng nông dân mà cả ngành cá tra. Việc khởi kiện có thể có chút khó khăn nhưng có mạnh dạn quyết liệt khởi kiện những doanh nghiệp dây dưa thì mới chặn bớt lòng tham của doanh nghiệp trong việc chiếm dụng vốn nông dân. Ngoài ra, người dân cũng nên thương lượng hợp đồng theo nhóm 4-5 người. Hiệp hội Cá tra thấy rằng ngân hàng nên nhập cuộc giải quyết vì hiện nay họ lúng túng, thấy doanh nghiệp như vậy là không cho vay, mà càng không cho vay càng “chết” vì doanh nghiệp còn “sống” thì ngân hàng mới thu hồi được nợ.
Tôi nghĩ sắp tới phải có một nhóm công tác có đại diện của ngân hàng, ban chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cá tra, Hiệp hội Cá tra VN và doanh nghiệp để cùng nhau phân loại các doanh nghiệp, từ đó có giải pháp giúp đỡ họ, dứt khoát không để nợ ở khu vực nuôi nữa. Riêng phía ngân hàng, nếu cho vay mà có ràng buộc là tiền vay này phải có địa chỉ người bán rõ ràng, tiền này dùng trả tiền mua cá mới được cho vay thì sẽ giải quyết được tình trạng nợ nần đối với nông dân.
* Ông Lê Chí Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang): Nạn doanh nghiệp mua cá chậm thanh toán, chiếm dụng vốn của nông dân đã tồn tại lâu nay. Gần đây do gặp khó về xuất khẩu, về vốn sản xuất kinh doanh nên tình trạng này càng phổ biến. Nhiều doanh nghiệp không có tiền vẫn đứng ra mua cá rồi cứ để nợ kéo dài nhiều tháng, thậm chí cả năm trời. Hiệp hội có nhận được một số đơn kêu cứu của nông dân nhờ can thiệp, nhưng đây chỉ là con số nhỏ, vì phần lớn người nuôi cá bị chiếm dụng vốn đều chọn giải pháp... năn nỉ, thương lượng để doanh nghiệp tranh thủ trả dần cho mình. Họ không dám khởi kiện doanh nghiệp bởi... chặng đường kiện tụng để đòi được nợ khá nhiêu khê, mất nhiều thời gian, phải đóng án phí lớn. * Ông Thái An Lai (phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp): Chuyện doanh nghiệp nợ tiền mua cá, chiếm dụng vốn của nông dân kéo dài vốn rất phổ biến, tỉnh nào cũng có và đang là vấn nạn ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển nghề nuôi cá tra. Thế nhưng các cấp chính quyền địa phương, ban ngành, cũng như hiệp hội đều không thể nắm được con số cụ thể. Bởi phần lớn nông dân đều cố... bấm bụng chịu đựng, chứ không dám “kêu” vì sợ mất lòng với doanh nghiệp sẽ khó bán cá sau này, phần sợ phía ngân hàng biết sẽ không còn cho vay như trước. Các doanh nghiệp cũng giấu giếm, chẳng bao giờ tiết lộ số nợ tiền mua cá của nông dân. Nếu tình trạng này kéo dài, nông dân rất khó khăn, không còn khả năng nuôi tiếp. Đ.VỊNH ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận