15/03/2016 09:08 GMT+7

Tiền Giang khoan giếng, đắp đập ngăn sông lấy nước ngọt

THANH TÚ
THANH TÚ

TTO - Ngày 15-3, ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, cho biết vài ngày tới Nhà máy nước BOO Đồng Tâm sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng vì nguồn nước tại Sông Tiền bị mặn xâm nhập vượt ngưỡng cho phép.

Một góc nhà máy nước BOO Đồng Tâm - Ảnh: Thanh Tú

Ông Pháp giải thích: “Theo tiêu chuẩn qui định, chỉ được lấy nước sinh hoạt khi độ mặn không quá 0,3g/lít. Tuy nhiên, độ mặn trên sông Tiền đoạn qua Nhà máy nước BOO Đồng Tâm mấy ngày qua đã đạt đến 4-5 g/lít. Dự báo trong đợt rằm tháng hai (âm lịch) tới độ mặn tại đây sẽ cao hơn nên ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà máy BOO Đồng Tâm”.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành), hiện nhà máy có một hồ chứa nước dự trữ khoảng 600.000m3.

Ngoài ra trong những giờ nước kiệt, nhà máy vẫn có thể lấy nước khoảng vài giờ/ngày nên vẫn đảm bảo việc cung cấp khoảng 70.000m3 nước sinh hoạt cho TP. Mỹ Tho và các huyện phía đông.

Đề bù đắp cho nguồn nước có thể bị thiếu hụt trong những ngày tới, UBND tỉnh Tiền Giang đang có giải pháp khẩn trương khoan giếng lấy nước ngầm.

Ngoài giải pháp dùng giếng khoan, giải pháp đắp đập ngăn sông Sáu Hầu - Xoài Hột (cách Nhà máy nước BOO Đồng Tâm khoảng 500m) để lấy nước ngọt từ kinh Nguyễn Tất Thành bơm nước cung ứng cho Nhà máy nước BOO Đồng Tâm cũng đã được duyệt kế hoạch chi tiết. Dự kiến trong tuần tới sẽ tiến hành thực hiện.

 

Thường xuyên đo độ mặn để lấy nước ở nhà máy BOO Đồng Tâm - Ảnh: Thanh Tú

Ông Lê văn Hưởng, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho rằng giải pháp khoan giếng và đắp đập ngăn sông tuy là giải pháp tình thế nhưng với tình hình xâm nhập mặn hiện nay thì để có đủ nước ngọt cung ứng cho dân xài thì không còn cách nào khác.

Theo ông Hưởng, để có đủ 70.000m3/ngày đêm (tới đây nếu kéo đường ống sang huyện Tân Phú Đông thì cần đến 100.000m3/ngày đêm) thì phải khoan 50 giếng. Các giếng này sẽ được bố trí tại các trạm nước dọc theo đường ống BOO Đồng Tâm.

“Vấn đề nan giải hiện nay là để khoan đủ số giếng này phài cần ít nhất một tháng nên trong thời gian chờ đợi khoan giếng thì phải đắp đặp ngang sông để lấy nước ngọt khẩn cấp cung ứng cho dân xài”, ông Hưởng nói.

Trong khi đó, nguồn nước cung ứng cho sản xuất lúa của Dự án ngọt hóa Gò Công đã phải cắt hoàn toàn vì không còn nguồn cung.

Ngoài hơn 25.000ha lúa có thể coi là ăn chắc thì diện tích còn lại khoảng 5.000ha (trong đó 1.100ha thiệt hại hoàn toàn) địa phương đang tổ chức bơm từ nguồn nước đang có trong kênh, mương để cứu được phần nào hay phần nấy.

 

 

 

 

THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp